đất và người


bìa trước tập thơ
.
.
 
. 
.

ĐẤT
và
NGƯỜI
THƠ TRÀO PHÚNG 


TỰA
Đất là nơi Người đến trọ
Đất không ngừng biến đổi, Người luôn tìm chốn bình yên.
Đôi khi chỉ cấn một rẻo đất để dựng một mái lều,
gieo một hạt giống nhưng Người phải đối diện với Thú.

Trên nền đá hoa còn in dấu chân người khai hoang.
Trong thẳm sâu tháng ngày dường như có tiếng thở dài.

Ta cùng vô lượng cát bụi rong chơi qua cõi đời
đâu tránh khỏi cảnh trầm luân buồn vui vạn cổ..
Trang blog này như vệt bụi trên nếp trán ưu tư
khi chân chưa mỏi.


Sài Gòn,2011  
ĐOÀN THUẬN



 
 

tranh của Klever Julius
.
 
.
 
 
 
 
   BƯỚC CHÂN NGƯỜI 

 Bước chân khai phá bến bờ hồng hoang
in dấu nơi trầm tích mông muội
trên mặt đá hoa cương
hằn lên sức nặng số phận
qua bể dâu đoạn trường



Bước chân dò dẫm hoang vu tứa máu lả mồ hôi
từ buổi dại khờ thôi nôi
lần mò nương  theo cỏ cây chông gai sỏi cát
cùng thú hoang trọ nơi truông rừng hang động núi đồi.


Bàn chân dẹp vẹt gân guốc ngắn dài
miết mải đường đời
lẳn mòn đá cuội
dẻo dai di trú kiếp người.

Vuốt nhọn rách xướt móng nứt tà
những ngón chân túm chụm to bè
bấm bùn trơn, bấu đất lỡ, nhón với hái lượm
từ bỏ dã thú, đứng thẳng phận người ta.

Guốc mộc dậm mòn nương rẫy,
giày da nhịp bước phố phường
móng sơn xanh đỏ, gót son hài hoa thơm hương
chân người văn minh lướt qua mặt đất hoang dã
tăng tốc dục vọng, chạy theo lợi nhuận máu xương.


Gió muôn thu vẫn thổi qua đời vi vu
con người dường như lạc mất dấu về ban sơ
quên lãng bước chân qua địa đàng, ước mơ thánh thiện
còn đâu đây dăm ba tiếng thở dài lặng lẻ ngây ngô.


Sài Gòn, 11/201

 

CHUYỆN CÕI NGƯỜI


Con người
từ cát bụi nứt ra trên mảnh đất nhỏ nhoi
luôn đối mặt vô cùng hiểm hoạ thiên nhiên hoang dã
động đất sống thần lũ lụt hạn hán tuyết tan băng trôi


tự tạo biến cố đảo điên huỷ diệt chính mình
làm nghèo kiệt rừng xanh, giàu có đồi hoang mạc
chế tạo vũ khí hạt nhân để bảo vệ xác chết hoà bình


tự dựng tượng thần tượng quỷ xin xỏ bố thí nhân từ
sụp lạy trước đầu lâu từ lò sát sinh phát-xit
từ cánh đồng chết khờ-me đỏ
làm dấu thánh, hành hương, thắp nhang đốt vàng mã
nguyện cầu bụi phóng xạ yên giấc thiên thu.


tự lùa bầy thú hoang vào gậm nhấm đồng cỏ trẻ thơ
ru nhau bằng lời hoa mỹ của lòng tham,
bằng câu thần chú của chủ nghĩa lợi ích
vẽ ra dự án thiên đàng, thiết kế đủ kiểu lăng tẫm
chờ chôn xương thịt phù hoa.
                      
                             Tân An, 2010 



 

TRƯỚC SỰ THẬT                         

1.
Sự thật đang đối diện sự thật
sự thật không lời như bụi bám dính trên mi mắt
quẩn quanh một ý tưởng bụi.

Sự thật không núp bóng ngụy ngữ mỹ miều
chân lý không thể đốt bằng mọi thứ lửa
như máu thấm đất ba dan màu mỡ thịt da
mồ hôi hoá thạch tâm hồn sông núi
nước mắt ươm mầm nuôi nấng hoa trẻ thơ
lẽ mất còn khiến người và vật biến dịch

cuộc sống ra đi điên đảo
cái chết trở về chân thật.

2.
Bóng đêm đôi khi không đồng nghĩa dối trá
từ góc khuất ta nhận ra đốm sáng
tự thân hư huyển mang lịch sử khoảnh khắc ngoài thời gian.

Sự thật không số, không chủ thuyết, không cần giải mã
sự thật a không phi a, không hàm số ax
một chủ thuyết dán nhãn lên đời sự thật méo mó
nơi một thống soái độc quyền sự thật không lên tiếng
đất lặng đá im người cà lăm

Sự thật không cần phơi bày trần truồng thân thể
không cần lụa là son phấn nước hoa cao cấp
cần chân tướng bản nhiên trong tim người
.

nụ cười xu nịnh giả tạo
nỗi đau nhức thật lòng.


Sài Gòn,2008
ĐOÀN THUẬN

.
tranh của Viktor Vasnetsov










ĐẤT và  NGƯỜI

1.
 Đất và Người
từ ban sơ đến muôn đời
là mục tiêu của chiến tranh xâm lược
Đất bị chiếm thành vùng lệ thuộc
Nguời trắng tay làm nộ lệ thực dân

Từ cuộc đời tôi mọi lầm than
phong trào Đen gốc Phi vùng lên khắp nơi
chống kỳ thị màu da, đòi bình đẳng chủng tộc
tìm ra lẽ sống.

Trong nhà máy trên cánh đồng
thức tỉnh từ cách mạng Đỏ
người bần cùng đòi lại quyền làm người

2.
Suốt thế kỷ hai mươi, cùng sự đăng quang khoa học
cách mạng Trắng thống lĩnh nguồn tư bản
hối mại quyền lực, bành trướng thị trường mậu dịch tự do
.
Đế quốc Bắc Mỹ Tây Âu toả đi khắp địa cầu
chiếm cứ vùng dân cư lạc hậu bốc lột nhân công
độc quyền khai thác hầm mỏ giếng dầu
lập đồn điền dựng phố thị thương mại
du nhập kiểu văn hoá thực dụng quảng cáo tiêu dùng
làm phân hoá các giai tầng xã hội
bùng nổ đấu tranh đòi lại  núi sông
đánh đổi tương lai bằng  xương  máu....


Kinh tế suy thoái          
rơi tự do vào thế kỷ hăm mốt
mở ra cuộc chiến giành lương thực
khi nguyên liệu cạn dần, tài chánh khủng hoảng
dân số toàn cầu tăng nhanh


Thực dân mới
với nguồn vốn đầu tư khổng lồ
đổ xô vào quốc gia nghèo đói
mua dài hạn rừng đất, thuê rẻ nhân công thô sơ
trồng cây lương thực, cọ dầu sinh học.
lập khu chế xuất lắp ráp công nghệ cao
chuyển sản phẩm an ninh lương thực về mẫu quốc
nhập khẩu rác thải cùng lối sống thương trường

Đoàn người đói rách thất nghiệp ngày thêm đông
bị tước đoạt sự sống trên mảnh đất quê hương
liên kết thành lực lượng Xanh cánh tả
đòi quyền dân chủ, thu hồi tài nguyên,chiếm lại thị trường
.............................

3.
Đen Đỏ Trắng Xanh tô màu lên giấc mộng
Nhiều chiêu bài dán nhãn cuộc xâm lăng
Trận chiến nào cũng lấy máu đổi miếng ăn
Người nghèo khổ vắt kiệt cùng sức sống,

Sài Gòn, 2008 .




ĐẤT
 NƯỚC

1.
Khi Tạo Hoá không còn giử yên thân nhiệt bình thường
làm xao động không khí, nao lòng đại dương
Biển ấm dâng hơi nước về trời qua mùa gió lộng.
Trời nóng bao la cho mây lửng lờ rơi giọt mưa nguồn.

Nước Thái Bình Dương
qua Xích Đạo nóng lên sinh El Nino,
đến chu kỳ buốc lạnh tạo ra La Nina
như hai đứa trẻ tự nhiên dạo chơi theo dòng hải lưu và gió
tung toé sóng nước, lùa bão giông lên bờ ta bà.

2.
Con người bám đất tìm nguồn nước
giành giựt lợi nhuận, mở rộng chiến trường
lấp biển, ngăn sông, bạt núi, đào mõ, phá rừng
khai thác dầu khí,chế vũ khí hạt nhân,dựng nhà máy công nghệ,
tăng khí thải nhà kính, đốt cháy thiên nhiên, huỷ diệt môi trường.

Đầu thế kỷ hai mốt,
La Nina đưa biển vào đất liền miền Bắc Úc
lũ dữ biến Nashvill bang Tennessee thành đầm lầy,
tuyết lạnh cóng Châu Âu, băng đông cứng Siberie và Cực Bắc
một phần năm Pakistan chìm trong nước lụt mưa bay.

Rồi một ngày,
El Nino nung nóng không gian
đất trời  thêm hai độ bách phân
băng tan, tuyết mưa, lũ quét nước về biển,
Thú và Người cuồn cuộn theo sóng thần.





NƯỚC và NGƯỜI

1.
Nước nhiều hơn Đất trên mặt đất
mặn muối mênh mông hồn đại dương
ngọt giọt mưa trời tràn lục địa
mạch ngầm sông suối tự mây nguồn.

Khắp bốn phương trời một bầu chung
dưỡng nuôi vạn hữu giữa muôn trùng
khói mây vương vấn tình sương gió
và Nước và Người cùng tồn vong.

2.
Địa cầu mỗi lúc nóng thêm lên
hai cực băng tan thuỷ triều dâng
rừng hoang đồi trọc đồng nhiễm mặn
mạch kiệt giếng khô hồ cạn dần.


Gần một tỷ người không nguồn nước
trừ lúc ngang trời hạt mưa rơi
hai tỷ rưỡi hơn dùng nước bẩn
nửa triệu trẻ em sớm qua đời

3.
Cạn nguồn thôi mưa, người chết khát
Bão giông lũ lụt, người chết trôi
Sông hồ ô nhiễm, người chết bệnh
Nước mất nhà tan, chuyện muôn đời.

La Gi,2004

tranh của Jean Francois Miller
.
 


.

                   





VÀNG

NGƯỜI

1.
Vàng, con trai của Zeus
trong thần thoại Hy Lạp
có quyền năng hợp nhất linh hồn.
Các Pharaon dát vàng lên khuôn mặt xác ướp
để hồn không lạc dấu chơi rông
cùng tưởng niệm thần thánh
trầm ngâm bức tượng vàng ròng.


2.
Vàng, kim loại quí của đất
vật bảo đảm cuộc sống giàu sang
điểm trang lên mặt đời trần tục
những vương miện những ngai vàng.


Mahommed từng tiên tri
" kẻ nào uống trong chén vàng
sẽ phải uống lửa địa ngục".
Đời sau các vị chủ tế
rãy nước thánh lên người đói khát
một niềm tin " đãi cát tìm vàng."


3.
Đồng tiền vàng Diana, Drachma, Peso, Dollar,  
chỉ có giá trị hàng hoá
giữa chợ đời buôn bán phù hoa
nhưng trong ánh hào quang rực rở
luôn núp bóng thần chết
của lừa đảo phản trắc
của cướp bóc chiến tranh.


Vàng không là bảo chứng
cho tình Người mong manh. .




GHẾ   NGƯỜI

1.
Một chiếc ghế con
khi vuông khi tròn
người ngồi chân đất
thương nước thương non.


2.
Ghế nơi cửa quan
sơn son thếp vàng
ngồi trong bóng mát
bao người mơ màng.


Ghế dựa ghế xoay,
cơ hội vào tay
mua bằng chạy chức
phản bạn lừa thầy.


Quyền thế một ngày
mặt trở lưng quay
nịnh trên đạp dưới
bóng lưỡng mặt mày.

3.
Ghế sắt ghế cây
ghế nệm ghế mây
đời qua chưa hết
mối mọt bám đầy


Ghế nào cũng hư
ngồi mãi được ư
thân nào cũng mục
cát bụi mịt mù.




QUAN DÂN

1.
Hơn một lần trong lịch sử
người nghèo khổ vùng lên
đòi quyền sinh sống nhân đạo công bằng
khi lợi nhuận tuồn vào túi tham nhũng
của đại gia, đại quan, đại lãnh đạo vô lương tâm.

