ĐỜI SẬY

  

ĐỜI SẬY
                          THƠ TRÀO PHÚNG
.

  tranh của Ford Smith




THAY TỰA

Đôi trang giấy nhỏ,
ghi lại cuộc đời cơ cực “con đỏ dân đen”.
những xóm mạc bần hành.

Người nghèo khổ đôi khi như lau sậy,
trước giông bão gió mưa,

trước bầy thú hoang dã.

Nhưng tự ngàn đời,

mầm non vẫn theo nguồn cội lên xanh
trổ bông thanh khiết.

La Ngà, 1994



      

     ĐOÀN THUẬN


.





LỜI ĐẦU SÁCH.

 




         1. Những dòng trong tập này là những ghi chép đôi điều liên quan đến đời tôi, trong khoảng thời gian từ 1954 về sau.                 .                              .     
         Sau ngày đình chiến, tôi từ quê lên tỉnh tự kiếm sống và đi học, thấy gì, nghe gì, nghĩ gì, ghi lại như thế. Phần lớn tôi ghi vội trên vở học, trong nhật ký cá nhân, không phải là thơ sáng tác, dù có vần điệu.                       
.                                                                      .
          Năm 1970, xuống Hà Tiên dạy học, tôi tự chọn lấy những bài tạm được, gom vào một tập để ghi dấu quảng đời lưu lạc ở phương Nam, nhưng chưa có tên sách.    

               .
         
          
Hà Tiên, 1970.                                   .
               Trần văn Thuận.   

                                  


          2. Sau 1975, ngẫm lại, tự thấy tôi như một cây sậy bị gió bão lũ lụt bao mùa vùi dập, có khi, bị loài thú gậm đến tận gốc, nhưng vẫn sống giữa mênh mông đất trời. Bạn tôi, nhiều người đã sớm từ giã mái trường, tha phương cầu thực. Nay, có người yên nghỉ trong lỏng đất Mẹ, có người từ ngục tù trở về cùnnhau xây dựng quê hương. Ở hoàn cảnh nào, trong tôi, họ vẫn như Bông Sậy trắng thơm trước bình minh.                   

        
         Để ghi nhớ điều ấy, tôi lấy ĐỜi SẬY đặt tên cho tập sách.                      
.

        
Tân An, 1990.                                           .
             Cát Sỹ                                


          3. Khi về hưu, tôi có dịp đi thăm đôi nơi trên quê hương và nhận thấy bao điều khốn khổ. Hai miền thống nhất đã nhiều năm, nhưng lòng người còn nhiều nỗi đau ly tan. Nước Nhà độc lập nhưng hàng triệu người vẫn phải di tản di dời, lưu lạc xa quê. Dân nghèo không khác chi lau sậy trước sương gió nắng mưa.
              
.                 
         Tôi ghi bổ sung vào trang viết cũ vài cảnh đời bất hạnh đau thương
.                  .                                       .
            La Gi,2003.                                    .
           Đoàn Thuận.                      



phận
dân nghèo

Dân đen chân đất qua thời gian
Ước mong tìm được đất bình an,
Gieo đôi hạt giống nuôi mầm sống
Giật mình ngoảnh lại đời tan hoang.



Nghiệt ngả hẩm hiu thân phận người
Đôi khi cát lên một tiếng cười
Bên bờ khói lửa bao xác chết,
Giữa dòng lịch sử đẫm máu tươi.

”Tự do hạnh phúc” bị cầm tù
Giam hảm nỗi đau trong mịt mù
Tiếng than thấm ướt lời nước mắt
Trang viết nhạt nhòa giữa thực hư.

        Khánh Hội, 2014


tranh của Thomas Sully














NHƯ LAU SẬY



Lịch sử nụ hoa không hạn theo tháng ngày.
Cuộc đời lau sậy chưa hẳn từ mầm cây,
mà trải xuân thu qua biết bao chuyển dịch,
nguồn mạch sắc màu trụ mãi dưới trời mây.


Cuộc sống con người đâu khác chi cỏ cây.

Lau sậy trầm luân qua đất nước bùn lầy,

nắng quái mưa sa cùng bảo giông lũ lụt,

gốc rễ thân chồi nhuận thắm nhựa đắng cay

 

 

PHẬN LAU SẬY


1
Hàng lau sậy ven bờ suối bên sông
ru lời gió sương vi vu bềnh bồng
thân gầy guộc lá cành xanh mỏng mảnh.
yên nhiên bên trời muôn mùa thơm bông.

Sậy rậm lau thưa nương nhờ bên nhau,
khi mưa dầm dề, lúc nắng hạn hanh hao,
nơi đầm hoang, chốn đồng không núi vắng
dù già cỗi mỏi mòn, dù non tơ xanh xao.

Mùa thản nhiên trôi, đôi khi giông tố về,
sông hồ rừng núi mưa rơi lê thê,
gió quét rạp cây mịt mù cát bụi
nước soi gốc bật, thân trôi dạt bốn bề.

2.
Bao cỏ cây ngỡ lụi tàn tang thương
sau bão giông đời tan tác thê lương
nhưng đất cũ cội xưa vẫn nuôi mầm sống
sậy lên xanh, cờ lau trắng dịu hương.

