MÙA TRỌ HỌC

 

 

 

                      MÙA TRỌ HỌC

   CÁT SỸ

                     
                          tranh của Đỗ Duy Tuấn

                                          
THẢO ĐIỀN 2014
..



CON ĐƯỜNG
đã qua



Xin đừng hỏi về tôi
sao bơ vơ giữa đời,
như người không cha mẹ,
thân dại khờ đơn côi.

Đừng hỏi tôi vì đâu
khổ nghèo từ lưng trâu,
thành gia sư kèm trẻ,
tuổi xanh sớm bạc đầu.

Đừng hỏi tôi vì sao
tình hoa niên úa màu
thầm niệm lời nguyện ước
phận buồn thêm thương đau.

Mùa đi, quê xưa ơi
con đường bỏ quên tôi,
em cần chi sầu nhớ,
tôi lưu lạc bồi hồi.

Nancy, 1962
Cát Sỹ


PHẬN TÔI

Xa quê xa Mẹ
thuở nhi đồng.

Theo đạo Ông Bà
dòng Lạc Hồng.

Tha phương đi học
ra đi dạy.

Tự dưỡng tâm an
trước bão giông.

Bà Rịa,1960
TRẦN THUẬN

.

DÒNG ĐỜI


Đời người sinh tử khoảng trăm năm.
Thế sự vần xoay luôn thăng trầm.
Thời gian bình thản trôi mải miết.
Vạn hữu luân lưu dưới bụi lầm.

Gió chuyển mùa màng qua núi sông.
Mây mang hơi nước mưa tầng không.
Lũ tràn sóng vỗ gào giông tố.
Ruộng dâu hóa bể, biển lấn đồng.

Tương phùng ly biệt, người mơ màng.
Sớm nở tối tàn, hoa cỏ hoang.
Một thoáng trầm hương nương theo khói.
Mất còn nhân quả lẽ tuần hoàn.

Nổi buồn niềm vui như sương mờ.
Duyên mỏng phận bèo tựa giấc mơ.
Dòng đời trong đục xa bến giác.
Lá thắm thiên thu trôi lững lờ.


Văn Khoa Saigon,1965

 

MÙA TRỌ HỌC

Bao mùa trọ học đất Sài Gòn
giúp tôi dần xa tầm trẻ con,
với phận quê mùa sống khép nép,
lủi thủi nương thân giữa mất còn.

Ngày đầu lưu lạc nơi phồn hoa,
trọ lại thôn nghèo ngoại ô xa,
đường đi nước bước còn lạ lẫm,
bạn với sương khuya với chiều tà.

Người có thiện tâm như xót xa,
thương kẻ bơ vơ không cửa nhà,
sẻ chia cơ hội vào đại học.
nhường phần kèm trẻ tại tư gia.

Giấc mơ Kiến Trúc rồi phai nhòa,
đành chọn văn chương với Văn Khoa,
theo Ban Việt Hán vào Sư Phạm,
một mai nối gót ông đồ già.

Thập niên 60 hồn nhiên trôi,
Sư Phạm tiễn tôi về xa xôi,
Trung học Hà Tiên, nhiệm sở mới,
từ giã Văn Khoa lòng bồi hồi.

Đất trọ Sài Gòn như quê hương.
Một tôi du tử lại tha phương.
Kỷ niệm buồn vui trong lưu bút.
Hành trang mang theo chỉ gió sương.

Sài Gòn, 1969

 


                
tranh của Đặng Can
                       nguồn internet



ĐƯỜNG HOA XOAN


Ngày nao đường hoa xoan
hoa đôi khi bàng hoàng
tim tím trong chiều muộn,
nghiêng rơi khi phai tàn.

Trên đường này em đi,
đôi bờ bao hoa quì
cùng bao hoa mắc cở,
thả lời hương thầm thì.

Đường đưa em qua trường,
bên đồi cây thùy dương,
xoan bay từng cánh biếc
cùng áo tím vấn vương.

Rồi hoa đường hoa xoan
chiều đưa em sang ngang,
tím ngát buồn thương tiếc
tình đầu đời ly tan.

 

 ĐƯỜNG HUỆ TRẮNG 


Lối sỏi nhỏ vòng qua sân thánh đường,
bên bờ hoa lan đất sát chân tường,
những khóm huệ cánh xanh búp trắng nõn,
màu trinh nguyên êm dịu thoảng nhẹ hương.

Tháng Đức Mẹ, người về đọc kinh đêm.
Trẻ đi quanh, già nua dừng bên thềm,
đóa huệ trắng trong tay cùng cầu nguyện,
mong quê nhà yên ả, đời ấm êm.

Những đêm mưa người vắng, huệ bâng khuâng,
hướng lên trời như ngóng tiếng chuông ngân,
gửi hương nguyện về muôn phương sông núi,
về cỏ hoa hoang dại rừng xa gần.

Bao mùa đi phiêu bạt, sống tha phương,
nơi gác trọ sách đèn, những đêm buồn,
thầm nhớ mẹ nhớ quê, nhớ huệ trắng,
nhớ bạn nghèo thuở nhỏ nơi quê hương.

Nancy, 1966

 

HOA ĐẦU ĐỜI

Bên hoa hồn nhiên cùng rong chơi,
khi trên sông xanh đò ngang trôi,
khi qua đất trọ tìm nơi ngụ,
khi vào ga truông lòng bồi hồi.

Bên hoa thư sinh quanh sân trường,
trường làng nhà tranh nơi quê hương,
trường tỉnh mái ngói trong phố thị.
Sách vở bút nghiên lấm gió sương.

Bên nhau buồn vui mùa hoa xoan,
trang thư lưu hương ngày thu vàng,
tâm tình mong ước niềm chung thủy,
dù đời trắc trở cách quan san.

Mùa đi lưu ly sầu đâu rơi.
Màu hoa phôi pha buồn không lời.
Tôi chiều nguyệt quế đêm dạ lý,
dưới hoa, tưởng nhớ hoa đầu đời.

An Hội,1964
.

 

ĐƯỜNG QUA  ĐẤT TRỌ


Sương mù nhòa bóng hàng cây,
đường qua đất trọ ngập đầy cỏ hoa,
bên bờ rạch nước bến phà,
vài chòm lau sậy la đà hắt hiu.