Những bạo chúa, thủ lĩnh, quan lớn hiện đại.
sửa đổi hiến pháp, cướp thời cơ, giữ ghế vàng
thu tóm quyền lực, truyền ngôi trong  gia tộc.
cấu kết nhóm lợi ích phục tùng ngoại bang.

Những quan lớn tiếp tay bọn tài phiệt thực dân
chia rẻ sắc tộc tôn giáo, lũng đoạn chính quyền
thu lời từ khai thác tình dục,rửa tiền, buôn lậu
thống lĩnh thị trường mậu dịch,chiếm dụng tài nguyên

Dân đen phiêu bạt kiếm ăn ngày thêm đông
từng đổ mồ hôi máu xương vì các chế độ bất công
hàng tỷ người vô gia cư nơi bãi rác không biên giới
sống lầm than tủi nhục tăm tối bần cùng.

Người thấp cổ bé miệng khắp trái đất ngày nay
đình công bãi khoá xuống đường biểu tinh dài ngày
phản đối quyết liệt các chính phủ độc tài thối nát
đòi thiết lập nền dân chủ thật sự cho ngày mai

2.
Một loạt tổng thống thủ lĩnh sống như vua nhiều năm
không thể bạo tàn mãi ở Tunisie,Ai Cập,Lybie,Bahrain. 
những Ben Ali, Hosni Mubarak, tiếp theo còn ai nữa
ôm đô-la bãi chức ra đi tìm một chỗ nằm.

Sài Gòn, 2/2011
ĐOÀN THUẬN

tranh của Vladimir Klim

.
                         
.








VUA KIỂU MỚI                               


Thời này chuyên chính kiểu phong thần
Cha truyền con nối giữ tước quan
Quyền hành phân bổ trong gia tộc
Lợi nhuận chia theo cấp họ hàng.

Vua hay thủ lĩnh hay bạo chúa
Trưng cầu dân ý hay cử bầu
Chỉ là thách thức của quyền lực
Cơ hội mị dân để làm giàu.

Tình dục đi hoang giấu một thời
Nay truy nguồn gốc những con rơi
Đưa về đánh bóng tên tuổi mới
Chạy chức mua bằng xoay chỗ ngồi

Cái ghế cửa quan lắm cách xoay
Vu khống chụp mũ người hiền tài
Mua trên bán dưới cướp công trạng
Cấu kết bỏ tù kẻ thẳng ngay.

Bọn tham quyền lực mê độc tài
Chỉ phó một chúa, thờ một ngai
Biến dân lao động thành nô lệ
”Bốc lột hoang dã”người trắng tay.

Các vua tranh ngôi khắp năm châu
Đủ loại chủ nghĩa đa sắc màu
Cướp cạn mồ hôi và nước mắt
Của lớp dân đen nơi bể dâu.

Sài Gòn, 6/2011


THỰC DÂN MỚI

Nơi Quảng Đông,
dân Lục Phong biểu tình phản đối nạn cướp đất
đòi chính quyền “ hãy trả lại đất cho chúng tôi”
như lời bao người sống nhờ đất, khắp thế giới
khẩn cầu một chỗ nằm, một hạt cơm để ở đời

Bằng vốn đầu tư,
các tập đoàn tư bản Âu Mỹ, tài phiệt Trung Quốc
lùng sục mua gom đất đai vùng  Mỹ La Tinh, khắp châu Phi
trồng cây lương thực, cây nhiên liệu sinh học
tướt đoạt sự sống bao người Ethiopie, Kenya, Somalie

Khi  Rwanda, Mozambique, Uganda.
thoả thuận nhượng đất cho công ty New Forests
hai vạn gia đình Kiboga rời  xa đất quê
đói rách lầm than xứ người phiêu bạt
hàng triệu nông dân không đất canh tác, không cửa nhà.

Một thập niên trôi qua
gần ba trăm triệu hecta đất dân đen
nằm trong tay các đoàn quân cướp đất vơ vét tài nguyên
trong tay nhóm lợi ích độc quyền giàu có tham nhũng
để bao tỷ người thoi thóp sống u uất muộn phiền.

Những cuộc chiến nhân danh dân chủ tự do
thực chất là cuộc xâm lăng mới của thực dân mới
chiếm đất, đầu cơ lương thực, tích luỹ lợi nhuận thặng dư
giành giựt  miếng ăn theo con đường xương máu
đẩy người bần cùng vào cảnh sống ngục tù.
.





ĐẤT CÁT và DÂN ĐEN

                  

Kẻ chiếm đất hãy trả đất cho người khai hoang
để dân đen có đất sống gieo hạt mầm
không cần những dự án vĩ đại định hướng tầm cao mới
cần một mái lều che nắng mưa trên rẻo đất tiền nhân
không cần tung hô “của dân do dân” lao động vinh quang



Người đói khát cần hạt cơm giọt nước.
dù hạt cơm thiu, hạt lúa lép đã mất vì bọn cướp ngày
tép mạ non bên mương hoang bị tước đoạt khỏi đôi tay
dù máu đã thấm ướt bao cuộc chiến chống xâm lược
dù giọt mồ hôi đã kiệt khô bao phen trên luống cày
giọt lệ ưu phiền còn vương trên mi ai.



Dân không đất tựa đất mất nước.
Đất không còn nơi gieo hạt, cằn khô cỏ cây mai sau
bao người lưu lạc tha phương tan tác bể dâu.
Nước đâu còn ngọt ngào ước mơ giữa mùa khao khát
lời đồng dao muôn xưa ru nôi trôi về đâu
khi đất mẹ vườn quê thuộc về lãnh chúa sang giàu?


     La Dạ, 7/2012
tranh của Vincent van Gogh
.














DIỆT CHỦNG NGƯỜI HERERO

1.
Thuộc địa Tây Nam Phi 1904
người Herero cùng người Namaqua
bằng ná cung cuốc thuổng gậy gộc
nổi dậy chống thực dân Đức
chiếm lại miền Okakarara.

Tướng Đức Lothar Von Trotha
tấn công ốc đảo Waterberg
dồn nghĩa quân hai gia tộc vào sa mạc Omaheke
bao vây xiết chặt nguồn lương thực
đói khát dịch bệnh suốt ba năm không cửa nhà
tiêu diệt 80% tộc Herero phân nửa dân Namaqua
người thoát chết lẩn khuất trong sa mạc Namib
giữa tám vạn hồn ma.

2.
Lothar Von Trotha
đầu thế kỷ 20 mở màn trận diệt chủng
gần như tận diệt tộc Herero.
Adolf Hitler cuối thập niên 30
giết hơn sáu triệu người Do Thái
lừng danh phát-xít một thời.

Sài Gòn, 7/2012.







HOLOCAUST          

1.
Holocaust, cách “thiêu rụi” của Đức Quốc Xã,
cách diệt chủng theo chủ nghĩa Phát-xit Hitler
nhầm tận diệt “chủng tộc hạ đẳng” Do Thái
cùng người thiểu số vùng Châu Âu, Bắc Phi.

2.
Kristallnacht,”Đêm kính vỡ”, cuối 1938 khởi đầu cuộc tàn sát
từ khu biệt cư Warswa, Lodz, Lachwa, Bialysok, Riga
trại tập trung Auschwitz, Sobibor, Majdanek, Treblinka
lan khắp 35 quốc gia Châu Âu, những nơi có tộc Do Thái
để”bảo vệ tính thuần khiết” nòi giống Đức theo Euthanasia.

Với đủ cách giết người hàng loạt
bắn sâu chuổi, thiêu sống,“phòng hơi ngạt”
chiến dịch Reinhard dùng khí độc Carbon monoxide,Zyklon B
hàng ngàn người chết trong khoảnh khắc
trong trại hành quyết, hố chôn tập thể, trong bong-ke.

Người còn sức sau khi phân loại
làm việc suốt ngày đêm trong trại lao động khổ sai
chỉ có số mã tù, không ai còn tuổi tên
phụ nữ vào nhà thổ, trẻ em vào xưởng đạn dược
kiệt sức vì đói ăn, vì ngược đãi, chết sau vài tuần

Người yếu đuối đang hấp hối
dồn về các trại tử thần hành quyết
quần áo tư trang bị tước đoạt, thân thể trần truồng
chết cháy trong lò thiêu, chết ngạt dưới làn hơi độc
xác thân vào cát bụi, hồn oan về  đâu giữa gió sương.

Người thoát chết,
đào tẩu lẫn trốn lưu lạc khắp bốn phương
Walter Banjamin đến Paris, Albert Einstein qua đất Bỉ
dân Do Thái lang thang bao mùa không quê hương.
.
3.
Khát vọng “tinh truyền dòng máu Đức”
khiến Quốc Xã  sát hại hơn sáu triệu người Do Thái
trên hai triệu người sắc tộc khác, không thuộc chủng Evran
những trí thức Ba Lan, dân Slav, du cư Di Gan
kẻ bất đồng chính kiến tôn giáo,”nhân tố phi xã hội”
người đồng tính luyến ái, khuyết tật dị dạng, bệnh tâm thần.
.
Gần một thế kỷ trôi qua
dường như các bạo chúa vẫn nối gót Hitler
tiếp tục tàn sát diệt chủng bằng đủ loại chủ nghĩa
ở Bosnia, Kosovo, Dafur, Cambode,Rwanda…
rồi một mai, ở đâu nữa, sắc tộc nào bị loại khỏi cõi ta-bà ?
.
Thủ Đức, 7/2012





KHỜ ME ĐỎ

Khờ Me đỏ,
đỏ vì tắm máu một triệu bảy người vô tội
trên đất nước Cambodia
(từ 1975 đến 1979)



Những tên sát thủ lừng danh một thời diệt chủng
thủ lĩnh Pon Pot, nhị đại ca Nuon Chea
ngoại trưởng Yeng Sary, chủ tịch Khieu Samphon
trùm cai ngục Duch trại Tuol Sleng
hàng ngàn đao phủ đủ cách giết người man rợ.


Khờ Me đỏ
bóng ma ám ảnh hãi hùng của nhân loại
hàng triệu sọ người lăn lóc qua cánh đồng chết
hàng triệu hốc mắt không nguôi nhìn lại cuộc đời.


Tân An,1998
tranh của Alexandre Atigna
.







 
NGHÈO ĐÓI KHẮP NƠI               


1.                  
Gần nửa dân số loài người
đang sống ở ranh giới ngoài cùng tồn tại
không kiếm nổi hai đô-la mỗi người một ngày
không đủ lượng ca-lo-ry nuôi dưỡng cơ thể
sống mỏi mòn nghèo đói không ngày mai.

Những cuộc chiến xâm lược của thực dân cũ mới
càn quét qua vùng lạc hậu Nam Mỹ Châu Á Châu Phi
chiếm dụng đất đai, khai thác kiệt cùng nguyên liệu
đẩy dân bản địa vào cảnh nô lệ ngục tù.

Hàng triệu người da màu rao bán ngoài chợ lao động
từng chết đói trên nông trường bạt ngàn lúa mì
từng chết ngạt trong hầm khai thác kim cương vàng bạc
đói lả thây phơi, từ cuộc đào thoát, nơi biên thuỳ.

Chiến tranh lạnh giữa các chế độ chính trị
cấm vận bao vây trừng phạt kinh tế đối đầu
khiến giới bần cùng thêm bần cùng tận mạt
người vô gia cư lưu lạc khắp địa cầu.


2.
Nạn đói hàng năm
giết chết hơn 400 triệu bé suy dinh dưỡng
130 triệu em không được đến trường
trên ba vạn dưới mười tuổi phải lao động nô dịch
hàng trăm triệu trẻ bơ vơ ngoài gió sương..

Nạn mại dâm xuyên quốc gia
dưới nhiều dạng thức như một nghề phổ biến
biết bao phụ nữ bán trôn nuôi miệng qua ngày
hơn bốn vạn sống chung vật vờ với HIV
tám vạn bé gái tảo hôn bán rẻ thơ ngây.

Nạn thất nghiệp từ kinh tế suy trầm
do sản xuất đình trệ, ngân hàng phá sản
nợ công tăng, nửa tỉ người không việc làm
dân đen thắt lưng buộc bụng tự cứu đói
cướp ngày tham nhũng, cướp đêm bạo hành dã man.

Trái Đất nóng lên
băng tan lũ lụt, động đất sóng thần, môi trường ô nhiễm
núi rừng hoang hoá, đất canh tác hẹp dần
giới tài phiệt độc quyền đầu cơ nguồn lương thực
bóng ma đói khát phủ lên kiếp người lầm than.