 

 

SẬY ĐẤT


Một cơn lốc thốc vào sậy liêu xiêu.
Thân gầy guộc nghiêng bên ruộng ban chiều
Gió tao tác tạt xô về hoang dã
Dập nát đầu cành lá giữa quạnh hiu.

Một bầy sói, theo lốc, rình cánh đồng.
Trên mảnh đất bao đời của tổ tông.
Tiếng sói tru hoang mang lời rừng rú.
Khiến muôn loài động chuyển khắp non sông.

Gốc sậy già bám rễ vào đất xưa.
Hàng sậy non ngóng trời lên từng mùa.
Và tất cả đồng tâm mọc đứng thẳng.
Sậy che làng giử đất trước gió lùa.

 

 

CỜ LAU


Cờ lau trổ trắng một sớm mai.
Khiết thanh soi bóng trên sông dài.
Ẩn hiện ngàn năm trong lịch sử.
Dẫn bước dân lành về tương lai.

                        Tranh của  Denis Octubre
                                         
nguồn internet

 

DẶM DÀI
cùng
LAU SẬY



lầm lủi đi qua những mùa gặt hái
lạnh dầm mưa ướt đẫm sương đêm
nóng phơi trần cháy sạm màu nắng hạ.

từ gió mưa đất cằn chui lên sống
loài lau sậy bên sông.

    La Gi, 1972


XUÂN THÌ LAU TRẮNG

 

Bóng mùa tháng mấy
nước rẫy về khe
phố phượng con ve
hát nhè lất phất

Mưa rơi về đất
ru mật vào hoa
mây trắng phương xa
la đà bóng nước

Một con chim thước
bay ngược sông ngân
chức nữ bao lần
bâng khuâng cổ tích.

Đôi bờ tịch mịch
xê dịch về đâu
một thoáng mưa ngâu
bên cầu cổ độ

Bãi dài sóng vỗ
mấy độ hao mòn
trăng rụng sau non
rừng còn bóng núi

Hoàng hoa bên suối
người nuối tiếc gì
nhớ nớ quên ni
xuân thì lau trắng

Vườn không dậu chắn
mưa nắng tháng ngày
nắm chặt hương đầy
ngửa tay còn gió

Người qua cõi nọ
buồn đọ mênh mông
có có không không
dòng sông vẫn chảy.


MẦM  SẬY



Đêm trả lại đời buổi binh minh tinh khiết
lũ đơi bay tán loạn sau chiều
khuất vào hoàng hôn da cam

Đêm trả lại đời bầu trời xanh ấm nắng
người khát khao bình yên
quê hương áo cơm em thơ giấc ngủ
cỏ cây khát khao biếc xanh
rừng núi sông hồ ruộng đồng hoa trái

Đêm trả lại lời ca dao Mẹ
mầm sậy lau nứt mộng lên thơm.

 

 

MẦM HẠT


một ngày hạt mộng trở mầm
nhựa nguồn từ thuở bụi lầm đất xưa
duyên thầm hoá kiếp hoa mưa.

hoa như rơi đã bao mùa
sắc màu cùng gió sương đùa nước mây
nơi đâu tình thắm cỏ cây

ngó sen qua cõi bùn lầy
xuân thu đắp đổi hương bay về trời
một ta ngồi ngắm bóng chơi

  

PHẬN HẠT RÀI

 

Hạt giống chim gieo miền đất lạ,
Thân rài mọc dại phó cho mùa.
Mầm khô hạn cháy thiêu trời nắng,
Mộng úng triều dâng ngập lũ mưa.
Vạn hữu nương nhờ vào đất nước,
Muôn loài sống tạm tự sau xưa.
Nhân yên cây cỏ sum suê quả.
Ước vọng sinh tồn chẳng vắng thưa.

 

 

CHUYỂN MÙA



Mùa về giục tháng năm đi
cây thêm lộc mới xanh rì núi xưa
tóc chiều hạ trắng  bay mưa
ta nghe dưới lũng thu đưa nhớ về

Bao mùa gõ buớc đêm mê
bao mùa đông tận bốn bề non yên
chợt vàng mai nở thản nhiên
bầy chim én biển về nghiêng cánh gần.


BÓNG MƯA



Mây về núi vắng rơi mưa
hoa nghiêng bóng đợi từng trưa từng chiều
trăng rừng trở giấc cây xiêu
xuôi đêm thức nhớ nhung nhiều lũng mai

Nắng đi ngày một ngày hai
cây chon von đỉnh dốc dài ngóng xa
truông rừng sương phả, chiều qua
đèo heo hút bóng mưa và cô liêu.


MỘT BẾN SÔNG



Gió xa về thổi cây chiều
cát chuồi bọt dưới chân triều sóng xanh
vài con còng gió chạy quanh
mãi mê xe cát cuối gành dưới trăng

Sông ngăn bến cũ đôi đằng
con đò mụt nát đã hằng vạn khuya
thản nhiên bến nọ cồn kia
cỏ lau trắng trước người chia tay người

Mây trôi qua núi ngang trời
hương thời thơ ấu nay dời về đâu
ta đôi lần đứng bên cầu
nghĩ quanh con sóng bạc đầu vì ai.

 

TIN LŨ



Khi trời hạn nứt đất đai,
lúc triều dâng lở bãi dài triền miên.
Nay mưa ngập lụt bến thuyền,
điếng lòng nghe bão rớt miền quê xa.