Gió đưa xa tiếng sáo diều
còn đây xóm nhỏ quạnh hiu ngoại thành,
vườn cây luống cải rau xanh,
đồi nương ruộng cỏ nằm quanh ruộng mùa.

Cuối đường gần khóm hoa mua,
gác cây rung lắc mái khua âm buồn,
ngờ như gió thổi bụi tuôn,
ru nhành xoan tím rơi buông hoa tàn.
bao ngày vườn cũ bỏ hoang,
nay mong giúp sức tôi an sách đèn.

Nơi này đâu biết ai quen,
đi về bạn với hoa sen dã quì,
đời người sum hợp phân ly,
buồn vui tôi chỉ thầm thì với tôi.

Rạch Chiếc,1962

 

 

NƠI TRỌ HỌC


Gác cây dưới tán hoa xoan,
nơi tôi trọ học ngổn ngang sách đèn.
Vì đời trôi nổi bao phen
thân như bèo dạt ao sen đầm lầy.

Chốn này hoa thoảng hương bay
từ bờ cúc dại, từ cây xoan già.
Cõi kia phố thị phồn hoa,
nhà hàng cửa hiệu quán ba vũ trường.

Hạ sang phượng thắm pha sương.
Em xưa từ giã sân trường lệ rơi.
Người đi kẻ ở bồi hồi.
Tuổi thơ hoa mộng một thời sang trang.

Tôi nơi gác cũ vườn hoang,
bạn cùng cây cỏ cùng trang sử vàng,
lời xưa nghĩa cũ mênh mang,
âm thầm suy niệm giữ an tâm mình.

Rạch Chiếc, 1962

 

TÔI VÀO ĐẠI HỌC

Tôi từ biển mặn, đồng ruộng xanh,
một trẻ chăn trâu lên tỉnh thành
dò dẫm tìm đường vào đại học,
nhiều năm ở trọ nơi Sài Thành.

Hòn Ngọc Viễn Đông, miền đất lành.
Phương Nam, đậu lại cánh chim xanh.
Văn minh Lúa Nước nền Âu Lạc.
Thoát ly phong kiến sau chiến tranh.

Dù như du tử phận mỏng manh,
vẫn theo nguyên lý sự vận hành,
Nhân bản Dân tộc và Khai phóng,
mở tầm hiểu biết dưới trời xanh.

Ở nhờ ăn đậu sống âm thầm,
tự thân rèn luyện xa mê lầm,
kèm trẻ tư gia, dạy tư thục.
nương tựa vào người có thiện tâm.

Dân quê dân phố nghèo hay giàu,
tình làng nghĩa xóm động viên nhau,
giúp trẻ học hành đến thành đạt,
xây đời an lạc cho mai sau.

Sài Gòn,1963

 

THEO ĐUỜNG NGUYỄN DU


Mưa lâm râm qua đường Nguyễn Du.
Hàng me xanh chưa kịp vàng thu
rơi đầy lá bên thềm gạch cũ.
tràn mui xe, chạm nhẹ cánh dù.

Khách trú mưa quán cóc vỉa hè
nghe nhạc nhẹ, nhâm nhi cà phê,
với âm thanh rì rào mái phố,
cùng thầm thì chuyện phiếm đê mê.

Đôi tình nhân dìu nhau đội mưa,
vai kề vai không một âm thừa,
chậm bước về cung đường phố vắng,
dưới bóng cây, nước rụng lưa thưa.

Bao sinh viên trong làn mưa thu,
xe đạp con, theo đường Nguyễn Du,
vào Đại học Văn Khoa, thư viện,
tìm “chữ tài chữ mệnh”, “chữ nhu”.

Gió vi vu đưa lá me bay.
Lời Tố Như ru trang tháng ngày
”Cõi người ta” trong cuộc dâu bể.
Như lệ mùa buồn vương áng mây.

Đại học Văn khoa Saigon, 1964

CON ĐƯỜNG KHÔNG QUÊN


Trên mặt chiếc lá mơ,
một vòng tròn đơn sơ
tựa số không mờ ảo
do sâu chạm tình cờ.

Vòng tròn như loan tin
tôi nay còn một mình
không bạn thời đèn sách
không em về tâm tình.

Lá nhắc tôi “không quên”
lệ chia ly buồn tênh
như mưa rơi hoa rụng.
như sương mờ bồng bềnh.

Không ai chờ một mai
đường xuôi ngược còn dài
tôi vẫn nhớ lời nguyện
dù đời bao u hoài.

Đa Kao, 1963

 

DƯỚI BÓNG HOA VẮP


Đường cây vắp Gò con
đưa tôi về thăm Đoàn,
nơi xóm nghèo Bến Cát
làm nhớ mùa hoa xoan.

Một hàng cây vắp già
che lối nhỏ về xa,
đôi bờ hoa cỏ dại,
hương thơm thoảng chiều tà.

Đôi nhành vắp la đà
đong đưa những đóa hoa
với nhụy hồng cánh trắng
búp non dịu nõn nà.

Lối đi về quanh co
ẩn hiện dưới chân gò
những nương rau luống cải
vài túp nhà lơ thơ.

Mái cũ dưới tàng cây
hoa vắp trắng rơi đầy,
nhưng người xưa khuất bóng
cõi nào nơi chân mây.

Hạnh Thông Tây, 1960

.

    
                       tranh của  Leonardo Bazzaro
                                     nguồn internet



THUỞ DẠI KHỜ



Thuở ấy, vì đời, tôi mộng mơ.
Vì yêu hoa, ngây ngô dại khờ,
mơ mùa xuân thắm đời tươi thắm
bên Mẹ vui cùng sách và thơ.


Mùa học đầu tiên rồi đi qua.      
Con tàu xuôi, ga thôn thẩn thờ.
Mình tôi đối mặt đời trong đục,
Đêm về lo sợ đầy trong mơ.


Bình thản sân trường áo trắng bay.
Riêng tôi gió bụi trên vai đầy.
Mẹ nghèo dưới mái lều mưa nắng.
Sách vở một ngày như khói mây.