3.
Cách mạng Trắng cách mạng Đỏ cùng lợi ích nhóm
quảng cáo mị đời chiếc bánh vẽ dân chủ nhân dân
dưới bóng mây phóng xạ, bên dàn lá chắn tên lửa
hàng tỉ người thoi thóp chờ chết vì thiếu ăn.
Sài Gòn, 2012



NẠN ĐÓI

thời “Đại nhảy vọt”

1.
Loài người không thể quên nạn đói thời “Đại nhảy vọt”
khắp Trung Quốc hô khẩu hiệu theo lệnh Mao
”Tổng lộ tuyến vạn tuế”, “Đại dược tiến vạn tuế”
”Nhân dân công xã vạn tuế”, vạn tuế đại phong trào.

”Tổng lộ tuyến” đi thẳng lên Cộng sản không qua Tư bản.
công nhân hoá bần nông, coi “trí thức như cục phân”
tất cả vinh quang vĩ đại thuộc lãnh đạo
khốn khổ cơ hàn tang thương mạt hạng thuộc thường dân.

”Đại dược tiến”công nghiệp hoá chỉ tiêu không tưởng:
từ một nước canh nông lạc hậu nghèo đói triền miên
giao sản suất bảy vạn rưỡi cân ngũ cốc hec-ta năm
tăng gấp đôi sản lượng thép bằng mọi cách
để vượt nước Anh nước Mỹ sau một thập niên..

”Nhân dân công xã” cải cách ruộng đất
tước đoạt quyền tư hữu của địa chủ phú nông
đấu tố áp chế tất cả vào hợp tác xã, vào tổ vần công
lớp lao động bần cùng làm công ăn điểm
hơn nửa tỷ người vô sản thực sự tay không.

2.
”Đại nhảy vọt” rơi vào “ Đại thảm hoạ kinh tế”
” Ba năm ác nghiệt” đổ lỗi “Ba năm thiên tai”
từ 1959, hàng chục triệu người chết đói
đâu kịp nhận ra bóng tội ác không hình hài.

Con số báo cáo thống kê được thổi phồng vĩ đại
thành tích ảo đẩy sản lượng ngũ cốc tăng nhanh
trưng thu thóc lúa xuất khẩu để công nghệ hoá thị thành
dẫn đến kho đụn trống rổng, bếp ăn công xã tắt lửa.
công điểm hợp tác hoá cỏ rác, xác xơ những mái tranh.

Mọi người thi đua thu nộp mọi thứ loại sắt
đổ xô luyện thép từ lò nung “sân vườn” thô sơ
phá rừng làm củi, đốt đồ gỗ thay than đá
cả nước nóng lên một lò nung sắt vụn khổng lồ

Dân thiếu ăn đói lả gục ngã khắp nơi
ven bờ ruộng cỏ, bên ao làng cạn khô, trong chòi lá tả tơi
người thoi thóp gặm xương xác thối, ăn thịt người hấp hối.
kẻ cắp bị “giết tươi” vì tội danh phản động “chống trời.”

Thi thể người chết đầy ngõ ngách phường phố làng xóm
khắp Cam Túc,Sơn Đông,Hà Nam,An Huy,Hồ Bắc,Tứ Xuyên.
bao trẻ thơ gầy còm da bọc xương khát thèm giọt sữa
chết khô bên xác mẹ hiền.”

3
”Đại nhảy vọt” theo lịch sử trôi dần vào bóng tối
bao thây ma đã nát rữa lặng thầm,
những tên bạo chúa giết người hàng loạt
dường như ai đó vẫn chúc tụng muôn năm.

Sài Gòn, 2012



NẠN ĐÓI NĂM ẤT DẬU.

1
Nạn đói năm Ất Dậu đã lùi sâu vào quá khứ
nỗi ám ảnh bi thương cùng niềm đau nhức khôn nguôi
dù Việt Nam đã hồi sinh sau một thời chiến tranh khốc liệt
dù xương thịt người xưa đã thành cát bụi pha phôi.

2.
* Lịch sử còn ghi:
thời thực dân Pháp đô hộ
dân nghèo Bắc Bộ lầm than khốn khó không khuây
khi cháo khi rau, bữa no bữa đói, cơm độn nhiều khoai
đói rách bần cùng, cày thuê cuốc mướn
thuế nặng sưu cao, nợ nần vay trả trả vay.

Những khi thiên tai thất bát mùa màng
tiểu nông bán sạch gia súc lúa non
cầm cố cửa nhà, vợ con ở đợ
bán sức lao động bán cả đất vườn.

* Phát-xit Nhật vào Đông Dương
khi phe Trục thắng thế
tước vũ khí quân Tưởng tràn qua Quảng Đông
thỏa hiệp với Pháp thống lĩnh quyền cai trị
dân An Nam “một cổ hai tròng”.

Nhật ban lệnh phá bỏ ruộng đồng, nhổ lúa trồng đay
nhằm phục vụ nhu cầu chiến tranh khống chế Tàu Tây
ép giá nông dân thu mua tích trữ lúa gạo ngũ cốc
để nuôi quân lính, đề chạy nhà máy, để nuôi ngựa bày.

* Đế quốc Mỹ tấn công phát-xít Nhật
oanh tạc tuyến đường vận tải,
hệ thống giao thông tắc nghẽn toàn Đông Dương
lúa gạo miền Nam không vào được xứ Bắc
dân nghèo đói ăn gầy guộc trơ xương.

Diện tích canh tác thu hẹp, sản lượng hoa màu giảm
giong khoai củ chuối, rau rệu rau má cạn dần
kiệt ráo chuột đồng, ốc cua cá niễng, cào cào châu chấu
thần chết hiện về rình rập, trời đông giá băng.

* Cuối xuân 1945 năm Ất Dậu
mỗi ngày trên hai vạn người chết vì đói
nhà hoang làng trống u ám bi thương vắng dần bóng người.
dân Thái Bình,Nam Định,Hà Nam,Ninh Bình chết hơn một nửa
người chết rục sình không ai liệm chôn xác đầy nhặng ruồi.

Cổng chợ đầu cầu bờ ruộng ao chuôm lùm cỏ gốc cây
thây người co rúm mắt dại đờ khép im cửa đời
hàng trăm người nằm chung một hố không mộ chí
hồn ma đói vất vưởng xin ăn đâu đó giữa đất trời.

3.
Nghĩa trang Phúc Thiện xưa,
nay còn Bia Tưởng Niệm
lọt thỏm giữa khu nhà tầng cao, phố thị đông vui
nơi an nghỉ thiên thu người chết năm Ất Dậu
mộ phần tập thể hơn triệu thây ma một thời.

Hà Nội, 1998.

tranh của Vincent Van Gogh
.










BIẾN ĐỘNG TOÀN CẦU


1.
Tảng băng glasnost tan theo dòng perestroika
từ Sibérie tràn qua miền Đông Âu bao la
làm sụp đổ hàng loạt ngôi nhà theo kiểu Xô-Viết
âm thanh tan vỡ bức tường Berlin vọng về biên giới xa.

Thượng tầng kiến trúc hư tưởng sập trên nền kinh tế chỉ huy
chế độ độc tài toàn trị thối nát mị dân đã suy vi
ghế bọc nhung đỏ cùng ngai vàng theo thời gian rệu rã
bạo chúa chuyên chính quân phiệt không thể mãi trị

2.                                
Hài cốt Do Thái biến lò sát sinh phát-xít thành bảo tàng
giục giã dân Judé đặt lưỡi dao thép dọc bờ sông Jordan
dấy lên phong trào PLO đấu tranh vì một miền đất thánh
Cách mạng Hồi Giáo lập nên nước Cộng Hoà Hồi Giáo Iran.

Cuộc chiến vùng Vịnh phế bỏ Syad Barre ở Somalie
Mười sáu nước hùng mạnh xâu xé Vùng Sừng Châu Phi
hàng triệu người Somalie chết non vì nghèo đói
bao vụ cướp biển gửi vào lòng Aden hàng vạn tử thi.

Tinh thần Jihad làm phát sinh tổ chức Al Qaeda
những Hezbollah, Hamas chiến đấu đòi lại đất Alah
chiếc AA11 làm nổ tung toà nhà Thương Mại Thế Giới
làm rung chuyển nền móng tượng Nữ Thần Tự Do.

Từ US Washington, máy bay tàng hình dội lửa xuống Iraq
tan nát vườn Babylone, đổ nhào tượng Saddam Hussein
khắp nơi đánh bom liều chết vào NATO và Mỹ
rút khỏi Iraq,Obama dồn quân qua Afghanistan giết Bin Laden.

Dân số toàn cầu tăng lên bảy tỷ, nguồn lương thực cạn dần
đất trời bồi thêm hạn hán động đất lũ lụt sóng thần
triệu triệu người thất nghiệp thời kinh tế suy thoái
nhóm lợi ích sống như vua, dân đen khốn khổ nợ nần


3.
Làn sóng dân chủ vỗ mạnh bờ bốn biển, đánh thức loài người
”Mùa Xuân Ả-Rập” nở thơm “Cách Mạng Hoa Lài”
gió “4 Tháng Sáu” thổi qua Tahrir,Tripolie, Damas
tìm mảnh đất bình yên gieo mầm sống tương lai.

Năm châu hưởng ứng  từ Téhran, Madrid, Paris, London
công nhân biểu tình, giới trí thức không ngủ xuống đường
đòi thiết lập một xã hội dân chủ thật sự
được quyền mưu cầu ấm no tự do công bằng.

Dù Hitler, Staline, Pôn-Pôt đã vào thiên cổ từ lâu
dù Ben Ali, Mubarrak, Gaddafi đã cúi đầu
chế độ độc tài cùng tư bản đỏ đen một canh bạc
Trái Đất và loài người sẽ chuyển dịch về đâu ?

Sài Gòn, /2011
 
 




ĐẾ QUỐC MỘT THỜI              


1.                               
Đế quốc thực dân của thế kỷ trước
nhân danh người khai sáng văn minh, thực hiện nhân quyền
đem vũ khí tối tân xâm lăng khắp vùng miền lạc hậu
khai thác tài nguyên thiên nhiên
bóc lột lao động nô dịch
làm giàu từ xương máu dân đen.


2.
”Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”
vẫn mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây
theo vòng quay của trái đất
theo lẽ biến dịch muôn đời.

Phương Tây rao giảng “của César trả lại César”
phương Đông truyền miệng “gieo gió gặt bảo”
thế nên nô lệ khắp cõi người
đứng lên đòi quyền sống
đòi kẻ cướp trả lại những gì bị cướp
dù bao xác chết đã rữa nát giữa lòng đời.

Nữ thần Tự Do vẫn giơ cao ngọn đuốc
sừng sững bức tượng người lặng câm
mà nền tượng dường như rạn nứt đâu đó
khi toà tháp Thương Mại Thế Giới sụp đổ
khi nền kinh tế hàng hoá rơi vào suy trầm.

Đế quốc thời hoàng kim đi về đâu?
khi nợ máu nợ công ngập đầu
khi quay về thắt lưng buộc bụng nơi chính trường nội địa
khi người lầm than nổi dậy toàn cầu.

Dân bị áp bức bóc lột đòi lại đất để cấy trồng sự sống
không cần quảng cáo chiếc bánh vẽ tự do công dân
không cần hô hào các chủ thuyết nhân quyền dân chủ
không cần vinh danh vạn tuế, tung hê muôn năm.

Người thấp cổ bé miệng, khố rách áo ôm
nơi các bãi rác, trước bầy thú vô tâm.
cần một rẻo đất để gieo hạt giống
cần một giọt sữa cho trẻ em
cần một mái lều trước bão lũ sóng thần.

Họ đã chân thành hy sinh vì các chủ nghĩa mị dân
đã vắt kiệt sức sống cho thị trường buôn bán lao động.
xương sọ có thể bị nghiền nát dưới xích sắt xe tăng
nhưng không nát đời nô lệ nhục nhằn
lửa đạn bom có thể làm khô giọt máu
nhưng không huỷ diệt được lòng khao khát bình yên.

Sài Gòn, 4/2012


 
 


ĐẤT MIỀN TRUNG VIỆT


1.
Dải đất Miền Trung,
một vòng cung xanh
từ nam Bình Thuận đến bắc Nghệ An
dựa lưng Trường Sơn nhìn ra Biển Đông
cát trắng bãi dài, xóm lưới cửa sông, khu du lịch biển
phá Tam Giang,truông Nhà Hồ,đầm Thị Nại,vịnh Nha trang.