Một vùng Đồng Tháp bao la,
lũ mông mênh nước, gió và mưa rơi.
Lúa non chìm đáy sông trôi.
Xuồng con neo lạnh trên đôi nóc nhà.

Cánh cò trắng khuất về xa.
Hàng lau khuất giữa màu hoa lục bình.


 

TRÊN KÊNH VĨNH TẾ.


Mưa lũ miền ẩm đục.
Dĩ vãng ngỡ lặng yên.
Tháng ngày trôi vàng võ.
Neo chờ lạnh con thuyền.

Con kênh dài chao bóng.
Đâu thấy khuôn mặt mình.
Trong gương trời đáy nước.
Lau sậy đứng lặng thinh.

CHIM TRỜI


Hạt mầm rớt mộng lên cây
hơi mây tụ bóng nước đầy trong mưa.

Chim trời liền cánh về xưa
liền cành kết tổ đong đưa gió rừng.
Chim non bỏ núi về bưng
líu lo tiếng hát lưng chừng bờ hoa

Biển rừng xanh thẳm bao la
từng đàn tung cánh chim qua cõi người


NGƯỜI SĂN THÚ


Ban mai rừng yên lành
đôi chim non qua trời cao lộng
tiếng hót khàn mong manh.

Từ viên đạn giấu mặt
ngày chưa kịp lên nhanh
lim xuống lòng hồ bóng chim xanh.

Mặt hồ cao nguyên gương long lanh
nơi cánh chim chìm lĩm
lan tỏa sóng vòng quanh.

.


CON NAI RỪNG CHƯ SÊ



Người phá rừng lấy gỗ
Người san đồi làm nương

Người lùng săn bắn thú
Người bẫy bắt chim muông.

Con nai rừng Chư Sê
Lạc giữa đồi cà phê

Đầu đội mấy chà gạc
Ngơ ngác tìm lối về.




LẠC ĐÀN



Chim khách khu rừng vắng
hót buồn giữa trời mây
lẻ loi về soi bóng
quạnh hiu cõi bùn lầy

Bạn lìa bầy đâu thấy
một mình nghe sương bay
nơi vườn cây xóm núi
lặng nhìn hoa rơi đầy.

 Buôn Mê,1967

.

HỘI KỲ YÊN.



Gió ru cây lúa Bă Thăng.
Rừng bằng lăng tím gọi trăng lên ngàn.

Kỳ Yên về hội nghe Khan.
Một đôi vòng bạc xin Giàng cho nhau.
Sông Kiều soi bóng hoa lau.
Buôn rừng xóm ruộng trời cao Phò Trì.

Mạ non qua buổi xuân thì.
Mong mùa nặng hạt cuối kỳ ba trăng.

          Phò Trì, 1973


HẠC CŨ.


Trong lồng tre ngà,
một tiếng chim hót
nhói đau tim ta.

Đồi trọc cỏ tranh.
Cây khô lửa đạn.
Chân chiều lặng tanh.

Hạc cũ nay đâu.
Miền sen bỏ dại.
Một bờ trắng lau.

Đồng Tháp,1969


             tranh của Irene Cafieri
             nguồn internet

 





KIẾP HOA


Có thể ngàn sau hay ngày mai
Trong số loài người chẳng rõ ai
Đem thơ ta đốt vì nhiều lẽ
Tro khói tan theo tiếng thở dài.

Có thể từ xa hoặc nơi này
Dưới lớp tro yên bóng tháng ngày
Một loài hoa dại không tên gọi
Gởi gió hương bay theo ngàn mây.

Có thể tình quê trong lòng ta
Khuất theo bóng Mẹ dưới chiều tà
Hương xưa theo gió không về lại
Hồn nước lặng vào muôn kiếp hoa.

Hà Tiên, 1970





mẹ nghèo nhớ đất
.









NHỚ ĐẤT

Đồng Binh Lãnh Quảng Nam
gần năm trăm mẫu lúa đông xưân mất trắng
nông dân nẫu ruột nhìn mùa đói trôi qua


Trâu bò thả ăn tự do trên ruộng lúa khô queo
sau kỳ rét hại năm Mậu Tí
không nguồn nước tưới tiêu
cây lúa đơ dần hạt lép hạt teo
đậu bắp sắn khoai mía dưa thất bát.


Giá lương thực theo lãi suất tăng cao
chạy gạo từng bữa ngay thu hoạch đầu mùa
người già quẩn quanh trong nỗi buồn số phận
bỏ làng đi Nam, trai trẻ vắng thưa.



Dân nghèo                                                   
lang bạt xa quê
lặng thầm nhớ đất.

Quảng Nam,2007.



La Hủ
mùa đói

La Hủ có hai múa đói no
mùa đói sau tết đến ngày hái ngô
đôi khi dài hơn mươi tháng
nương rẫy hạn khô.



Bản Thâm Ba lèo tèo dăm mươi hộ
ở nhà gió bốn bề trống trơ
lều chẳng phải nhà chẳng phải
đôi cành cọ gai cài lên bốn năm cọc cây khô
thừa gió thừa mưa thừa giá rét
thiếu gạo thiếu chăn, khốn khó tận cùng


Gần hai phần ba trẻ vừa học vừa đi nương
đến mùa a-ma-sĩ dường như chẳng ai đến trường
vì không ăn thì chết
có chữ nhưng bụng đói, chòi lá rách bươm


Đàn ông rẻo cao La Hủ          
đốt khô tháng ngày thành khói bay
mơ màng nghe gió hú
buồn nhớ những áng mây.