Đời lắm ưu phiền tôi vẫn mơ,                        
vẫn nguyên mộng ước buổi dại khờ,
vẫn mong trở lại miền phượng cũ,
sống lại một ngày tuổi ấu thơ.



Từ QUÊ
lên PHỐ.



Sau ngày đình chiến năm mươi tư,
bao người tản cư đã giã từ,
xa quê xóm mạc, miền hoang vắng,
lên thành tìm nơi chốn định cư.

Trước mắt, đường nhựa chạy ô tô,
vỉa hè lát gạch tận cửa ô,
xích lô, thổ mộ chuyển hành khách,
hàng hóa giao thương nhờ xe thồ.

Nhà hàng, cửa hiệu, tiệm cà phê,
phòng trà, rạp hát, rạp xi nê,
sạp báo, hàng rong, chợ chồm hỗm,
quán cóc, xe mì, gác cho thuê.

Lộ chính phố sang nhà cao tầng,
biệt thự cung đường cỏ mượt sân.
Người nghèo trú ngụ trong hẻm cụt,
ở nhà vùng ven xóm bình dân.

Từ quê lên phố lo làm ăn,
không nghề, không vốn, sống khó khăn,
cửa nhà tạm bợ nơi đất lạ,
long đong khốn khó đủ mọi đằng.

Nhưng người cũ mới tương trợ nhau,
không vì danh lợi hay sang giàu,
chỉ mong đủ sống, đời yên ả,
nuôi trẻ học hành vì mai sau.

Gia Định,1960


Từ XÓM RUỘNG


Ngày nào bên nhau ngắm hoa quì.
Bạn từ La Gàn tôi La Gi,
bỗng nhiên lạnh lùng làn gió bấc
thổi dạt về đâu mùa lưu ly.

Bạn ở lại quê, tôi ra đi,
bao đêm gió biển như thầm thì,
vi vu dương liễu trong ký ức,
lá úa rụng rời chiều chia ly.

Lưu bút chăn trâu, trang mo cau,
than đen thay mực đã nhạt màu,
nhưng vẫn còn hằn dấu thơ dại,
qua dòng chữ rách, nét thương đau.

Xóm Ruộng mùa đi xa lâm tuyền.
Lá thắm ngược dòng, phận rã riêng.
Trong duyên hạnh ngộ, ngầm phiêu lãng.
Tôi đành xa xứ, xa bạn hiền.

Tân Lý,1960

 

Từ XÓM LƯỚI


Sóng biển vỗ rạt rào
vào bờ cát trắng phau,
lật thuyền câu Xóm Lưới,
xói lở chân động cao.

Gió ngoài khơi đại dương,
nguồn giông bão phong sương,
thổi lấp gò sâm cát,
tung bụi mù sông mương.

Nước bạc phủ mặt gành,
ngập ngụa khe rêu xanh,
tạt mạnh vào mỏm đá,
Sò hến sống mong manh.

Từng cánh tròn long chong
xe cát với lũ còng,
quanh đám rau muống biển,
khi triều lắng nước ròng.

Sóng dữ gào đất lành.
Bấc lộng chuyển âm thanh.
Rừng núi dần hoang hóa.
Ruộng dâu thành biển xanh.

Bình Châu,1960

 

 

Từ
TRƯỜNG TẢN CƯ


Tản cư  hạ gió thu mưa
Giữa vùng Sao Cháy lưa thưa xóm nhà.
Ngôi trường mở đến lớp ba
Vách cây mái lá, nắng hoa rơi đầy.

Dù Thầy đi lính đánh Tây,
Lời xưa Thầy dạy còn đây trong lòng
Vắng Thầy, trời đất mênh mông
Bạn bè lớp cũ chìm trong tháng ngày

Đồi xanh lau lách cỏ cây
Thẳm sâu nỗi nhớ bóng ngày bé thơ.

 
             Tân Thắng, 1960


Từ
LỚP MỤC ĐỒNG



Chăn trâu thả láng thả bưng
giúp nhau học chữ ven rừng bên sông,
ê a từng tiếng vỡ lòng,
giữa đồng mông quạnh tịnh không học trò.

Que than thay bút trời cho.
làm bài tập viết trên mo cau rừng.
với con chữ đói, chữ sưng,
chữ gầy, chữ rách, chữ lừng lửng no.

Đôi dòng chữ chạm trang mo,
ghi vài mơ ước ấm no sau này.
Trên lưng trâu cặp, trâu bầy,
làm sao được sống tháng ngày thư sinh ?

Hoa sen từ giữa bưng sình,
hương như thơm thảo trước bình minh xanh.
Mục đồng học lóm loanh quanh,
thầm mong quê mẹ an lành một mai.

          Tân Lý, 1960

 

Từ TRƯỜNG LA  DẠ 

Dưới mái trường La Dạ,
ban đồng song, đồng hành, 
ghi lưu bút ngày xanh
khi hạ tàn tạm biệt.

Một lần nhớ mải miết,
dù tùy bút không dài,
dù màu mực dần phai,
vẫn còn trang ký ức.

Vẫn nằm trong tâm thức,
của người đã xa trường,
đã phiêu bạt  tha hương,
lưu dấu bao kỷ niệm.

Khoảnh khắc chân trời tím,
tưởng nhớ về dáng hoa,
hiền dịu trong chiều tà,
trên sân trường Xóm Núi.

Tiếng chim rừng bên suối,
hòa âm lời giảng bài,
theo gió rừng thu phai,
một thời trường La Dạ.

La Dạ, 1960

 

Từ XÓM MÙ SƯƠNG


Ngày vừa sang Đà Lạt, xóm Mù Sương,
như phấn trắng phả mặt hồ Xuân Hương.
như mây bạc bồng bềnh quanh mái phố.
Người đi về ẩn hiện bên vệ đường.

Trời đất lạnh, hơi mây như tĩnh không.
Sương sa mù lảng đảng qua vườn hồng.
Nhạt nhòa sân hoa đào trường đại học.
Mờ ảo bờ cỏ dại nơi đồi thông.

Bao nữ sinh áo trắng Bùi Thị Xuân
dáng co ro sân trường lạnh bâng khuâng,
ôm cặp da áp sát vào lồng ngực,
như mong hơi sách vở ấm lên dần.