Đồi dương liễu, vườn dừa nghiêng, phố cổ rêu phong
Hương Giang,Trà Khúc,Thu Bồn, trong biếc dòng sông
ven nà hạ lưu xanh bãi mía, nương rau ruộng lúa
buông rừng xóm mạc, đèo gió ải mây, nối liền biển núi
đất nghèo thấm giọt mồ hôi nước mắt cha ông.

2.
Nay, Miền Trung quanh năm thiên tai khốn khó
triều dâng sóng vỗ, xói mòn chân động chân rừng
sạt lở núi đồi, sập nhà người chết
đất quê hoang hoá hẹp dần.


Nắng hạn, ruộng vườn hanh hao khô khốc
bão lũ ngập tràn, nước úng cỏ cây
dân nghèo trắng tay rời làng phiêu bạt
người già bám biển giữ rừng, ôm số phận đắng cay


3.
Đất Miền Trung nước biếc non xanh
Đẹp ngàn năm một câu thơ cổ
Đau mỗi mùa giông tố chiến tranh.
 Nghệ An, 8/2007



BIỂN ĐÔNG


Biển Đông,
lãnh hải chung nhiều quốc gia
Brunei, Mã Lai, Việt Nam, Phi, Trung Quốc, Indonésia
tự xa xưa một vùng tài nguyên biển
những quần đảo dưới trời xanh bao la.


Tháng 7 năm 2009,
Trung Quốc tung ra yêu sách tài phán chủ quyền
theo bản đồ chín đoạn đứt, hình lưỡi bò điên,
chiếm Biển Đông trên tám mươi phần trăm diện tích
lấn sát duyên hải các nước, ôm trọn các đảo tự nhiên.


Đất chật dân đông.
Lòng tham bành trướng.
Biển đâu còn mênh mông.


Sài Gòn, 2009

.
tranh của Thomas Cole
.









ĐẤT SOMALIE

Somalie,
một quốc gia gần mười triệu dân Hồi Giáo
đồng nhất ngôn ngữ, cùng sắc tộc Sunni
thuộc địa một thời của đế quốc Anh, Ý
miền thiên nhiên trù phú, Vùng Sừng Châu Phi.

Somalie trở nên miền đất vô chính phủ,
mười sáu nước giàu giành quyền khai thác tài nguyên
từ khi chế độ Siad Barre bị lật đổ.
hai thập niên trôi qua, không một ngày bình yên.

Somalie như nấm mồ vô chủ,
bia mộ mang danh hàng triệu người chết vì thiếu ăn,
mang danh hàng vạn tử thi cướp biển,
mang danh những bóng ma nơi đất chết điêu tàn


Tất cả bị chiếm đoạt, bị đào xới, bị bốc dỡ,
chỉ còn lại làng mạc, cửa nhà tan hoang
lỗ chỗ vết đạn, sạm đen thuốc súng,
những cụ già những trẻ thơ ngoắt ngoải chưa kịp chôn.

Hổn loạn thường ngày giữa kẻ cướp và dân bị cướp
hiển hiện bên vũng máu, bên xác người,
trấn lột, mại dâm, rửa tiền, buôn lậu vũ khí,
bắt cóc tống tiền, nổ bom liều chết khắp nơi



Từng đoàn người nghèo đói di trú về biên giới
cùng bạo loạn tràn qua Ethiopie và Kenya
Somaliland, Galmudug, Puntland thành vùng tự trị
dưới quyền Al Shabaab, hệ phái Al Qaeda.

Những trùm thực dân mới chia Mogadishu ra từng khu cát cứ
bạo lực đẫm máu biến thủ đô Somalie thành xã hội giang hồ
tìm kiếm lợi nhuận, tich lũy tư bản bên xác thối,
giữa bốn triệu dân đen thoi thóp chờ chết, nghèo kiệt xác xơ.


Sài Gòn, 12/20           



DẢI GAZA

1.
Gaza như một nhà tù giam lỏng hơn triệu người Palestine
dưới sự phong tỏa của Mastpash
lương thực thuốc men thuộc lệnh cấm Israel
phần lớn dân cư sống nhờ từ thiện cứu trợ
người lao động trưởng thành không việc làm

Nơi Gaza, sự sống lắng sâu vào mạch ngầm
lối độ nhật đi xuyên lòng đất về biên cương Ai-Cập
đường hầm như mạng nhện dẫn đến những ngôi nhà
dưỡng nuôi hơi thở bằng thị trường lương thực chợ đen .

Mặt đất hứng chịu đạn pháo Israel
nhà cửa đổ nát ngổn ngang bê-tông gạch đá
đôi khi không một bóng người
đôi khi như dải đất chết.
Mặt biển dậy sóng tàu tuần trực thăng biệt kích Israel
tàu chở hàng cứu trợ bị dẫn độ về Ashdod
đôi khi bị tấn công máu đổ người chết chìm
ngay trong hải phận quốc tế.

Trẻ em lẩn quẩn dưới hầm không lớp học
không hình dung nổi một bông hoa một cánh chim trời
chỉ nghe rền tiếng đạn pháo rơi
chỉ thấy xác chết
chỉ được tăng trưởng bệnh bại não
một đời trẻ thơ sợ hãi thiếu ăn....

2.
Dường như
con người đã quên lò sát sinh phát-xít
quên lời tuyên ngôn về quỵền sống
quên chính phận mình.


Sài Gòn, 2010 .






VỀ JERICHO

Du khách về Jericho, phố cổ vạn năm trên đất Palestine
phải được phép nhập cảnh của chính quyền Israel
duy nhất theo cửa khẩu đường bộ độc đạo
từ Jordanie qua cầu Hussein.

Dưới bầu trời vắng lặng như tĩnh không
vùng sa mạc vàng cát khoáng đãng mênh mông
chập chùng đồi ô-liu xanh, vạt chà-là sum suê quả.
thảm thực vật mênh mang chiều, ấm áp nắng mai hồng.

Jericho, thành phố ven bờ tây sông Jordan
vùng thổ cư trù phú cỏ hoa trang trại biệt thự vườn
đón chào khách tha phương tứ xứ
nơi đất lành cho bao cánh chim.

Jericho, một miền Areeha tự do dừng bước dân du cư
những xóm mạc lum khum lều bạt cổ xưa người Bad' Wi
phiêu du ngoài vòng kiềm tỏa của quyền lực
tự túc an sinh hồn hậu vô tư

Jericho, dân hiền hoà bên bờ Biển Chết bao đời
dù Israel đã khống chế khắp đất trời
luôn ước mơ một Palestine có chủ quyền độc lập
quyền sống bình yên giữa cõi người.


La Gàn, 2011
tranh của Frederic Edwin Church
.








VŨ KHÍ HẠT NHÂN        


1.
                                                    
Cuối thế chiến thứ hai
Mỹ thả xuống Nagazaky Hiroshima hai quả bom nguyên tử
hai cây nấm phóng xạ hủy diệt gần nửa triệu người.


Tháng 6 năm 1960, tại miền Nam Algérie
Pháp thử bom hạt nhân
sức công phá gấp ba lần quả bom rơi xuống Nhật
ba vạn người Anger bị nhiễm xạ trực tiếp
mù mắt, rối loạn thần kinh, ung thư, quái thai
vùng Ain Enker và Reggane trở nên hoang mạc
chất độc bàng bạc khắp đất trời
cỏ cây không hoa trái
người thiếu ăn, dịch bệnh, trẻ cọc còi
chết trong nghèo đói.

Năm 1998,
Ấn Độ tuyên bố đủ quyền có bom nguyên tử
đã sở hữu 115 loại vũ khí hạt nhân
hàng chục máy bay vũ trang đạn đạo
Mirage-2000, Mig-27, Jaguar công nghệ tối tân

Đề phòng Ấn Độ tấn công,
Pakistan lắp đặt lá chắn tên lửa
trang bị 45 đầu đạn hạt nhân
NATO giật mình khuyến cáo
có thể rơi vào tay Taliban.


Khi Trung Quốc hạ thủy tàu ngầm nguyên tử 094
hỏa tiển đạn đạo JL2 tầm bắn trên hai ngàn cây số
Nga phản đối căn cứ đánh chặn Ba Lan và nước ngoài.


Tháng 4 năm 2009,
Bình Nhưỡng thử tên lửa Tae Po Dong
Nhật dự báo Seoul và Alaska sẽ bị hủy diệt
Đại Hàn mua 40 tên lửa đất đối không
trang bị tàu khu trục Aegis
cùng Mỹ diễn tập an ninh quốc phòng.
.........................
2.
Liên Hiệp Quốc
tìm kiếm lệnh trừng phạt Iran
và các nước nhỏ làm giàu uranium.


Khi xác chết dưới bụi phóng xạ vẫn lặng yên
trước sự vùng dậy khắp nơi đòi tự do dân chủ
trước mảnh giấy rách nát ghi lời tuyên ngôn nhân quyền

Tân An,2009




CHIẾN TRANH IRAQ

SAU CHÍN NĂM


Chín năm sau ngày tượng đài Saddam Hussein xụp đổ.
đoàn quân liên minh xâm lược cũng phải lui về
để lại một Iraq nát tan cùng bạo loạn đẫm máu,
bỏ lại một chính quyền xung đột giữa bao nỗi bộn bề.

Tên lửa hành trình Tomahawk đưa Hussein đến giá treo cổ,
bởi cáo buộc “Tội ác chống lại loài người”
kẻ chế tạo “vũ khí hủy diệt hàng loạt”,
tội ”nuôi dưỡng khủng bố”, “ một tên độc tài”.

Trên bốn ngàn lính Mỹ đã chết, hàng vạn người thương tật
gần triệu tấn vũ khí nổ tung cùng ngàn tỷ đô-la,
vẫn chưa “ Biến Iraq thành hình mẫu dân chủ”
như tổng thống Bush từng tuyên bố đầu 2003


Sau chín năm tìm thấy đâu “ vũ khí huỷ diệt hàng loạt” ?
chỉ thấy hơn triệu xác chết của thường dân,
chỉ thấy những vũng máu tươi, những nấm xương nát,
chỉ thấy vỏ đạn bom  mang nhãn USA khắp làng mạc điêu tàn.

Chỉ thấy bao nấm mồ trẻ em chết thời “trừng phạt kinh tế”,
bật tung bên những hố bom, những đồn bót tan hoang,
chỉ thấy thành cổ Babylone ngổn ngang đất đá,
báu vật thời văn minh Lưỡng Hà bốc hơi theo khói xe tăng.

Liên minh đa quốc gia chỉ buộc một Hussein lìa đời,
không ngăn nổi hận thù khủng bố, không cầm được giọt lệ rơi.
Dân chủ tự do không thể áp đặt bằng chiến tranh xâm lược.
Nhân quyền không có ở nơi xương máu tơi bời.

Sài Gòn, 12/2011





NÓNG Ở PAKISTAN


Lửa đốt kinh Coran vừa dập tắt
chiến sự biên giới Pakist-Afgha bùng nóng lên
máy bay không người lái tấn công các phiến quân
dội lửa xuống làng mạc nhóm Hồi Giáo cực đoan trú ẩn
không kích dữ dội vào binh sỹ Pakistan vùng biên cương
sát hại hàng vạn sinh mạng vô tội dân thường.

Chính quyền Gilani kết án tù kẻ tiết lộ ngôi nhà Bin Laden
đóng tuyến đường tiếp tế NATO sang Afghanistan
thêm căng thẳng mối quan hệ đồng minh với Mỹ
Washington rút khỏi đàm phán, cắt giảm viện trợ
buộc Islamabad dự vào trận chiến chống Taliban
bùng lên sự phẫn nộ khắp Pakistan.


Các tay súng Taliban đột kích hàng loạt căn cứ quân sự
nã đạn  toán lính Mỹ qua ngoại ô Peshawar
cắt tuyến đường tiếp viện từ Uzbekistan vào Jamrud
bắn cháy xe nhiên liệu tại điểm đỗ Samangan
nhóm Terik nổ bom các trụ sở an ninh, đồn cảnh sát
gây bất ổn vùng biên giới, khu vực Bannu, Bajaur

Liên minh các đảng phái chính trị tôn giáo
dân chúng từ Peshawa, Quetta đến biên trấn Chaman
xe tải ô tô nối dài hàng trăm cây số từ Lahore về Islamabad
tuần hành qui mô phản đối chính phủ mở lại đường tiếp vận
yêu cầu rút khỏi cuộc chiến của Mỹ, mọi thoả thuận liên quan.
đòi hỏi trách nhiệm bảo vệ cuộc sống được bình yên.