 Quảng Nam,2007




U Minh Hạ
lạl nghèo


Năm hai ngàn linh tám
sáu ngàn hộ dân
dưới tán rừng U Minh Hạ
nơi lừng danh “trên cơm duới cá”
nay nhiều nhà ăn cháo cầm hơi
lay lắt qua ngày.


Xã Nguyễn Phước U Minh Cà Mau
cái đói len vào từng kênh rạch
nước ngập cây lúa úng
mùa theo mùa không còn gạo đủ ăn
lãi nợ chất chồng
xóm làng buồn hiu
trong cơn quẩn túng.



Để bảo vệ hai chín ngàn hecta rừng
Lâm nghiệp không cho xả nước,
nước ngập ngang lưng
trắng xoá mênh mông
trắng một vùng Nguyễn Phước
lo giữ cây tràm suốt mùa chống cháy
ai thấy đâu cái đói cháy lòng dân.
              


Ở Bảy Kinh mấy khi có nhà nổi lửa
lò bếp lạnh tanh
cháo dùng từng bữa
trẻ em bỏ học đặt lọp đặt lờ loanh quanh
người lớn giữ rừng mỗi năm chưa đầy triệu
trên một hecta rừng nghèo kiệt được giao.

Lâm trường là ông chủ giàu
Dân nghèo làm công nộp thuế
khấm khá hơn đời nô lệ.


Cà Mau,2008


tranh của Klever Julius


.





  

 Xóm
  VẠN ĐÒ


  Hai trăm mái thuyền lụp xụp
  dọc đôi bờ Đông Ba
  theo những nhánh sông quanh thành phố Huế.

  Dân vạn đò lấy nước làm đất dựng nhà
  bập bềnh phù sinh qua nhiều thế hệ
  giữa cố đô phồn hoa.


Neo đời trên sóng nước
thất học đông con nhà nghèo sinh sống long đong
đêm đò dọc đò ngang ngày cửu vạn
bươi rác lượm ve chai, buôn gánh bán bưng
rao vé số đạp xich lô theo chân du khách
quẩn quanh mưa nắng gió sương.

Vạn đò Vạn Đò
bập bềnh theo sông.


Huế, 2007 .   




xóm
H
ÒN CHUỐI


Bốn chín hộ dân bám Hòn Chuối nhỏ
sống đời tầm gởi vách đá chông chênh
vần xoay quanh con đảo gió
buồn vui cùng sóng nước mông mênh


Những túp lều chỏng chơ
mái bạt ny-lông trùm lên cọc tre khô
chằng chịt dây quay mắc hờ vách núi
vẹo xiêu theo mùa gió lộng sóng xô


Gởi đảo cuộc đời như ốc mượn hồn
trốn bão chạy giông quanh ghềnh Chướng ghềnh Nồm
không một đêm yên, một ngày biển lặng
chỉ tấc lòng neo chặt lại xóm thôn


Cà Mau 1999




xóm
RẠCH ĐĨA


Chẳng phải cù lao
không là ốc đảo
cồn dừa nước xanh
giữa dòng Rạch Đĩa.



Bên kia khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
chọc trời những toà cao ốc
xã Phước Kiểng bên này nhộn nhịp công nghiệp hoá
nhà máy phố chợ công ty biệt thự khang trang.


Sông bao quanh một lùm cây chưa đầy tám công đất
khoảng xanh dấu kín hai túp nhà
mái lợp vách dừng lá dừa nước
cho sáu nhân khẩu ẩn cư


Đầu cồn thấp thoáng nhà ông Thùy ông Trung
một thời  Rừng Sác
nay ẩn cư một tấc lòng
cuối cồn khuất vài trăm bước
nghiêng nghiêng lều lá Nguyễn Thành Đông
tuổi hoa niên nổi trôi sông nước miền châu thổ
nửa đời dừng bước nơi cồn sông.



Xóm hai hộ khẩu có nhiều thứ không
không cầu không xe, không điện không nước ngọt
không khách vãng lai. không chợ không lối mòn.

như đầy đủ lúa rau, nhiều cá tôm
không khí trong lành, không gian vắng lặng
mưa trời ngọt nước, hoa cỏ thơm hương.


Đôi khi thả một lá thuyền
sang thăm phố thị
riêng một đời tĩnh mạc
giữa chốn phồn hoa.


Nhà Bè,8/2007


tranh của Liu Zhen Hui
.






xóm núi
bỏ quên


Mường Lựm
dưới bóng huyền ảo sương mai
bên ngọn Sung Sả
soi mình trên Huồi Luồng trong xanh
giữa núi rừng heo hút
một xóm núi bỏ quên.


Cư dân
phần nhiều độ tuổi xưa nay hiếm
hồn nhiên như hoa ban
dáng còn son trẻ
giữa rừng núi bạt ngàn.


Mái cọ lum khum khuất lưng chừng núi
thênh thang ngày tháng trôi qua
gạo nếp củ mài, rượu ngô rau suối
con lợn trong rừng, con cá dưới khe
nụ cười của trời, thức ăn của đất
rừng xanh núi cao thanh thản đi về.


Nghệ An, 2007 .