Nắng mới lên, sương đọng trên đài hoa,
như lệ buồn trên tay ngày chia xa,
như cánh hoa thầm ép trong lưu bút
dù hương xưa theo sương gió nhạt nhòa.

Đà Lạt,1966


 

                           tranh của Hà Huynh My
                                nguồn internet

 

XÓM MỚI



Vùng đất cũ hoang vu
nằm bên sông Vàm Thuật,
bóng người như xa khuất,
lác đác dăm túp nhà.

An Nhơn đầy cỏ hoa.
nơi đồi cây vắp trắng
qua bao mùa mưa nắng,
thêm ruộng rẫy hoa màu.

Trời cao như đón chào.
Đất đai luôn mong đợi.
Người về lập Xóm Mới,
tụ hội dân du cư.

Sau đình chiến năm tư,
bao người rời đất tổ,
di cư vào Nam Bộ
trú tạm nơi Sài Thành.

Gò Vắp, miền đất lành.
Cánh chim xa vời vợi
bay về đậu Xóm Mới.
thêm mới xứ An Nhơn.

An Nhơn,1962

 

MỘT BẾN BỜ



Bình Giang, sông xưa Saigon, xuôi dòng
nối dài Bến Nghé bờ An Lợi Đông.
Xóm đò Thủ Thiêm nơi thôn Giai Quí,
vùng trũng Nghĩa An, bán đảo cung sông

Miền đất ngoại thành xanh màu hoang sơ.
Dừa nước, lác bàng, bần đước, ô rô.
Bèo nổi đầm lầy, lúa rài cỏ dại.
Ngỗ điếc ao chum, sen súng mương hồ.

Bao người không nhà lưu lạc muôn phương
về đây chung lưng khai hoang ruộng vườn.
Đò dọc đò ngang, dù nhiều sóng gió.
Nghĩa xóm tình làng đong đầy quê hương.

Cư dân yên vui theo mùa mênh mang.
Bàn thiên am mây hương hoa điệp vàng
Tu viện nhà thờ giữa lòng xóm đạo.
Lời cầu kinh đêm ru mộng bình an.

An Lợi Đông 1964

 

 

BẾN CÁT


Đường về Bến Cát trông xa mờ.
Mây thả sợi mưa nhuyễn như tơ
liu riu trên lá hoa vắp trắng,
hương trời thơm thảo bay mơ hồ.

Thôn cũ mái xưa bên vườn đồi
Bờ hoa, luống cải, rạch bèo trôi
Lá úa rụng đầy trong lặng tĩnh.
Mây lạnh lửng lơ lưng chừng trời.

Hang Trong Hang Ngoài bao lối đi.
Gò cao gò thấp bao hoa quì,
như mong du tử về quê mẹ
cho khô giọt lệ mùa chia ly.

Bến Cát thuyền neo dưới mưa đêm,
dưới tàn hoa vắp hương dịu êm.
Sông trôi mấy độ bên bờ liễu.
Hạnh Thông thơ mộng đời êm đềm.

Hạnh Thông Tây, 1962

XÓM VƯỜN.



Mưa ngâu phơ phất xóm nghèo,
với bông vắp trắng gió heo may lùa,
trong chiều tím ngát hoa mua,
lập thu tháng bảy đón mùa Vu Lan.

Bàn thiên bên cội điệp vàng,
am mây lư đất khói nhang hương trầm,
chùa xa tiếng mõ lặng câm,
vẫn như tụng niệm thì thầm kinh đêm.

Ước mong quê Mẹ êm đềm
dù đời sương gió đã mềm nắng mưa,
mặn nồng tình cũ nghĩa xưa,
bà con nương tựa bao mùa bên nhau.

Khai hoang ruộng lúa nương rau,
gò cây hoa vắp, rạch hào đầm sen.
chung tay nuôi trẻ sách đèn
cho dù bão tố bao phen dập vùi.

Người đi kẻ ở ngậm ngùi,
xa quê lòng vẫn không nguôi lời nguyền,
đất trời có lúc đảo điên,
quyết chung thủy với tổ tiên Lạc Hồng.

Hạnh Thông Tây, 1965

 

 

VƯỜN RAU



Ban sơ Xóm Ruộng thôn xưa.
Dân quê sinh sống bao mùa buồn vui.

Khi no ấm, lúc ngậm ngùi,
tình làng nghĩa xóm, không nguôi lời nguyền.
cầu mong nước Việt mọi miền,
đồng bào Âu Lạc bình yên thiện hòa.


Vườn Rau khai phóng đường hoa,
đón người khắp chốn gần xa tụ về:
di cư di tản xa quê,
tha phương lưu lạc bộn bề gió sương.

Đến đây dựng ấp lập phường:
lời kinh An Lạc, rau vườn Lộc Hưng,
món ăn Cà Láng, Tương Bần
phố nhà Nam Thái, Chấn Hưng, Nghĩa Hòa…

Thăng trầm thế sự trôi qua
Vườn xưa phố mới chan hòa nghĩa nhân.

Phú Lâm,1965

 

 

LÀNG HOA



Làng Hoa, nắng mới vừa lên.
Hương theo gió sớm bồng bềnh từng không.
Vùng trời Gò Vắp mênh mông.
Cư dân An Hội tận lòng thảo thơm.

Trồng hoa đâu chuyện áo cơm.
Những mong đem lại hương thơm cho đời.
Bán hoa đâu phải chơi bời.
Sắc màu hình dạng thay lời hân hoan.

Tóc tiên tầm gửi phong lan.
Hải đường dạ lý cúc vàng lưu ly.
Quỳnh ngâu dương xỉ dã quì.
Mai mơ sứ huệ sung si sen hồng.

Sống đời vạn thọ xương rồng
Cảnh hoa Hòn Ngọc Viễn Đông, Sài Gòn.

An Hội,1964

 

PHONG LAN


Phong sương miên man ru phong lan.
Hoa lan theo sương, hương bàng hoàng.
khi gió mùa thu đưa mưa móc
phả bụi lưng trời, lạnh rừng hoang.