Biểu tình nhiều ngày từ đầu tháng bảy
vẫn âm ỉ trong lòng người Pakistan
khi đức tin Hồi Giáo bị xúc phạm
Al Qaeda càng mạnh dù Bin Laden không còn.


Sài Gòn, 2012

.
Gaddhafi
.












SAU KHI GADDAFI BỊ GIẾT.       


1.                                                                
Cờ Al Qaeda phất phới bay trên đỉnh nóc toà án,
trên những chiếc jeep diễu quanh Benghazi,
súng nổ vang trời cùng tiếng hò reo khắp chốn,
chào mừng chiến thắng tiêu diệt Gaddafi.

Trắng một vầng trăng non trên nền cờ màu đen
giữa quốc kỳ mới Lybie ba màu đỏ đen xanh
thay sắc nền Jamahiriya xanh lục thuần khiết
nhờ lệnh “ vùng cấm bay” “bảo vệ dân lành”.

Xác Gaddafi được kéo lê qua đường phố
sau bao ngày cầm cự dưới lửa tiềm kích NATO
làng Sirte đổ nát theo ông cùng hàng vạn xác chết.
một thời quyền lực giàu sang nay chẳng nấm mồ.

Gaddafi đâu kịp nhìn bộ lạc Gaddadfa tắm máu.
những mộ phần thân nhân bị lật tung
người sống sót bị truy lùng lẩn vào miền hoang mạc
quê nhà Wadi Garif chìm trong tang tóc hãi hùng


2.
Chính quyền lâm thời bầu ngài Al Qeeb làm thủ tướng,
chủ trương phục hồi luật Sharia theo kinh Coran,
Ý Anh Pháp Mỹ vào khai thác dầu khí,
phụ nữ quay về chế độ đa thê trong hôn nhân.

Dân đói ăn thu nhặt vũ khí bán qua biên giới,
những tay súng từ Misrata kéo về Tripoli đòi tiền lương,
bọn cướp ngày nhân danh công trạng truy bức các bộ lạc,
những tấn vàng những tỷ đô-la ra đi theo nợ máu xương.

và người bại trận
lặng lẽ rời Lybie tha phương.
.
Sài Gòn, 11/2011






RIÊNG NGHĨ  VỀ GADDAFI

1.
Muammar Gaddafi,
đã từ giã cõi đời vĩnh viễn ra đi
Người Anh hùng một thời trên lãnh địa Bắc Phi
đánh đuổi đế quốc thực dân, lật đổ vua chuyên chế
lập Quốc Gia Dân Chúng Xã hội chủ nghĩa Ả Rập Lybie

Đại tá Gaddafi,
nhà sáng lập Chủ thuyết Thứ Ba của Thế giới
xây nền Jamahiriya Màu Xanh Hồi Giáo thuần khiết
không tư bản, không cộng sản, không thần quyền
chức năng lập pháp, hành pháp, thuộc quyền Dân Chúng
thuộc các cộng đồng tự trị, các sắc tộc vùng miền.

Gaddafi,
người lãnh đạo Cách Mạng Mùng 1 Tháng 9
cùng Liên Minh Châu Phi trên lục địa Đen
đoàn kết các sắc tộc anh em,
đấu tranh thoát khỏi đời nô lệ, nạn phân biệt chủng tộc.
giải phóng phụ nữ, chống mọi thế lực ngoại xâm.

2.
Lybie,
trong nhiều thập niên bị cấm vận,
từ lạc hậu nghèo đói vươn lên giàu nhất Phi Châu
lợi tức ngân sách phân phối đến toàn dân trực tiếp đồng đều
miễn phí ngành y tế, giáo dục, điện gia dụng, nước sinh hoạt
hổ trợ người thất nghiệp, các hộ nghèo

Xây thủy đạo ngầm trên bốn ngàn cây số qua sa mạc
cấp nước uống, nước canh tác cho vùng miền hạn khô.
tích lũy vàng dự định phục hồi đồng Diana cổ
thoát khỏi hệ lụy từ đồng Petrodollar đồng Euro
và …
Lybie, một Quốc Gia Dân Chúng
giàu lên nhờ độc lập tự chủ
nhờ các giếng dầu.


3.
Khi kinh tế toàn cầu suy thoái
tín nhiệm nợ công Mỹ và Châu Âu tự do rơi
Wall Street và hàng loạt ngân hàng phá sản
biểu tình nổi dậy đòi dân chủ, đòi công bằng khắp nơi
Gaddafi do đâu biến thành nhà “độc tài quân phiệt”?
bị ICC cáo buộc “ phạm tội ác chống loài người”
NATO truy sát bằng lệnh “vùng cấm bay”
để “dân lành” dùng vũ khí Tây phương buộc ông qua đời.
không cần xét xử, như Bin Laden, như kẻ khủng bố
không để ông lên tiếng dù chỉ một lời.

Dù biết sẽ phải chết thảm,
Gaddafi vẫn quyết chết trên quê hương, vì quê hương
không như nhiều người ôm vàng ngọc đô-la bỏ nước lưu vong
ông chỉ để lại đôi lời di chúc:
” hãy tiếp tục kháng chiến chống ngoại bang xâm lược“
“hành động bán nước là tội phản bội lớn nhất” trước tổ tông.

NTC lên cầm quyền thay đổi màu cờ
chôn cất ông tại một nơi bí mật, không theo di chúc
sợ rằng sau lưng ông còn điều tiếng thị phi
thực hư thiện ác chính tà còn khuất trong bóng tối lịch sử
ít nhiều dân lục địa Đen lặng thầm suy nghĩ
tâm hồn Gaddafi mãi ở tại Lybie.


Sài Gòn. 22/10/2011


tranh của Marie Antoinette
.








CUỘC DI TRÚ DÂN CHỦ

1.
Phong trào dân chủ Bắc Phi dấy lên cuộc di trú lịch sử
biên giới Lybie Ai Cập Tunisie chìm trong biển người
gần nửa triệu dân đủ màu da tầng lớp sắc tộc.
hoảng loạn tìm đường thoát khỏi các chính phủ độc tài.

Hàng vạn di dân thuộc vùng lân cận.
Tunisie, Ai Cập, Iraq, Palestine, Somalie, Soudan
một thời vào Lybie tỵ nạn chiến tranh tìm nguồn sống
nay di tản về phương trời tư do dân chủ công bằng.

Hàng vạn người thất nghiệp từ xứ sở Châu Á
Bangladesh, Ấn Độ, Nam Hàn,Thái Lan
sang đất khách bán sức lạo động
nay cố hương quay về thảng thốt bàng hoàng.
.
Nhân viên toà đại sứ phương Tây vội vã về nước.
người nghèo không chạy nổi vé tàu xe, vé máy bay
la liệt vật vờ nơi khu vực xuất nhập cảnh
đói khát chen chúc dọc biên giới giá rét đêm ngày.

2.
Con người luôn tìm nơi chốn bình yên làm đất trọ
trong cuộc đấu tranh sinh tồn đầy máu xương
khi vua chúa bạo ngược, khi chế độ độc tài ngự trị
triệu triệu người rời đất mẹ cầu thực tha phương.



SG 3/2011






AI CẬP BIỂU TÌNH                          

1.                                      
Ngày 25 tháng 1 năm 2011
Hàng vạn người biểu tình kéo qua Cairo
đòi lật đổ Hosni Mubarak, đòi quyền dân chủ tự do
phản đối chính phủ bạo tàn tham nhũng
dân Ai Cập nghèo khổ suốt ba mươi năm dư.

Một hiệu ứng domino từ vụ hạ bệ Ben Ali xứ Tunisie
cuộc biểu tình lan sang Massua, Tanta, Alexandrie
kéo xuống Miền Nam, báo hiệu rộng khắp Ai Cập
hưởng ứng mạnh mẽ ở Aswan,Suez, Ismailie.

Đám đông phẩn nộ đập phá công sở
ném bom xăng trụ sở Đảng cầm quyền
tấn công bộ ngoại giao, khống chế những áp lực
Phong Trào 4 tháng 6 kêu gọi cả nước xuống đường.

Ba vạn cảnh sát dùng vòi rồng, đạn cao su, hơi cay
cùng quân đội bao vay, bố ráp, đàn áp thẳng tay,
hơn trăm người chết, hàng ngàn người bị bắt
bạo động bùng lên dữ dội mong ước một đổi thay

2.
Trong ba mươi năm cầm quyền với bàn tay sắt
Mubarak nhận viện trợ từ Mỹ sáu mươi tỉ đô-la
40% dân Ai Cập sống dưới mức nghèo đói
trên bốn vạn tù nhân, theo luật khẩn cấp, không được ra toà

Nội các mới thay tổng thống cũ bằng tướng lãnh
xe tăng vào Cairo, chiến đấu cơ quần thảo bầu trời
hàng ngàn tù nhân Muslim Brotherhood vượt ngục
các tòa đại sứ phương Tây vắng bóng người.

Dân Ai Cập khát khao điều thiêng liêng tối thượng:
”được sống ấm no, được làm người”
thoát khỏi độc tài, thoát khỏi bần cùng tăm tối
dù phải đấu tranh đến cạn kiệt mồ hôi.
3.
Từ lều bạt qua đêm nơi quảng trường Tahrir
đoàn người biểu tình thức dậy cùng bình minh đang về
sau mười tám ngày giữa vòng quay xe bọc thép
âm vang một niềm hân hoan khắp Bắc Phi
khi Mubarak ra đi.


Sài Gòn, 2/2011





 

CHIẾM CỨ PHỐ WALL
[OCCUPY WALL STREET]

Giới trẻ cấp tiến Mỹ
theo phong trào “Occupy Wall Street”
”chiếm phố ngân hàng” của tập đoàn giàu có kết sù
đòi chính phủ giải trình minh mạch sự bất công xã hội
khi “Ngân hàng được giải cứu, người dân bị bán đi “.

Hàng tỉ đô-la, tiền thuế của dân,
đem giải cứu các ngân hàng phá sản
giúp gã khổng lồ Phố Wall tăng lợi nhuận bội phần
đưa quốc gia vào tình trạng thâm thủng ngân sách
bao triệu người mất việc, mất nhà, lâm cảnh nợ nần.

Dù gần ngàn người bị bắt,
cuộc tuần hành vẫn lan qua thành phố khác
Chicago, Los Angeles, Boston, Seattle, Tampa,
kêu gọi “ cùng nhau chiếm cứ”, đồng loạt lên tiếng.
người thất nghiệp hưởng ứng khắp nơi gần xa

Đoàn biểu tình giăng biểu ngữ
trụ lại trên phố nhiều ngày
tờ dollar chăng ngang miệng, che lỗ tai
lời thỉnh cầu không đáng giá một đồng bạc
khi đại gia tỉ phú sống tựa vua không ngai

Giá cổ phiếu cùng chỉ số Dow Jones
tiếp tục sụt giảm thê thảm
hơn năm ngàn tỉ đô-la, trị giá chứng khoán,
bốc hơi khỏi toàn cầu
Đức và Slovakia lưỡng lự giải cứu Hy Lạp
giới đầu tư bất an trước khủng hoảng nợ công Châu Âu.

Kinh tế suy thoái
thúc đẩy con người khắp nơi đứng lên đòi quyền sống
học sinh đập ô tô phố Paris, bạo loạn qua Lodon,
nông dân đòi đất Lục Phong,  đình công quanh Tel Aviv
nơi nào nữa sau phong trào Chiếm Cứ Phố Wall.

Sài Gòn, 5/10/1011


tranh của Jean Francois Millet









.

ĐẤT CONGO


Đất miền đông Congo
giàu hàm lượng vàng, cassiterit, wolframite, coltan
kim loại chính sản xuất hàng điện tử
điện thoại di động, MP3, đầu playstation.


Hai trăm bốn mươi công ty đa quốc gia
qua mạng lưới kimh doanh tự do
qua đường dây buôn lậu rửa tiền thanh toán man rợ
giành quyền khai thác nguồn lợi tức khổng lồ.


Các tập đoàn điện tử, các đại gia đổ xô vào Châu Phi
sử dụng người tại chổ như công cụ thô sơ
đào xới mõ quặng, sàng đãi đất đá,vận chuyển thay ngựa thồ
biến dân nghèo thành lao động nô dịch
sống không một xu, chết chẳng nấm mồ


Những phe phái chính trị, những lực lượng vũ trang
thu tiền mặt bằng mọi thủ đoạn từ đủ loại khách hàng
nuôi dưỡng hơn mười năm cuộc nội chiến đẫm máu
năm triệu người chết, Congo thêm nghèo nàn


Kim loại quí
dưới dạng hàng điện tử
được khai thác từ Congo,từ quặng mõ khắp nơi
biết đâu có dính máu người.