LAI CHÂU
mùa mưa



Lai Châu mưa sạt đường cây trôi cầu gãy
chuyện thường ngày ở rẻo cao

Cầu tử thần Pa Há lủng lẳng treo
tắc lối về xã thấp Sìn Hồ
rơi người rơi xe xuống suối Nậm Cha
mỗi năm vài ba người chết.



Đường Mường Tè cắt ra từng đoạn
không qua được Ka Lăng Thu Lũm
không tới Pa ủ Pac Ma
lũ Huồi Luồng Nậm Khao trôi bao người xa hút

Lai Châu mưa mịt mùng
ào ạt qua buôn làng
như ngàn xưa mưa đổ
như muôn đời mưa sang.






MÙ SANG
mùa khô

Xã Mù Sang
hàng năm dai dẳng khát
nhiều bản khô hạn
từ giêng hai đến giữa năm
vài mó nước nhỏ giọt nơi chân núi
cách xa một ngày đàng.

Bà con Mù Chung Vạng Mù Sang Cao
ngược bao đốc núi,
vượt mấy hốc mù,
bỏ chòi bỏ nương đi cõng nước
tứ tảng sáng tinh mơ.

Hạn hán lâu ngày
hoa màu chết cháy
dân bản nhìn mù
ngóng mưa rơi.

Quảng Nam 1007


tranh của Theodore Robinson
.














VÓ NGỰA
TRÊN PHỐ


tiếng vó ngựa
của những chiếc xe thổ mộ
gõ đều trên phố Đại Mỗ
giữa tiếng còi ô tô
nghe như thời mông muội mơ hồ.

Hà Nôi, 1995






xóm
lom khom


Dăm khu nhà ổ chuột
trong những ngõ ngách hun hút sâu
giữa phố phường Hà Nội
lặng câm dưới bóng những mái lầu



Những làng cổ teo tóp thành xóm lom khom
những mái xưa không còn tuổi rêu phong
khuất dần vào dự án đô thị hoá
người vườn cũ lớp già lọm khọm, lớp trẻ phiêu bồng

Những căn hộ lum khum thấp chũn hẹp túm
không điện nước không nhà vệ sinh
mưa bì bõm lội, nắng hâm hấp quạt
lỉnh kỉnh vật dùng treo móc mái vênh


Cư dân xóm nhà dẹp vuông dăm ba thước
là nông dân một thời Thăng Long xưa
không kế sinh nhai bán lần nhà đất
luộm thuộm đời nghèo co cụm nắng mưa
.

Hà Nội, 1990




xóm
Minh Châu


Một doi cát
nằm giữa sông Hồng
giữa lòng Hà Nội mới
xóm Minh Châu.



Một ốc đảo                         
hai mươi tám cây số vuông
dân cư hơn ngàn ba trăm hộ
không trạm xăng, không chợ
không phà, không một lớp cấp ba
sống nhờ vào hoa, nhờ rau cải
chuyên chở đi lại bằng xe bò

Ước mơ của bao đời và duy nhất
một chiếc phà
đưa hoa sang thủ đô.

Hà Nội,1990



tranh của Caspar David Friedrich
.








nhà
Dưỡng Lão
Nghệ Sỹ



Khuất sâu trong hẻm đường Âu Dương Lân
dưới hàng cây um tùm vắng vẻ
trung tâm Dưỡng lão Nghệ Sỹ cũ kỹ im lìm.


Bên băng đá sởn mẻ thềm gạch rêu phong
sau song cửa, trong căn phòng mờ tối
lão nghệ sỹ cải lương
trầm ngâm thả hồn về cõi hư không.


Như ở đó câu vọng cổ một thời bay qua
những đào thương kép mùi tài hoa
từng làm đắm say lòng người mến mộ
cùng gánh hát lừng danh lưu diễn gần xa.

Hai mươi nghệ sỹ tuổi đời qua thất thập
giờ như chiếc bóng âm thầm
còm cỏi không nơi nương tựa
loanh quanh một khoảnh sân.


Lão nghệ sỹ
một đời đờn ca tài tử
cất tiếng hát ru ai
nay tự ru mình quạnh quẽ hôm mai.


Gò vấp,2005





anh BẢY XÍCH LÔ



Lẩn vào bóng khuya
nơi góc khuất đường Cô Giang Cô Bắc
một chiếc xích lô cũ nát
một túp lều di động vỉa hè.

Trần Văn Bảy
cầm tinh con ngựa hoang
sinh nhằm đầu thế kỷ trước
tuổi thơ cầu bơ cầu bất
khắp miệt vườn sông nước Gò Công Đông
nhà cửa vợ con không có
họ hàng cũng không.


Suốt bảy mươi năm lang bạt kiếm ăn
gió sương mưa nắng coi thường
làm mướn đạp xích lô giữa Saigon hoa lệ
ở trọ góc đời, bạn với cô đơn.


Nay đã kề bách niên
nhưng chẳng được  giai lão
quần cộc áo vá tóc bạc phơ
lọm khọm gầy khô mệt mỏi
ngủ dưới ngàn sao ăn cơm thiên hạ
đẩy chiếc xe già qua phố trăm năm.

Phú nhuận,2009


dưới
gầm cầu ÔNG LÃNH


1.
Đêm tối tù mù
gió sông thốc lên mùi sình rác.