Phong lan đành lòng cùng phong sương,
nồng nàn xanh tươi hay tang thương,
sương lan luân hồi chung nguồn gió,
số kiếp đong đưa giữa vô thường.

Như tôi long đong ngày tha phương,
bao mùa xa nhà xa quê hương,
phiêu bạt xứ người tìm lối sống,
thân phận cô đơn thêm đau buồn.

Đường trần mưa mây hay pha sương,
mơ màng lưu ly tình yêu thương,
tôi trước hoa xưa thầm nguyện ước,
dù đời bội bạc, vẫn nguyên hương.

 

 

NGÓ SEN



Ao hồ đầm đìa loang bông mưa.
Ngàn mai phong lan nuôi hoa mùa.
Cỏ cây hoang dại tàn lại nở.
Nhụy sen búp nõn lưu hương xưa.

Anh đào phù dung nơi lâm tuyền.
Bằng lăng lưu li xa đào nguyên.
Dạ lý quế hương thời hoa mộng
Dã quì mắc cở trước tóc tiên.

Tâm sen an nhiên qua xuân thu.
Thân sen luân lưu dù phiêu du,
từng mùa lắng sâu vào cõi tịnh,
tích tụ trầm hương trong hoang vu.

Vườn thiền đài sen hương nhang bay.
như sương lung linh theo ngàn mây.
Tiếng mõ nhịp âm lời tụng niệm.
Sen ngó lên cao, thoát bùn lầy.

 

TIM SEN


Hoa sen hồng hoang từ bùn lầy.
Tim sen an nhiên trong hồ đầy.
Rễ non nớt bám vào đáy nước.
Búp nõn theo mùa thành ngó may.

Hương sen lan thầm vào không gian,
không vương mùi bùn nơi hoang tàn.
Đóa nở nhụy vàng cánh hồng thắm.
Lá tròn xanh biếc đọng sương tan.

Đầm hồ bàu bưng nơi thân quen.
Bùn lầy nuôi nương bao cây sen
Mưa nắng nở tàn hương vẫn dịu,
không mang mùi tục, dáng thấp hèn.

Sen nơi ao hoang bên bờ cây,
Thiên nhiên tuần hoàn, mùa vần xoay.
Vẫn giữ hương nhu màu thanh khiết.
Dù đời cát bụi gió sương bay.

 

                           tranh của Rojeff Rowland
                                          nguồn internet

 

XÓM TRỌ


Bên bờ Rạch Chiếc mưa chiều bay
nước tràn ruộng cỏ, đẫm vườn cây,
ướt sũng lối mòn về Xóm Trọ,
mương ao bỏ dại ngập sình lầy.

Mưa tạt vào nhà tôn vách cây,
cạnh gò hoa dại, khóm sậy gầy,
nơi người nghèo khó đến trú ngụ,
mồ côi lưu lạc trọ qua ngày.

Gác ván ẩn mình dưới nhành xoan,
nước rụng trên mái như nhịp đàn
hòa âm òn ên cùng ếch nhái,
dế rít nỉ non nơi vườn hoang.

Sách vở lặng thinh khi mưa rơi,
bút nghiên con chữ im không lời
giọt mưa rơi dài ngoài thềm gạch
như dấu chấm than thả xuống đời.

Rạch Chiếc, 1962

 

 

QUÁN TRỌ


Bãi bờ yên trước bóng khuya
Tiếng lau sậy chạm cõi kia quán đời.

Dưới hoa lặng một ta ngồi
Bóng trời khuya chạm vào môi cười thầm.
Người xa như thể trăm năm
Ngoài kia núi cũ đã nằm ngủ lâu.
Ta ngồi tay chống mái đầu
Phía rừng trăng muộn phai màu sau cây.

Cuối trời mây thản nhiên bay
Quán khuya ta trọ chờ ngày mai đi.

Bình Triệu,1964

 

 

HẺM  TRỌ




Hẻm Nancy nhạt nhòa ánh điện đêm,
trong bóng mưa nặng hạt xuống mặt thềm,
vang theo mưa, tiếng đàn cò Chín Trích,
nghe nỉ non từng giọt âm dịu êm.

Ngoài trời mưa, chuông xe khua leng keng
Nơi gác trọ, bút nghiên với sách đèn.
Nghiên đọng lại nước hương tóc mây cũ.
Bút ghi tròn nốt “mi” giọt lệ quen.

Mưa tạt vào trang lưu bút ngày xanh.
Màu mực phai, dòng chữ lem vòng quanh.
Nhưng kỷ niệm còn in trong ký ức.
Nước mắt buồn rơi rơi nguyên âm thanh.

Dù tạnh mưa, tịnh yên dưới mái lầu,
vẫn còn lan miên man giọt đàn bầu,
hàng rong rao êm tai khắp phố cũ,
đàn guitar, tiếng hát ru đêm thâu.

Nancy,1963

ĐÊM XÓM TRỌ


Xóm Trọ thường nghe hàng rong rao,
”Ai khoai đậu…bắp”. “Ai su…hào”.
Âm thanh nhỏ nhẹ tựa lời Mẹ
ru con thơ dại một thuở nào.

Người bán hàng rong như Mẹ già,
mong con ăn học theo tinh hoa,
thành người tài đức, có kiến thức,
giúp ích cho đời, cho quốc gia.

Bao gánh hàng rong rao đêm ngày
kiếm thêm thu nhập, thoát nợ vay
hàng bán giá rẻ, biếu gia vị,
giúp người lỡ độ sống đủ đầy.

Người già bưng xách, trẻ gánh gồng
đôi khi long dong, chưa thong dong,
nhưng luôn tương trợ cùng vui sống,
tình làng nghĩa xóm thêm mặn nồng.

Nghe rao, tôi mơ điệu lâm thôn,
du dương dịu lắng trong tâm hồn
nỗi niềm phiêu bạt ngày xa xứ,
gác trọ sách đèn bao hoàng hôn.

Rạch Chiếc, 1962

 

 

 

 

TIẾNG RAO ĐÊM


Biết bao người không quên lời ngọt ngào
của hàng rong báo dạo đã từng rao,
dù người rao kiếm ăn qua ngày tháng,
nhưng với lòng đồng cảm người khổ đau.