Gia Lai, 2009




NHẬT
THỜI HẬU CHIẾN


Đất nước Mặt Trời mọc
nơi hứng chịu hai quả bom nguyên tử
mỗi năm tiêu tốn hàng tỷ đô-la
nuôi năm vạn lính nước ngoài phòng ngự
lực lượng phản ứng nhanh từ xa.

Nước Nhật thời hậu chiến
qua rồi một phát-xít phương Đông
chỉ còn quyền phòng vệ dân sự
chưa được phép lập bộ quốc phòng.

Nuớc Nhật thời công nghệ
hùng mạnh về kinh tế
hàng dân dụng có mặt trong mọi nhà, tràn ngập các quốc gia
những thương hiệu, nhãn mác nổi tiếng nhiều thế hệ
cùng vốn tài trợ đầu tư hai chiều ODA.

Sang thế kỷ hai mốt,
với Nga tranh chấp vùng đảo Etorofu và Kunashiri
xin lỗi phụ nữ Hàn,những nô lệ tình dục, khi thế chiến đi qua
nhường Trung Quốc ngôi hai về kinh tế
tưởng niệm hàng năm nạn nhân Nagazaki Hiroshima.


Sài Gòn, 2011





CÁI CHẾT
KAROSHI

1.
Trên  đất Nhật
cái chết Karoshi
âm thầm gõ cửa cuộc đời.


Sáu mươi phần trăm nhân viên công nhật
làm việc hơn mười giờ mỗi ngày
thông tầm tăng ca nơi xưởng thợ nhà máy
trong tình trạng kiệt sức muộn phiền từng giây.

Người thất nghiệp trắng tay
tạm sống bằng lao động đen giá rẻ
mòn mỏi qua ngày .

Toàn phố thương mại Sakura tuyên bố phá sản
nhiều tập đoàn công ty được giải cứu lối ra
người không đủ áo cơm, người phất lên tỉ phú
người say mèm bên chén sa-kê, người thắt cổ dưới xà nhà


2.
Một thời cổ xưa võ sỹ đạo
các hiệp khách, những bậc hiền tài tự mổ bụng
khi không tròn ước nguyện sống thiện ở cõi đời.

Một thời công nghệ hiện đại
bên vực thẳm tuyệt vọng cô đơn
người Nhật trầm cảm tự kết liễu đời mình
như xoá một vệt bụi.

La Gi ,2000
.
.







TIỀN TỆ
với
CON NGƯỜI



1.
Tiền tệ có giá trị vật chứng trao đổi hàng hóa dịch vụ,
như một vật quí hiếm, một viên ngọc lăn lóc muôn bến bờ,
một chiếc răng cá mập, một lông chim sặc sỡ nơi đảo Yap,
một vỏ sò kỳ lạ ở Santa Cruz buổi ban sơ.

Tiền vật chứng xa dần thời kỳ đồ đá
nổi trôi theo nhu cầu giao thương kinh tế khắp chợ đời.
Tiền kim loại chế ra một đồng vàng, nén bạc, hào kẽm,
Giá trị tiền xu đúc theo mẫu hình thú vật hay mặt người.

Từ nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, La Mã,
đồng Dinar, Drachma có mệnh giá theo lượng số vàng
Peso, Dollar tiếp sau thời Columbus tìm ra châu Mỹ.
mang chân dung thời đại tiền mặt ký gửi ngân hàng.

2.
Thỏa ước Bretton Woods đưa Mỹ kim lên ngôi tiền tệ quốc tế.
35 dollars được bảo chứng bằng một ounce vàng,
dồn các nước vào khu vực tiền tệ biên tế.
Euro, Sterling, Rouble, Nhân dân tệ, Đô-la Úc,..và Yen.
.
Khi chế độ kim bản vị chuyển sang tiền tệ tín dụng
toàn cầu hoá trái phiếu đa quốc gia.
chọn USD làm trữ kim chính mua dầu thô khối OPEC.
phát sinh độc quyền hệ thống Petrodollar.

Một số nước tìm cách thoát khỏi vòng kiềm tỏa đô-la
Iran, Lybie, Syrie, Iraq, Venezuella..
Nga, Trung Quốc,  Brasil, Nam Phi, Ấn Độ
thanh toán mậu dịch bằng tiền tệ pháp định quốc gia.
 
Dường như, vì thế Saddam Hussein bị buộc treo cổ
bởi đã từng tẩy chay Petrodollar, dùng tiền Euro.
Gaddhafi dự định phục hồi đồng Gold Dinar cũ,
đành chết thảm dưới “lệnh vùng cấm bay”, không nấm mồ.

Cũng dưòng như Strauss Kahn phải rút lui khỏi IMF
bởi cáo buộc cưỡng dâm gái hầu phòng khách sạn Manhattan,
vì đã đề nghị dùng tiền giấy SDR làm trữ kim quốc tế.
nhằm xoá bỏ quyền thống lĩnh tờ bạc Mỹ kim.
 
3.
Kinh phí chiến tranh hút vào bãi lầy Afghanistan
vào bạo loạn Syrie cùng lệnh cấm vận dầu thô Iran,
đe doạ hệ thống đồng Euro trên bờ vực phá sản.
Nợ công, cùng nợ máu, đè lên thân phận người dân.

Trong cuộc chiến chiếm dụng tài nguyên của thực dân mới,
trong canh bạc sát phạt tranh thế bá chủ mậu dịch đầu tư
Tiền,  tên lửa hành trình đang trên bệ phóng
sẵn sàng hủy diệt bất kỳ ai, quốc gia nào chống lại, đủ mọi lý do.


Sài Gòn, 2012.







WALL STREET                                          


1.
Wall Street
tiêu biểu cho nền tài chánh thế giới
trong thị trường mậu dịch tự do.

Giữa tháng chín năm hai ngàn linh tám
chỉ số Dow Jones giảm xuống nhanh
làm sụp đổ một loạt tập đoàn bảo hiểm ngân hàng

Chưa tròn một tháng trôi qua
những Feddie Fennie, Lehman Brothers, Merill Lynch, AIG..
buộc phải chuyển quyền sở hữu
nhận tiền giải cứu theo tỷ lệ thanh khoản nhân từ

Hàng trăm đại tỉ phú bị suy thoái hạ nockout
hàng chục vụ tự tử xả súng giết nhau

Tổng tài sản tám trăm nhà tài phiệt giảm trên hai ngàn tỉ
Hàng triệu công ti thương mại kinh doanh địa ốc phá sản
Hàng triệu người thất nghiệp nợ nần bán đất bán nhà.

2.
Các lâu đài tài chính Wall Street
dường như được vẽ trên giấy in bóng mây trời
đột nhiên từ sự thật nền kinh tế hàng hoá
mọi người nhận ra các lâu đài tự nó bốc hơi.

Sài Gòn, 2008

 


KHỦNG HOẢNG NỢ CÔNG CHÂU ÂU


Khi Hy Lạp đưa ba vạn lao động vào “lực lượng dự trữ”
dự định sa thải tạm thời, cắt giảm tiền lương
theo biện pháp thắc lưng buộc bụng
khắp nơi bùng lên những cuộc đình công.

Trường học công sở đồng loạt đóng cửa
cùng hưởng ứng với nghiệp đoàn du lịch sân bay bến tàu
phản đối chính quyền bè phái thao túng tham nhũng
tài sản quốc gia cùng lợi nhuận kết sù vào tay lớp nhà giàu.

Người biểu tình phong toả Bộ Tài Chánh, toà nhà chính phủ
chặn đường đoàn kiểm toán, các chủ nợ Châu Âu
yêu cầu “Cút đi cùng khoản tiền giải cứu”
” Hãy tự cứu đất nước các ngài nợ nần lút đầu”

Khủng hoảng khối đồng Euro ngày thêm trầm trọng
Tây Ban Nha, Ý bị hạ tín nhiệm nợ công
có khả năng tiếp theo Anh, Bỉ , Pháp
khi ngân hàng Lloyds, Deixa sụp đổ xuống dưới không.

Và một ngày không xa, nếu Hy Lạp vỡ nợ
hàng loạt ngân hàng phá sản theo hiệu ứng đô-mi-nô
nhà giàu làm ngơ trước cổ phiếu rẻ mạt.
GDP khối Euro sụt giảm tự do.

Sài Gòn,8/10/2011

.
tranh của Alice Maru Harvers
.

















THAI NHI KHÔNG TÊN
1.
 (trong chùa Wat Phai Ngern)


Hàng ngàn thai nhi                                               
nằm yên trong túm giấy bọc vải bao ny-lông
ngủ quên bao lâu dưới lớp tro muối trong chùa Wat Phai Ngern
chờ phút hoả thiêu trở về cát bụi
đầu thai vào cỏ cây mai sau, vào mây nước gió sương.


Chưa kịp chào đời những thai nhi không tuổi
tượng hình một giọt bào thai không chân dung không tên
hiện thân của tình yêu rẻ dại tuyệt vọng
dấu vết của hoan lạc chiếm đoạt, của khát vọng bồng bềnh.


Hàng vạn mầm sống
lăn lóc theo đường nạo cùng viên thuốc huỷ diệt
tuột khỏi cửa đời vội vã lìa xa bầu tử cung
hàng triệu sinh linh chưa kịp chọn nơi yên nghỉ
vất vưởng nơi nhà cầu thùng rác góc khuất ven đường.


Bao người dìu nhau về chân trời hoa mộng,
bao người quay cuồng mê đắm giữa cuộc truy hoan,
bao người buồn đau nuối tiêc mối tinh tan vỡ,
còn ai nhớ chăng giọt máu rơi, dù một thoáng muộn màng ?


Sài Gòn, 11/2010



THAI NHI KHÔNG TÊN 2.

(trong bệnh viện Phụ Sản Trung Ương,Hà Nội ) .


Từ bệnh viện Phụ Sản Trung Ương, 6 tháng đầu 2011
hàng ngàn thai nhi vội vã lìa đời.
chưa kịp tượng hình, đôi khi, chưa đầy một giờ tuổi
đâu rõ phận người  mai sau buồn vui.
 
Dăm ba phu nhân theo trào lưu thời thượng văn minh
ngại ngùng đứa con thứ ba cùng hoang thai ngoại tình
làm vỡ mộng vàng son giữa thị trường danh vọng
đành lòng phá thai hủy diệt chính con mình.
 
Những thiếu nữ trao thân thơ ngây cho hoan lạc mê say
chợt nhận ra phút mộng mơ không ngày mai
giữa cuộc đời trần tục dối gian ngang trái.
đau đớn chối từ giọt máu tình yêu mới hoài thai.
 
Bao bệnh án nhân danh AIDS giang mai Rubella
bao hồ sơ tội phạm dán nhãn bao cao su
bao chiếc ghế quyền lực trở xoay trong mùi hôi tình dục
bao cô hồn vật vờ chốn oan khiên mịt mù.
 
Còn bao thai nhi bị bỏ rơi nơi xó chợ đầu đường.
nơi đóng rác y tế, quẩn quanh dưới bóng tối nhà thương
còn lời nào tiễn đưa sinh linh bé thơ về cát bụi
giọt mắt nào buồn trong mênh mang khói hương.
            


.
tranh của Frederic Edwin Church








CÁ DI TRÚ               


Trong dòng nước lạnh Benguela
dọc biển tây Nam Phi đến Namibia
dưới nắng hè phương nam ấm áp
đàn cá con tựa tấm thảm xanh lơ
quần tụ chập chờn theo điệu vũ mơ hồ.


Mùa đông về, thảm cá trôi như sông
di cư qua miến Kwazaki Natal Cap East
cung biển ôn hoà cho phiêu sinh bềnh bồng.


Theo dòng cá di trú
từng bầy cá mập rộng mồm chài bữa tiệc béo bở
cùng loài chim điên quần thảo trên trời.


Khắp nơi vùng Durban
con người không quên chuyện kiếm ăn
cùng lũ sư tử biển, hải báo, chim cánh cụt
nào lưới dã cào, nào thuyền câu khơi, đủ loại bủa giăng.


Cá theo dòng di trú.
Người theo thời kiếm ăn.

Ngảnh Tam Tân,1973 .