ông Phước
lọm khọm dưới gầm cầu Ông Lãnh
ngày bán vé số
đêm co ro bên bờ sông lạnh.


gia tài của ông gần bảy mươi năm
dăm bộ quần áo vá
vài chén đất nung
nửa tấm chăn vải
chiếc mùng nát nhàu.


sau lưng vách cầu
trước mặt bờ rác
mái ấm gia đình khuất sâu
một nỗi buồn hiu quạnh.


2.
Bên trên gầm cầu
bà Sáu già hơn tám mươi tuổi
như chiếc lá khô trước gió sông thổi
móm mém những hạt cơm khô.

chung quanh cầu nhịp sống thành phố
hối hả đi qua đi qua.


Khánh Hội, 2007
tranh của Joaquin Sorolla





 











EM THƠ
VÙNG CAO


Chư Prông
tháng tư chưa xong mùa học
hạt mưa bay qua những đồi cây xanh
các em tôi đi về nương rẫy
về những buôn rừng những làng cà phê.

Chư Sê K'rông Pa
mấy môn học chép đè lên quyển vở
chương trình 165 tuần đi qua
sách giáo khoa lắm khi vùng sâu chưa đủ
con chữ đói không tự bò vào bụng

Sin Phun bé xinh nhất làng Khơ
bỏ bạn về Tơ Nao
Hi Prit sang Rơ Mah Dân bắt chồng
xa lớp học khi chưa tròn mười tuổi
nhìn năm học như mùa hoa.

Đak Lak, 1999





em bé
Châu Phi


Một em bé Châu Phi
cái đầu tròn như một chiếc sọ
khẳng khiu xương đôi tay
nhớp nhúa và đen bóng
thều thào trong bụi bay


Cái sọ ngước lên trời
khẩn xin một mẩu bánh mì, một giọt sữa
một hơi thở cuối ngày



Tân An,1994 .



em thơ

rác


1.
Năm hai ngàn tháng bảy ngày mười
núi rác sập ở Manila
chôn vùi hai trăm em thơ
số thoát chết lang thang như chó hoang
sục sạo tìm rác
rách rưới còm nhom.


Các em trú đêm dưới mái rác
hồn nhiên chung sống cùng nắng mưa
hồn nhiên hít thở mùi phân thải .


2.
Trên thế giới
mỗi phút ba trẻ em chết đói.



Ở Manila
dân nghèo biểu tình đòi được ở lại núi rác
bởi hàng trăm người chết vì rác sập
nhưng hàng vạn người sẽ đói nếu không rác.

Lagi,2005


dấu giày


Những biểu ngữ căng ngang
những cánh tay giơ lên những nấm đấm
đám đông lớn tiếng trong màn khói lựu đạn cay
hãy trả đất
cút đi cho chúng tôi được sống
được thờ thánh Alah.


Những cái khiêng trong như pha lê
những ba trắc điện
những họng súng lầm lì đi tới
những chiếc còng số 8.


Trong ngổn ngang đất đá vỏ chai
một bé gái dưới chân thành Jérusalehm
trên lưng còn nguyên những dấu giày.


Lagi, 1999




EM THƠ

CHIM BÓI CÁ

Đâu phải biển xanh vì hạt mặn.
Cỏ cây đâu phải bổng nhiên tàn.
Đâu phải chết đi là cát bụi.
Hương trời phai hết khi mùa sang.

Em thơ đứng lặng trên đồng vắng,
Nghe tiếng chim chiều buổi xa quê.
Biển mặn trong em là nước mắt.
Sông nước mênh mông biết đâu về.

Làng xưa xa khuất đâu hình bóng.
Nỗi buồn đâu chắc sẽ hư không.
Con chim bói cá trên cành gẫy
Như thể trầm tư trước dòng sông.


tranh của Jules Bastie










chăn bò
trên đất CHÙA THÁP

Hàng trăm trai tráng,
hàng chục gia đình Trà Vinh Tịnh Biên,
rời miền châu thổ,
sang Ta Keo Condan Svay Riêng,
chăn bò thuê nơi xứ Chùa Tháp,
giữa mưa nắng thảo nguyên.


Những bé thơ chưa tròn mười tuổi,
chưa kịp thôi nôi,
theo những cao-bồi nghèo đói,
sống đời du mục trên đất người.



Xa làng mạc xóm thôn                 
nắng mưa lang bạt tha phương
kiếm miếng ăn tích đồng vốn
mơ một ngày về lại quê hương.


Tịnh Biên,2007 . 

 CHÍ PHÈO



Không đa đa không siêu thực
nỗi đau như vết chém.


Một tiếng cười dưới trăng
xiêu vẹo đường làng
méo mó khuôn mặt.


Một nỗi buồn lương thiện
rớm máu trái tim
thành nhát dao trên cổ thằng Bá Kiến


Bắt đầu và kết thúc
một đứa bé đỏ hỏn nơi lò gạch cũ
tiếng khóc hồn nhiên
như viên cuội lăn trong cõi người.


nghĩ về
HỒ XUÂN HƯƠNG


Đời đâu phải một chiếc bánh trôi
mặc dù tay kẻ nặn
cũng không  như số phận
một viên cuội tròn
trên triền đèo Ba Dội.