Hàng rong rao lương khô thức ăn phôi,
với giá bèo, giúp người đói cầm hơi,
khách tha phương qua ngày nơi đất trọ.
cùng phế nhân, góa phụ, trẻ mồ côi.

Sách báo dạo đưa tin từ nhiều nơi,
đến bạn đọc, dân phiêu lưu ven trời,
vừa giải trí, vừa mở rộng hiểu biết,
về tương quan chằng chịt giữa cõi đời.

Tiếng rao đêm, rao ngày mỗi sớm mai,
khi ngân nga trầm lắng, lúc vang dài,
theo lời ăn tiếng nói, giọng Nam Bộ
giúp lương dân vững bước về tương lai.

Nancy, 1964

 

 

HÀNG RONG



”Ai bánh bèo”. “Ai bánh ướt….bánh dày”.
”Chè đậu xanh nước dừa đường cát.…đây”.
Người rao bán hàng rong như đã hát
điệu lâm thôn dân dã dưới trời mây.

Nghe lời rao, chưa nhấm, tự ngon lành.
Ngọt ngào hơn đường cát chè đậu xanh.
Dân xóm mạc nuốt vị âm vui sống.
Dù phận nghèo kiếp sống còn mong manh.

Đời trầm luân nhịp bước luôn vui buồn.
Hàng rong rao vẫn nguyên điệu quê hương.
Đủ sắc thanh, giọng Miền Nam, tiếng Việt.
Khi ngân dài lúc trầm bổng du dương.

Thời gian trôi, gánh hàng rong long đong.
Nhưng lời rao làm ấm áp tấm lòng.
Cùng nương tựa trong tình làng nghĩa xóm.
Tìm đường đi nước bước trước bão giông.

Hạnh Thông Tây, 1964

 

 

BÁO DẠO



”Báo nóng hổi vừa thổi vừa coi.…đây”.
Đêm chưa qua, báo mới rao đầu ngày.
Dân hẻm phố chờ người bán báo dạo.
Tùy túi tiền, tùy thích, chọn báo hay.

Đọc tin nóng trước cửa cho nhau nghe,
xem báo cọp nơi quán cóc vỉa hè.
vừa tán gẩu, vừa thổi cà phê đĩa,
chuyện nắng mưa, thế sự, đủ mọi bề.

Bán báo dạo, rao qua nhiều cung đường,
tận ngõ ngách, xóm nghèo, cổng nhà thương,
đến bạn đọc, thợ thuyền, phu khuân vác,
người cần lao sinh sống khắp phố phường.

Người bán dạo sách báo hay hàng rong,
kiếm miếng ăn chỗ ở giữa cộng đồng,
nuôi đàn trẻ quê hương được ăn học,
cho xứng danh con cháu giống Lạc Hồng.

Văn Khoa Saigon,1964

 

 

                                tranh của Alexi Zaitsev
                                 nguồn internet

 

GÁC TRỌ


Hẻm sâu xóm nhỏ miền quê,
U già bạc tóc, bốn bề lặng yên
gác cây, một góc muộn phiền
mái tôn gió nhịp, bóng nghiêng ngoài chiều

Cây xoan già tự cô liêu
tím buồn rụng xuống bao nhiêu khung đời
bút nghiên đèn sách hoa rơi,
tôi cùng ngày tháng bên trời tha phương.

Trường xa khuất mấy cung đường
Cũng xa hút bóng phố phường phồn hoa
Đi về lối cỏ sương pha
Dã quì sen ngó hương trà đón đưa.

Bà Rịa,1960

 

GÁC CÂY


Đường cát bụi ngờ như còn hoang sơ
đưa tôi tìm nơi trọ miền ngoại ô
bờ Rạch Chiếc, bên này xóm Ruộng Cỏ
xa phố phường sang trọng giữa thành đô.

Một gác gỗ dựa lưng cây xoan già,
tại góc vườn bỏ hoang đầy cỏ hoa,
bên nhà gạch rêu phong mái ngói cũ,
nơi trú chân bao người không cửa nhà.

Sinh viên nghèo xa quê sống bơ vơ,
ngày đi học, đêm dạy kèm trẻ thơ.
Gác yên tĩnh, tôi mong tâm an tịnh,
bớt u hoài, bớt mê muội mộng mơ.

Nhành xoan tím đong đưa trong chiều tà,
làm nhớ lắm đồi sim tím quê nhà,
lan đất tím, hoa mua, bằng lăng tím.
Như tím buồn biệt ly khi chia xa.

Rạch Chiếc,1962



GÁC HOA XOAN


Chiều buông hoa xoan rơi hiên ngoài.
Hương vương bên thềm như mong ai.
Gác trọ bụi vàng trang lưu bút
Lời em từ biệt thêm ưu hoài.

Ngoài xa trên cao mây lang thang
Đôi cành xoan khô lơ thơ tàn.
Còn đôi sợi nắng sau khung cửa.
Nỗi nhớ về nhau thêm mênh mang.

Hoa xoan bao mùa rơi lê thê.
Vườn xưa hoang sơ đường đi về.
Không em côi cút đời hiu quanh.
Tâm tình thơ dại tựa giấc mê.

Sum vầy ly tan điều vô thường.
Như hoa khi tàn khi thơm hương.
Nhưng sao chuyện cũ đâu quên lãng
Vẫn mãi u buồn mãi nhớ thương.

Rạch Chiếc,1963

 

HOA NƠI GÁC TRỌ

Nơi gác trọ sách đèn,
tôi cùng hoa làm quen,
thầm buồn nhìn xoan tím,
thoáng vui với hương sen.

Cúc dại không theo mùa,
chẳng nhuốm màu hoa mua,
luôn với tôi tươi thắm,
đâu mắc cở thẹn thùa.

Lan đất bên bờ đường
tiễn chân tôi qua trường
dù đông sầu lạnh giá,
hay thu muộn pha sương.

Dạ lý hương dã quì
cùng tôi thức ôn thi
nhụy cong những dấu hỏi
về bài toán xuân thì.

Giữa mùa hoa lưu ly,
tôi giã từ kinh kỳ,
nhớ cánh xoan tim tím,
dáng sen hồng nhu mì.