DỊCH CHUYỂN CÁT



Hàng năm xứ Chùa Tháp Cambodia
thu gần triệu đô tiền xuất cát qua Singapore
hàng tháng tỉnh Koh Kong
nạo vét hơn triệu tấn cát sông cát bãi hồ
hệ sinh thái quanh vùng đang bị huỷ diệt
hụt hẩng đất sống cho loài tảo biển, rừng đước san hô.


Một nửa lượng cá giãm,
cá nược cá heo dần dà mất hút
ghẹ cua cùng rái cá xa lánh con người
dân đen cắm cúi trên bọt nước đục ngầu đất đai sạt lở
không nơi di dời

Cát,
lên tàu,
bỏ bờ xa khơi.


Khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands đang nhoài ra biển
Đảo quốc Singapore mở rộng thêm diện tich đất quốc gia
Sụp lở nơi này, bồi đấp nơi kia, cát theo người chuyển dịch
Teo tóp thân nghèo,phì lũ đại gia,đời đổi thay theo dòng phù hoa.


Kê Gà, 6/2010
 





KHUÔN MẶT CHÓ


1.     
Loài chó hoang
tự cổ lai như muôn loài
đâu thể nhận ra khuôn mặt mình giữa cõi u mê
qua bao kiếp mông muội hoài thai.


Loài chó dại
mùa động tình dậm dật
quịt đuôi lè lưỡi khịt mũi đánh hơi
tìm nhau liếm lông nhảy hót
tàn cuộc chơi hoang dưới trăng tru dài


Loài chó sói
lừng danh man rợ
rình rập con mồi
trên đồi cao, dưới đồng trũng, nơi nẻo khuất
chực chờ xé xác uống máu tươi.


Loài chó ghẻ
lơ ngơ dở hơi
xa bầy lang bạt bao đời
lò mò về xóm mạc
mộp dài ngoảy đuôi theo tiếng tróc của  người.


Những con chó mang tên khai sanh mới
Mực, Bạch, Vện,Vàng, Đốm, Luốc, Lai, Bẹc-giê
Chó Kiểng, Quân Khuyển, Chó Nghiệp Vụ
gác dinh thự, đánh hơi ma túy, sủa doạ trẻ thơ


2.
Gương mặt chó
đôi khi hiền như nai tơ
được cưng chiều như công tử như tiểu thư
khoanh vòng phòng khách, ngồi xa-lông, ngủ giường nệm
uống sữa, ăn thịt bò, ốm đau nhờ bác sỹ thú y.

Bản mặt chó
luôn hiện nguyên hình lang sói
gầm gừ nhe răng
rình cơ hội chồm lên cấu xé
sát hại đồng loại giành giựt miếng ăn



Khuôn mặt chó
nhiều lúc ngờ như diện mạo người
chó săn, mắt láu cá, toan tính  như lái buôn
chó lai, mặt bự tai to nọng ú,vênh váo giống quan lớn
chó đói,bên bãi rác,đâu khác phận người nghèo khổ lang thang

3.
Loài chó
ở đâu, thời nào, hình dạng gì, vẫn là chó
đuôi khi cụp khi cong, miệng bậm mõm dài
răng bén móng sắt, lớn tiếng sủa
bỏ hoang dã, thú chó lẩn quất giữa loài người


Sài Gòn, 12/2010

..
tranh của Mikhail Kalinin










BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1.
Sự biến đổi khí hậu như cuộc khủng hoảng xanh
do trái Đất từng ngày nóng lên

Mỗi năm con người thải ra tám tỉ tấn carbon
do đốt nhiên liệu hoá thạch cùng thảm hoạ cháy rừng
mỗi thập niên lượng carbonic nhiều thêm
bầu khí quyển thay đổi bất thường.

Nền công nghiệp hiện đại góp phần huỷ hoại môi trường
tổng lượng khí thải tăng hàng tỉ tấn.
mặt đất nóng lên, hạn hán bão lũ sóng thần
núi băng sông băng tan chảy
dồn năm triệu khối nước về đại dương


2.
Có thể trăm năm sau
khí hậu toàn cầu tăng thêm nhiệt độ
trái đất già nua như hành tinh xa lạ
hai cực không tuyết băng, đêm không trăng sao
nước bốn biển dâng cao xoá nhoà  lục địa.



Nhà Bè,1990 
 
 



VỀ NHỮNG DÒNG  SÔNG



1.
Những dòng sông ngang qua trí nhớ dại khờ cỏ hoa
dòng biếc trong in dáng cây rừng  mùa ấu thơ
dòng trôi mau, một chuyền đò ngang, không thời gian trở lại
dòng lững lờ, bóng mây cùng bọt bèo, dần xa cõi mộng mơ.


2.
Những con sông chìm sâu vào bão giông lũ lụt
nước ngập mọi miền xoá dấu phân chia trong đục đôi bờ
đục ngầu mênh mông, cuồn cuộn quét trôi làng xóm
sông hồ không tên, núi non không tuổi, muông thú vật vờ.

Những con sông chậm dòng qua thời này
lòng héo hon rong rêu sỏi đá, khô khốc bùn lầy
cồn cào đất cát rác thải, chờ lũ quét
bến đỗ sạt lở đồi hoang mạc không bóng cây.


Những con sông cạn dòng về ngày mai
đập thuỷ điện chập chồng chắn ngang đời sông dài
nước nguồn tự nhiên tù đọng lòng hồ nhân tạo
hạ lưu nứt nẻ ruộng đồng tàn lụi cỏ cây.



3.
Đất trời dường như đã thở dài
mưa bão sóng thần, băng tan thêm nước ngập dòng đời
động đất hạn hán, núi phun lửa thiêu rừng cháy
môi trường ô nhiễm,toàn cầu hoá lòng tham của thú và người.

Sài Gòn,12/2010

tranh của Bob Ross
















.


HÀ NỘI
lụt lịch sử

1.
Năm hai ngàn linh tám tháng mười
mưa dội xuống Hà Nội
hơn bốn trăm ly lượng mưa rơi
chưa từng có trong lịch sử
lụt ngập tràn khắp nơi.



Phường phố thành sông
mương hồ liền nhau mênh mông
ngách ngõ ngập sâu hơn thước
các tuyến đường xe cộ ngừng giao thông
người đi lại bằng xuồng phao phương tiện tự chế
thả lưới câu cá giữa lòng đường


Gió mùa đông bắc ào ạt thổi
mưa lạnh kéo dài
điện cúp nước thiếu
trường học công sở phố chợ nhà hàng đóng cửa
thực phẩm khan hiếm giá cả tăng từng ngày

Hơn bảy trăm máy bơm không thể vận hành
trừ trạm Yên Sở
mưa nặng hạt nước dâng nhanh
ọc qua hầm cẩu duềnh qua cống rãnh
rác phân xác súc vật lềnh bềnh
cây ngã nhà sập đường vắng tanh.



2.                              
Sau năm ngày
mưa thôi bay qua Hà Nội
hai mươi người chết và mất tích
phố xá nhầy nhụa bùn lầy

Thủ đô vẫn ngập lụt dù mưa ngừng rơi
năm mươi bốn ngàn hecta lúa hoa màu chết úng
năm ngàn hộ di dời
thiệt hại trên ba ngàn tỷ


Khu phố mới Nhân Hoà Trung Chính nước mênh mông
rác công nghiệp bềnh bồng
những đập chắn bờ bao thời hiên đại
sạt lỡ theo sông.


May thay còn nguyên đê điều của cha ông
phố cũ rêu phong
dưới tán cây hoa sữa
đẹp cổ kính sau mưa giông.

Sài Gòn,11.2008.



 

LŨ KHÔNG TÊN


1.
Khi rừng đầu nguồn không còn xanh giữa trời đất
không gian hanh hao, theo tháng năm cỏ cây lụi tàn
chân động, lưng đèo, đầu non vắng rừng phòng hộ
đá lặng thinh lìa xa thân núi, ngày qua sạt lở hoang tàn.
 
Hoa dại, lan rừng, rong rêu cằn khô tuổi biếc
còn đâu đồi dương liễu, bờ lau thưa mong gió về vi vu
khe cạn suối khô, trơ trọi bao viên cuội
những cánh chim chiều bỏ tổ bay xa.
  
Mây đen theo mùa chuyển mưa về nguồn
đâu hay đất cát, núi non sông hồ đã tang thương
hạt nước xưa không nơi trú ngụ
đương nhiên tìm đường về đại dương.


2.
Trời đổ mưa tầm tã.
Lũ tràn qua hoang mạc lạnh lùng dâng cao
chồm lên đồi trọc luồn lách xô nghiêng kè đá
ngập trắng cánh đồng, dìm sâu làng mạc, phá vỡ đê điều bờ bao.

Rừng không còn ngăn lũ,
bão thản nhiên thổi qua
Đất không giữ được nước,
Người đâu còn cửa nhà.

 
Đất đứt chân xốp nhão rã rời  sụp lở trước mưa giông
 Dân thiếu đất kiếm ăn lay lất cùng nỗi niềm sinh tử
 Rồi một mai lũ ngập mênh mông
 Cả thú và người sao còn hơi thở?

  
La Ngà, mùa mưa 2010. .


 


LŨ QUÉT
LÀNG CHÀI PHƯỚC THIỆN


1.
Làng chài Phước Thiện nằm ven chân sóng miền Bình Sơn
mỏng manh hẹp dần trước thủy triều xâm thực hàng năm
Bãi dương xưa, rừng xanh cũ, bốc hơi theo mây nước
Cát sỏi lăn trầm về xa xăm.


Đất ở bám lưng nỗng cát me dương, gò trọc lông chông
Xóm nghèo bấp bênh cùng gió sóng mưa lụt bão dông
Bấc lộng sóng gào, thuyền lưới gối đầu lên bãi vắng
Nồm mưa lụt về, dân chài che chống nhà xiêu mái dột nát lòng


2.                                                         
Xưa, tự nhiên đã thiên tai nhưng hiếm khi lũ quét
Nay, rừng đầu nguồn tan hoang đâu cầm được giọt lệ trời
Hồ thuỷ điện bậc thang xả lũ về hạ du ngập làng xóm.
Một dải Miền Trung chìm sâu trong dòng lũ dưới mưa rơi.


Sông suối hợp lưu xối xả dâng cao mông mênh
cắt đứt tuyến đường xuyên Việt qua Hương Trà Quảng Điền
Mưa nhiều ngày nghiêng trắng về Phước Thiện
cô lập xóm núi A San, Ch'num.

Nước giận dữ từ núi dội xuống như thác
cuồn cuộn trôi mau tràng giang không bến bờ
chảy xiết xoáy sâu xé toạc gò đống
Đất giật mình sạt lở kéo sập cửa nhà.


Mạng sống lửng lơ trên ngọn cây
của cải một đời cuốn phăng về biển
chỉ nỗi đau ở lại với người
trong tiếng thở dài.



Nghệ An, mùa mưa 2007 


tranh của Anatoliy Klimenko

 .





.
TUYẾT
BẤT NGỜ RƠI
Ở CHÂU ÂU


Châu Âu
chưa ra khỏi khủng hoảng nợ công
chưa kịp đóng băng các ngân hàng dầu thô Iran
tuyết bất ngờ rơi, rét buốt âm hai mươi lăm độ.
dân nghèo co ro ôm một niềm giá băng.

Khắp nơi tuyết
đông lạnh bao tuyến giao thông
đóng cửa sân bay Frankfurt, Gatwick, Edinburgh, Zurich, Lion
chôn bánh trong băng hàng ngàn chuyến xe tải
cùng bến tàu, sân ga, trạm bus, con sông.

Hồ Garda, dòng Danube phẳng lặng mặt băng dày
Bosnia chìm khuất gần như trong tuyết bay
thôn sâu bản núi miền Zijemlje mất hút đường liên lạc
mênh mang khung trời lạnh giá nhiều đêm ngày.

Hàng vạn dân vô gia cư
run rẩy dưới lều bạt, nơi góc vắng
đôi cụ già chết cóng trong băng làngTravnik quận Monstar
nguồn khí đốt Gazprom từ Nga qua Đông Âu sụt giảm
hơn bốn trăm người chết vì không lò sưởi, không mái nhà.

Không khí rét mướt kéo dài, nguồn năng lượng thiếu
Đức phục hồi nhà máy điện hạt nhân
Hi Lạp xuống đường phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng
dù trời còn rơi tuyết, đất lạnh lùng đóng băng.