Chị đã đến trước cửa cuộc đời
gõ nhịp vào đêm đen
nghe tim mình đập nhanh
trong nỗi buồn lẽ mọn
trong nỗi khát khao về một con thuyền
về một vầng trăng và một đêm tình ái
về một điều đời mãi khát khao
hạnh phúc.

Đời không như chiếc quạt
khép lại xòe ra
không như giọt sương
trên đầm đìa lá liễu.


Chị đã đến đứng thẳng trước lều mái cỏ tranh
từ nỗi bưng bồng của người phụ nữ.
ngẫm lại con trăng khuyết tròn
lật ngửa một quãng đời phong kiến
nhìn thẳng vào sự tối om của khuôn mặt đểu giả
với nỗi niềm cô đơn.


ĐOÀN THUẬN

tranh của Jhong Qi Wang
 












qua
VIỆN MỒ CÔI



1.
Em ngồi đó bên kia khung cửa,
mắt xa xăm như mơ một điều gì
nhìn mênh mang như mong một người về
chiều Bà Rịa khiến lòng ta xa xót.

2.
Em ngồi đó
như lần ta ở đó
cũng để lòng tha thẩn cuối chân mây
hình dung người đã khuất cõi đời
tự an ủi những ngày côi cút.

Viện mồ côi, đêm không ngủ được
nghĩ ngày mai thăm thẳm một dòng trôi
giữa mênh mông ta chỉ một mình thôi
đường heo hút biết nơi nào bến đỗ.

Viện mồ côi, những đêm mưa lạnh,
nghĩ nhà ai sum hợp dưới ánh đèn,
mái tóc người cha, đôi mắt mẹ hiền,
ta chỉ biết vùi quên trong vở học.



Viện mồ côi, những buổi mai dậy sớm,
lời cầu kinh nghe vẳng từ kiếp nào
giữa thinh không những lời hát ngọt ngào
riêng ta nghĩ, đó là lời bi thiết.

Và từ đó,
một đời ta trôi nổi,
chiều sân ga, đêm chùa vắng, sáng sân trường,
giữa thị thành quay quắt không tình thương,
và sách vở và quê hương lửa khói.


3.
Rồi chiều nay,
ta lại về xòm cũ.
Viện Mồ Côi trắng toát mấy tường vôi,
cổng sắt khóa,
hoa sứ rơi,
bên cửa sổ,
em ngồi.
Em đâu biết một đời em côi cút.

Em thơ hỡi,
ta thương em quá đỗi,
trán thơ ngây chưa in một nếp đời.
tóc xanh thơm chưa vướng bụi đời.
Sao em hỡi, mắt em buồn quá đỗi.

Bà Rịa, 1962




đến
thăm BÊ


Ta trở lại một chiều đông tận
mới biết em bỏ viện lâu rồi
để kiếm sống một nơi nào chưa rõ
một mình em lẩn khuất một phương trời.

Ta tưởng tượng em ngồi trên bến vắng
trước dòng sông, lặng lẽ một dòng trôi
hồn như ở chân trời sâu thẳm
em về đâu, Bê hỡi, giữa cuộc đời?

Ta tưởng tượng đêm nay hiên chùa vắng
mưa lắt lay, mưa lạnh đã bao mùa
em co quắp nơi thềm rêu đá cũ
sách kê đầu, thân phủ chiếc áo thưa.

Ta tưởng tượng giữa phố phường đô hội
một mình em ngơ ngác giữa dòng đời
bao bé thơ đùa vui bên bố mẹ
riêng cha em đã khuất núi lâu rồi.


Ta tưởng tượng em gò lưng trên đường tối
gánh phân thuê đem đổ nơi bờ xa
mà bụng đói, mắt hoa, vai mỏi
để kiếm tiền tạm sống từng ngày qua.

Nhưng Bê hỡi ! Đó cũng là sự thật
của cảnh đời ta đã trải ngày thơ
lòng đau xót trên quê người phố chợ
đếm nhịp đời theo nhịp sống bơ vơ.

Chiều tàn đông, ta lại về thăm em
hoa bên thềm vẫn nở thản nhiên
đâu có biết giữa lòng đời trôi nổi
kiếp mồ côi lặng lẽ ưu phiền.

Bà Rịa, 1969                                                   

.  

tranh của Vincent van Gogh








bể dâu
đất KIÊN LƯƠNG


1.
Dãy Moso dọc tỉnh lộ qua ngang Kiên Lương,
đã thuộc quyền sở hữu của Holcim,
năm mươi năm khai thác đá làm xi-măng.


Tiếng máy ì ầm, thuốc nổ rung trời,
san phẳng đỉnh Cây Xoài, ngọn Bãi Voi
sạt lở hang Cây Ớt, Túc Khói, núi Khoe Lá
cày nát mặt đất, nham nhở chân đồi.

Khoảng xanh đất trời
mịt mù cát bụi
những lùm cây khóm cỏ
những mái nhà
phủ trắng màu đá vôi.


2.
Đã qua bao năm chiến tranh,
ngày đêm bom dội
núi đồi tang thương.


Rồi đây nửa thế kỷ sau,
hết hạn bán núi ,
đất Kiên Lương không khỏi bể dâu.