GÁC TRỌ CŨ


Gác trọ mùa hạ sang,
sách vở đầy bụi vàng
nằm im bên nghiên bút
nhìn ra nhành cây xoan.

Ngày nao trên gác cây,
bao lần hoa xoan bay,
ước nguyện yêu thương mãi,
dù cay đắng đọa đày.

Lưu bút ngày em đi,
mực tím màu chia ly
ghi lại bao kỷ niệm
bên nhau buổi xuân thì.

Đường mòn còn mình tôi
mắt mờ nhớ lệ rơi
chỉ thấy hoa tàn rụng,
hương lặng tĩnh bồi hồi.

Vườn hoang vắng người về,
liễu biếc rũ lê thê,
bên ao sen chiều muộn
lòng buồn thêm tái tê.

Hạnh Thông Tây, 1965

 

 

Từ giã
THƯ SINH



Chia tay anh em, ta ra đi.
Đêm lặng ngoài xa, sương thầm thì.
Gác trọ ngổn ngang đời lưu lạc.
Nhầu nát thơ văn, sách mùa thi.

Bài toán nước non bao phương trình.
Tay không, đời bạc áo thư sinh.
Phương chiều, đồ thị, ngàn thông số.
Đêm tối tìm đâu trục tung hoành .

Hành trang mang theo có bao nhiêu.
Đoá hoa phượng đỏ của tình yêu.
Đôi dòng lưu bút xanh bè bạn.
Dáng Mẹ già nua dưới mái chiều.

Phân ly, ta buồn chiều quê hương.
Sách vở mờ phai theo dặm đường.
Anh văn , toán học, thơ mới cũ,
Khép lại từng trang dưới mái trường

 

Đâu
GÁC TRỌ XƯA.

Hoa xoan tàn rơi đầy sân hoang.
Niềm vui xa, còn đây bàng hoàng
Gác trọ cũ, mái tôn nghiêng đổ.
Nền gạch bông, cỏ dại rêu lan.

Đường thay tên ngang qua nhà em.
Ai môi son ung dung sau rèm.
Người lạ lẫm, u già khuất bóng.
Em về đâu, đời vắng xa thêm

Đâu nhà xưa, đâu ngày êm đềm.
Hoàng hôn buông phong lan trăng đêm.
Thời hoa mộng sân trường xóm học.
Như khuất vào nỗi nhớ dịu êm.

Rạch Chiếc,1966

 


                      tranh của Alexi   Aymé
                      nguồn internet


RA TRƯỜNG ĐI DẠY



Ra trường đi dạy trong lặng thinh.
Giã từ đèn sách thời thư sinh.
Xuôi về Miền Tây nhận nhiệm sở.
Xa quê, tự lắng tiếng lòng mình.

Vào đời, tôi nguyện cùng cộng đồng
học hành tu tập đạo cha ông
Nhân bản Dân tộc và Khai phóng,
Từ nền văn hiến dòng Lạc Hồng

Ngẫm tôi như sậy trước gió sương.
Thân phận mỏng manh lắm đoạn trường.
Dăm con sâu dữ luôn rình rập.
Đôi đóa hoa xinh dịu dàng hương.

Thế thời lùi lại trong bóng đêm.
Nhìn ra ánh sáng soi ngoài thềm.
Dò dẫm tìm về chân thiện mỹ.
Tự dưỡng tâm an, trí tỉnh êm.

Sai Gòn,1969

 

 

TỰ NGHĨ



Rất yêu trẻ, tôi làm người dạy học
để được gần, được sống với tuổi thơ
vì điều ấy, suốt đời tự hỏi
đã yêu thơ yêu trẻ từ bao giờ.

Nhiều người sợ một nghề bạc bẽo
bởi người thầy như kẻ đưa đò
tôi lại sợ chính mình yếu kém
chẳng làm gì giúp ích em thơ.

Đã bao năm nhiều lần lên lớp dạy
vẫn thấy mình còn lắm vụng về
chưa nói được những điều muốn nói
nên trở về buồn lặng trong mê.

Cũng có lúc muốn đi tứ xứ
để học thêm nhiều ít ở cuộc đời
nhưng mắt trẻ cứ kéo tôi về lớp
tiếng học bài như sóng vỗ trong tôi

Tóc sớm bạc không do nghề đạm bạc
mà do ta chưa hiểu hết lời thơ
của ai đó từ ngàn năm trước
như vầng trăng lúc tỏ lúc mờ

Cứ như thế qua bao mùa học
tôi nghĩ mình đang tuổi đến trường
e ngại trước bao trang bài soạn
và lòng như có mối tơ vương.


 

ĐI KÈM TRẺ



Hơn mười năm, xa quê tìm thầy học.
Con nhà nghèo ở trọ xóm kênh đen.
Ngày đến lớp, tối chiều đi “kèm trẻ”.
Viên phấn cầm trước bảng viết chưa quen.
Học đệ tứ cả gan kèm đệ lục.
Soạn kỹ bài từng buổi làm gia sư.
Cô bé hiền quên mất mình xinh đẹp,
Ngưỡng mộ thầy chăm chỉ học vô tư.

Và như thế, mấy năm trời đại học,
sinh viên nghèo dạy thêm các trường tư,
vào Sư Phạm tu luyện nghề đi dạy,
vì biết mình chưa thoát “phận gia sư ”.

Cô bé hiền ngày xưa, không còn bé,
đến mời thầy kèm cháu tại tư gia.
Các cháu nhỏ say mê học ngoại ngữ.
Tôi tưởng tôi như một “ông đồ già”.

Thời đi học, vì nghèo, đi kèm trẻ.
Nhờ từ đây  nhìn lại nẻo đời qua.
Học càng nhiều càng thấy mình còn dốt
Viên cuội tròn lăn mãi trước bao la.

 

*

BUỔI SÁNG ĐẾN LỚP



Đi bên em trên đường đến lớp
Áo trắng lay trong gió đầu ngày
Làm nhớ lắm về thời cắp sách
Cuối phố chờ nhau buổi học dài.