TUYẾT
LẠNH TRỜI ÂU



Mùa đông để tuyết rơi bất thường xuống Châu Âu
khi tháng mười hai vừa bắt đầu
già Noél còn lang thang đâu đó chưa về mừng Chúa CứuThế
trời xanh bỗng dưng trắng lạnh một màu.


Tuyết tự do rơi sớm
khi hội nghị về biến đổi khí hậu sắp khai mạc ở Cancun
dù bùn đỏ làng Kolontar ngừng trôi vào dòng Danube xanh
tro than của rừng cháy Taiga đã nguội
nước sông Tiber lăm le tràn Roma mấp mé chân thành.


Tuyết lạnh lùng rơi dày mặt đất
dù sức nóng đầu đạn hạt nhân từ căn cứ đánh chặn dâng cao
rừng bắc Israel bốc lửa hàng chục người chết cháy
tài liệu rò rỉ qua WikiLeaks hong khô bầu không khí ngoại giao

Tuyết bay trắng khung trời mọi miền
gió từ Sibérie thổi qua Bắc Âu lạnh mông mênh
giá buốt dưới âm hai mươi độ
dân tha phương, rời khu ổ chuột, co ro vào thềm ga Berlin
.


Tuyết ngập phường phố tắc nghẽn giao thông
nhân viên đường sắt Métro Paris đâu cần đình công
hàng trăm chuyến bay ở Munich ngưng cất cánh
xe tăng ủi tuyết dọn đường cứu thương qua Flaster,Bornholm.


Tuyết đóng băng
hơn sáu mươi người chết rét ở Lapland
băng giá không biên giới ướp lạnh xác bao lữ hành
nghệ sỹ đồi Montmartre run rẩy tiếng kèn truy điệu
người lưu vong ôm nỗi buồn cùng giọt tuyết long lanh




BÃO TUYẾT
QUA ĐẤT NHẬT


Rét bất thường tràn qua bầu trời Nhật Bản
nhiệt độ xuống nhanh đầu tháng hai, tuyết rơi đầy
đỉnh Phú Sỹ thả trôi dòng băng xuống núi
bông tuyết tựa anh đào theo gió lạnh bay.

Gió vi vu từ biển khơi miền Hokuriku
thổi mạnh qua Yamagata về Hokkaido
bùng lên một cơn bão tuyết
tạt về phương nam phủ ngập đảo Kyushu.

Bốn thước tuyết dày
đông cứng suối nước nóng Sukayu
làm sạt lở con phố Akita vùng đảo Honshu
đè sập cầu Sakae giũa đôi bờ Nagano lạnh giá
đóng băng đoàn xe dài từ Nobeji đến Mutsu.

Giao thông đường sắt, hàng không đình trệ
đi lại trượt trơn, mái sập, cây ngã,buốt dưới độ không.
trên bảy trăm bị thương, gần sáu muơi người chết
tuyết như vành tang phủ lên cõi người, trắng mênh mông.

Tuyết thản nhiên rơi một màu băng giá
đâu che mờ đôi mắt hướng về Nagazaki,Hiroshima
đâu làm quên nỗi đau ngày sóng thần động đất
nơi miền đất lạnh Fukushima.

Baria, 2/2012
tranh của Karl Blechen










BÃO NHIỆT ĐỚI
QUA ĐẤT MỸ

1.
Vãn xuân 2012 đột ngột đổi thay khí hậu Mỹ
Cơn lốc cấp EF4 xoáy từ miền Nam qua Trung Tây
tấn công thành phố Harrisburg bang Illinois
gió dữ dội thốc mạnh vào Kansass Missouri Indiana
phá hàng loạt nhà cửa, xé nhiều trường học, huỷ một nhà tù
san phẳng thị trấn Henryville, cướp đi hàng chục sinh mạng
dập nát đường phố tại Kentucky Tenessee Alabama
lốc gió gia tăng kéo dài qua Ohio từ Georgia,
và dường như từ một tâm bão xa.

2.
Bão mặt trời toả nhiệt bốn mươi độ bách phân
hong khô không gian Mỹ, hầm hập nóng hai mươi bang
làm biến dạng đường cao tốc qua Wisconsin Maryland
ba vạn hec-ta rừng bốc cháy
tàn phá cỏ cây đất đai hơn tám ngàn cây số vuông
gần bốn trăm ngôi nhà bị thiêu rụi
bốn mươi hai người "chết nóng", hàng vạn vào nhà thương

Bão ập xuống bờ Đông thốc qua Ohio Virginia
gió nhiệt đới Debby chuyển vòi rồng vào Florida
lụt ngập tràn thành phố Duluth
hàng triệu người sơ tán khỏi quê nhà
điện cúp trên diện rộng, hàng chục người "chết cóng"
máy lạnh ngừng, lò sưởi tắt, nhiệt độ không điều hoà.

3.
Bão nhiệt đới xoáy lốc thổi vòi rồng qua nước Mỹ
không còn như “khoa học viễn tưởng” chốn văn chương
là điềm báo biến động của trái đất
nóng lạnh âm dương sinh diệt không thể lường

Vũng Tàu, 7/2012














SÓNG THẦN
Ở SAMOA

Rạng sáng 30 tháng 9 năm 09
trận động đất 8 độ richter rung chuyển Thái Bình Dương

bất ngờ tạo ra bốn đợt sóng thần cao hơn sáu mét

ập xuống Samoa Tonga thủ phủ Pago Pago

lan tận bờ biển New Zealand, Hawaii và Nhật

dập nát tàu thuyền, san phẳng cửa nhà

quét sạch những ngôi làng đảo du lịch Upolo


Sau Sau Beach Fale
chìm trong bể nước

Hơn trăm người chết
dưới gạch đá ngổn ngang


Hàng vạn người trắng tay
giữa trời lộng gió

Thủ đô Apia
đảo quốc America Samoa
như đồi hoang.






ĐỘNG ĐẤT
Ở DALBANDIN

Giữa tháng đầu năm hai ngàn mười một
đất rung chuyển mạnh thành phố Karachi
chấn động khắp vùng Quetta, Sibbi
Jaffarabad, Lahore, Sargodha rung lắc dữ dội
dư chấn lan tận Mumbai, New Delhi.


Động đất tàn phá trấn Dalbandin miền Kharan
sập đổ hàng trăm ngôi nhà phủ Quetta tỉnh Balochistan
lung lay nứt nẻ xiêu vẹo những dãy phố
dân vùng Sidh, Karachi hoảng loạn giữa điêu tàn.

Động đất khoảnh khắc lặng yên

Lòng người dội lên dư chấn.

 SG,2010

tranh của Dominique Abel Boy


 








GHI CHÉP                      
ngày đầu năm 2011

1.                                                              
Khi năm cũ vừa đi qua
một quả bom liều chết nổ bên thánh đường Alexandrie
tám mươi người bị thương, hai mốt người chết
bao em thơ ngất lịm trong lệ nhòa.

Núi Anak Krakatau tiếp tục phun lửa chào năm mới
sáu trăm độ bách phân nung khô không gian Lampung
khắp nơi mù bụi khói, tro đặc, đá sỏi, dung nham nóng
tan tác lao đao dân bảy huyện quanh vùng.

Mưa đá đột ngột dội xuống Moscow
lấp nghẹt đường băng sân bay Domodedovo
gần tám trăm làng lân cận mất điện
vắng tanh đường xá, tuyết phủ lạnh phố nhà.

Gió  rét tràn qua Bắc Ấn
ướp lạnh mênh mang bầu trời
hàng vạn dân vô gia cư tê cóng quanh Uttar Pradesh
hơn trăm người nghèo đói phút chốc lìa đời.

Hiện tượng La Nina kéo dài từ năm trước qua Queenland
sóng thần trên đất liền chụp phủ Bisbane
trấn Toowoomba cùng ba vạn ngôi nhà chìm trong biển nước
người chềt đuối, người mất tích theo lũ mưa tràn.

Sa Pa buốt lạnh dưới hai độ
núi rừng Việt Bắc dày đặc sương mù
hai ngàn trâu bò chết  rét
tuyết trắng trời Sìn Hồ.

2.
Cơn nóng lạnh thất thường của đất trời
cuộc khủng hoảng an sinh giữa cõi người
đã khởi đầu cho năm mới hai ngàn mười một
sẽ báo hiệu điều gì ở tương lai ?

Sài Gòn,1/1/2011





GHI CHÉP                              

lúc 5 giờ sáng
ngày 8 tháng 8 năm 2011

1.                                                                   
Đồng hồ Greenwich vừa báo hiệu đầu ngày 8 tháng 8
chưa kịp đánh thức khu Oxford Circus và điện Birmingham
hàng trăm nhóm người bạo loạn tràn qua như cơn lốc
khuấy động khu Hyde Park lan rộng khắp London.

2.
Bình minh Syrie chưa lên, phố Del el Zour chìm trong lửa đạn
quân đội nổ súng vào một đám tang
59 người ngã gục tại chỗ
bổ sung vào 300 tử thi từ đầu tháng chay Ramadan.

3.
Bão Muifa quét bay 6 mạng người khỏi bờ tây Hàn Quốc
mưa lũ nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà dọc biên giới nam Triều Tiên
lốc xoáy thốc qua thành phố Thiên Tân Trung Quốc
sóng dữ xé toạc cảng Đại Liên đe doạ nhà máy hoá chất Paracylène.

4.
Đêm chưa tàn giá vàng tăng nhanh lập kỷ lục mới
gần một ngàn tám trăm dollars một ounce
khi Standard & Poor‘s hạ định mức tín nhiệm nợ Mỹ
khi số người Somalie chết đói mỗi lúc một nhiều.

5.
Bản tin 5 giờ sáng dự báo thời tiết trong ngày
đâu nghe dự báo trong phút giây sắp tới bao nhiêu lượng máu rơi
bao nhiêu ngưới chết vì nghèo khổ, vì chủ nghĩa lợi ích tài phiệt.
chính ta cũng đâu lường trước nỗi muộn phiền u ám không lời.

Sài Gòn,8/8/2011
ĐOÀN THUẬN

tranh của Pino Daeni









.













.DỰ BÁO                                                     


1.                           
Nền công nghiệp bành trướng
trong thị trường mậu dịch đa quốc gia
trên con đường phát triển kinh tế hàng hoá
sẽ dẫn đến hối mại quyền lực
lũng đoạn lương tri giết chết tư do.


Sự suy kiệt nguồn dự trữ tài nguyên
dân số thế giới ngày đông thêm
trong tình trạng thiếu lương thực
sẽ bùng nổ những trận chiến giành giựt miếng ăn.

Có thể là dự báo
một cuộc huỷ diệt hiện đại
giành Đất Chết để sống.


2.
Trái đất già nua đang được con người nung nóng
đồi trọc núi lở hanh khô, cháy rụi những cánh rừng
mìn nổ khai thác quặng mõ titan uranium bauxit
bom khinh khí, tên lửa phóng thử đầu đạn hạt nhân


Những núi lửa, những giếng dầu nổ tung
bầu khí thải tăng thêm độ nóng cho tầng ozone
vệ tinh nhân tạo đâm thủng lòng vũ trụ
khói công nghệ, bụi phóng xạ phủ khắp địa cầu tròn


Biết đâu vài thập kỷ sau, biết đâu một mai.
bùng nổ một cơn bão mặt trời
sóng điện từ như làn chớp va đập địa chấn
toàn cầu chìm trong bóng tối, khuất dấu loài người.


La Gi,1993






RỒI MỘT MAI



Đất là nguồn sống của Người,
sinh mệnh của một dân tộc
đang được mang ra đánh cược
trong trận đấu giá toàn cầu.


Bên rao bán là nước nghèo một thời thuộc địa Tây Âu
bạt ngàn tài nguyên nhưng trống rổng ngân sách
dịch bệnh thiên tai, chiến tranh, đói rách
rừng vàng Nam Mỹ, đồng lúa Đông Á,vùng sừng Châu Phi


Bên đấu mua là nước giàu vũ khí đô-la
lùng sục khắp nơi thuê mua dài hạn, có khi xâm lược
đất trồng lúa ngô đậu mè, thu về an ninh lương thực
rừng trồng cọ dầu, biến nhiên liệu sinh học thành vàng xanh


Trái Đất như quán trọ lớn cho lữ hành
đang nóng lên, tuyết băng tan chảy, bão lũ sóng thần
núi đồi rừng rú cùng nhân phẩm suy thoái
một mai mênh mông nước biển xanh.

Sài Gòn ,2009
ĐOÀN THUẬN


tranh của Hui Zong