Kiên Lương,2008



đất
sân golf
                        

Dự án 160 sân golf
chiếm năm vạn hecta đất
phục vụ năm ngàn đại gia
bình quân một tay chơi
có mười ha đất giải trí



Thế giới bình quân 14 sân golf cho một quốc gia
và chỉ 165 nước giàu mới có
dân ta nghèo nhưng quan lại thích chơi sang  
lượng đất số sân gấp mươi lần.

Thu hồi đất nông nghiệp làm sân golf
đền bù giá rẻ như cho không
biệt thự ăn theo những dự án
một mét vuông bán lại trên 50 triệu đồng.


Dân ở nông thôn
đất mỗi hộ chưa tới nửa công
sau giải toả không còn đất đai nhà cửa
dám đâu nhìn cuộc chơi của quí ông.


Tân An,2004



tranh của Thomas Cole









  

vay ảo
trả nợ thật


Dân cư rừng tràm U Minh Hạ
vay tiền ảo
làm ăn thất bát
nhiều năm không trả nổi.

Lãi suất tăng cao
đắp lên làm vốn gốc
vay mấy mùa
nhưng chẳng nhận đồng nào.


Vay bổ sung
vài triệu nợ tăng hàng vạn triệu
cầm cố đất nhà cho ngân hàng
không chỗ ở, không đất sản xuất
lãi mẹ đẻ lãi con đời thêm nghèo nàn


Ngay khi được mùa
không tiền mua giống mới
không gạo đủ ăn
nợ trước nợ sau vốn lãi chất chồng
khốn khó mênh mông.


Tnủ Đức,2008



lãi suất
tăng tới đâu


1.        
Để kìm lạm phát chống suy thoái
lệnh tăng lãi suất vượt khỏi trần
khiến người trường vốn lời bạc tỉ
người dân tay trắng khó kiếm ăn.


Lãi cao càng lợi cho nhà giàu
cho vay cắt cổ lợi nhuận mau
ngồi trong bóng mát rung đùi hưởng
dại gì kinh doanh cho mệt đầu


Lãi suất tăng cao sản xuất ngừng
không tiền trả lãi dự án ngưng
công ty phá sản, người thất nghiệp,
nhà nông ruộng đất bán ăn dần


2.
Nếu không sản suất lạm phát tăng
cơ hội tham nhũng cũng tăng dần
đại gia quan lớn giàu lên mãi
lớp người lao động sống khó khăn


Thủ Thiêm,2008 . 




tranh của Wu Chang Yang



.








NGÀY ĐẦU
LÊN PHỐ CHỢ


Cầm trên tay tuổi mười lăm
ta đi hỏi khắp tháng năm dại khờ.


Trả rừng núi lại hoang sơ
vội qua phố chợ thấy ngơ ngẩn đời
nghe người đường mật trong lời
.hoa ny lông nở rộ  thời phấn son.


Gian tà giữa mất và còn
kẽm gai vây kín một non nước này
na-pal cháy lụn cỏ cây
bom rền núi cũ tăng cày đồng sâu.


Dân nghèo tan tác vì đâu
mẹ ru xác lạnh những câu hát buồn
đạn bom đồng loã con buôn
mõ chùa tranh với tiếng chuông nhà thờ.


Một con sông cắt đôi bờ
nỗi đau xé nát hồn thơ ngây rồi.


Đất Đỏ, 1955



trên
một chuyến xe đò



1.
Xe qua Xuyên Mộc trời mưa.
Khách đi Bà Rịa đã thưa thớt dần.

Ngoài xa mưa rơi bâng khuâng.
Trong xe rôm rả chuyện mần ăn thôi.
Chuyện úp hụi, chuyện lỗ lời.
Xe đi chầm chậm lên đồi rú ga.
Lắc lư mấy cái ổ gà,
Gầm gừ trong bóng chiều tà xe lên.

Một chị gếch cẳng tênh hênh,
Kho kho tiếng ngáy để quên nỗi đời.
Mực khô nước mắm bốc hơi.
Trên những giỏ cá người ngồi ngó nhau.
Cụ già tóc trắng phau phau,
Vê tàn Cẩm Lệ làu bàu chuyện chi.

Vù vù đổ dốc xe đi.
Một chàng bụng phệ khoái gì cười khan.
Ngón tay đeo mấy khâu vàng.
Bập điếu Cô-táp nhả làn khói bay.

2.
Lâu rồi ta mới qua đây.
Bên đường nhà cửa rừng cây chạy dài.
Xe qua vườn mít vườn xoài.
Qua luôn những quán cóc ngoài trời mưa.
Qua luôn những chuyện ngày xưa.
Gật gù hành khách đong đưa giấc chiều.

Xuyên Mộc, 1975.


.
tranh của Pino Daeni
.









.







nhớ
XÓM RUỘNG


Ở nơi ấy một con đường ruộng
một xóm nghèo tôn lá chen nhau
hàng phượng vĩ chứng nhân ngày tháng
cho những người khai hoang đã lâu.


Nơi lặng tĩnh, bao chiều bão rớt
mưa mù bay mờ khuất bóng hoa
làm nhớ lắm dăm người bạn cũ
đã lên đường và đi về xa.





tranh của Bob Ross












 

C

lầm lủi đi qua những mùa gặt hái
lạnh dầm mưa ướt đẫm sương đêm
nóng phơi trần cháy sạm màu nắng hạ.


từ gió mưa đất cằn chui lên sống
loài cỏ cú bên sông.

La Gi, 1972
ĐOÀN THUẬN
.