Ánh nắng nhuộm vàng trên mái tóc

Ngỡ như lòng lắng một hương hoa
Hương của tóc qua môi dịu ngọt
Của lá thư buồn vui xưa xa.

Cùng bên nhau sớm mai đến lớp

Mà nghĩ đời nhiều nỗi mong manh
Trang bài soạn gửi niềm mong ước
Dân được ấm no, trẻ được học hành.

Làm cô giáo giờ em gầy lắm

Tóc của anh cũng đã điểm sương
Đời mưa nắng có nhau bên cạnh
Đi mãi về sau một con đường.

 

TRƯỜNG MỚI


Em học trường mới
Mái ngói lầu cao
Cửa sổ kính màu
Và tường vôi trắng

Ở ngoài sân nắng                              
Hàng cây phượng già
Như đứng chờ hoa
Cành xanh bóng mát

Nhiều bạn học khác     
Ở tận thôn xa
Trường như  cái nhà
Mái còn lợp lá.

Vùng cao rẻo lạ
Cõng chữ đến trường
Thầy cô thân thương
Vượt ngàn gian khó

La Gi, 196o

MÙA HỌC



Lặng yên đường xóm học.
Sách khép vào mùa thi.
Sân trường im tiếng trống.
Lưu bút tiễn hạ đi.

Ai mê say hoàng hoa.
Ai buồn vui phương xa.
Ai biệt mùa học cũ.
Vàng lá rơi thu qua. .

Về đâu, chim di rét ?
Liễu hồ đời xanh buông.
Ánh lửa chiều xóm trọ
Lớp học mờ trong sương.

Ngày xuân trôi xa dần.
Trang viết dài bâng khuâng.
Hương giấy thơm mộng ước.
Áo trắng thêm phong trần
.

 

                      tranh của Kha Trung
                     nguồn inte rnet


 

ĐI DẠY
ở HÁ TIÊN


Ra trường, tôi chuyển đến Hà Tiên.
Cuối trời đất nước biệt một miền.
Kiên Lương Rạch Giá, vùng oanh kích.
Lênh đênh kênh rạch một đêm thuyền.

Hai chiếc va li một cây đàn,
đôi ba quyển sách làm hành trang.
La Gi quê mẹ xa ngàn dặm.
Châu thổ sông dài trời mênh mang.

Đất nước chiến tranh lắm đoạn trường .
Tôi vì cơm áo lại tha phương .
Những mong gửi gắm lòng thương nước
vào đàn em nhỏ của quê hương.

Cứ ngỡ tôi như cụ đồ già,

bụi đường mưa gió tóc sương pha,
bút nghiên khăn gói dăm ba chữ,
về ngồi dạy trẻ miệt vườn xa.

       Hà Tiên,1969

 

 

ĐẾN TRUNG HỌC HÀ TIÊN.




Con đường Tô Châu rợp bóng dương,
bờ dậu cây xanh lẫn quỳnh hương,
đàn chim se sẻ trên mái ngói,
như đưa tôi đến một sân trường.

Cổng vào dưới tán cây phượng già.
Cuối hạ còn vương đôi đóa hoa,
đong đưa cuối nhành lá non biếc.
Làm nhớ trường xưa nơi quê nhà.

Quanh sân huệ trắng từng khóm dài,
như lặng yên nghe tiếng giảng bài
tiếng rơi bụi phấn bên bảng viết.
lời văn âm lạc ra hiên ngoài.

Thư sinh áo trắng chăm học hành
Nghiêng trên sách vở mái đầu xanh.
Ghi nhớ bao điều được giảng dạy.
Lặng tĩnh trầm tư về mộng lành.

Trung học Hà Tiên, tôi đến đây,
trong tình thân thiện của cô thầy,
với dòng văn chương Chiêu Anh Các
Hà Tiên Thập Cảnh thơ mộng này.

Hà Tiên,1969

 

PHƯỢNG VĨ


Hè về lại nhớ mái trường
Nhớ hoa phượng đỏ để hương cho đời.

Từ hành lang giọt nắng rơi
Nhớ đàn em rạng rỡ cười hồn nhiên
Trán thơ ngây, mắt dịu hiền
Những trang sách mở nghiêng nghiêng mái đầu

Nhớ dòng phấn kể xưa sau
Chuyện cha ông,chuyện tình sâu nghĩa nồng.
Như trời cao như dòng sông
Nhớ người dựng nước Lạc Hồng xưa nay
Một cánh chim, một ánh ngày
Muôn dân cùng một lòng xây dựng đời.

Mùa về quê Mẹ xa xôi.
Nhớ sao cây phượng cuối trời nở hoa.

Hà Tiên, 1971



BẾN TÔ CHÂU


Dừng chân phố thị bên cầu.

Bờ cây bến đá quánh màu gió sương.

Ô đèn thắp bóng con đường.

Mấy ngôi nhà cổ, mấy tường rêu phong.

Dừng chân phố thị bên sông.
Lửa thuyền đêm lạnh giữa mông mênh mùa.

Tiếng người khuất dưới lau thưa.

Ngờ như lời cổ thi vừa bay qua.

Hà Tiên,1969

 

Nhóm BA LÁ
trên ĐÔNG HỒ


Cùng nhóm Ba Lá thả thuyền trôi,
đàn bầu đệm ru nhịp chèo bơi,
lâm thôn dạ cổ lời sông nước,
âm điệu du dương buồn chơi vơi.

Thuyền vào rừng đước, theo con kênh,
cùng hoa cỏ dại trôi bồng bềnh,
hồn nhiên gió chuyển mùa nước nổi,
với bao cánh bèo dạt lênh đênh.

”Lá rơi đắp mộ một cuộc tình”
lời hát ru theo hương phiêu linh,
giã từ rong rêu bến bờ cũ,
khi lá nương thân đám lục bình.

Đông Hồ mù sương pha lê thê
cỏ hoang lang thang khắp bốn bề,
Ba Lá dừng bên rễ chân đước
Đàn bầu nhịp gõ vào bến mê.

Hà Tiên,1972


             
tranh của Barrios Armemdo
                nguồn internet

Về LA GI
dạy học


Xa Mẹ từ nhỏ, sống tha phương.
Đi học đi dạy tại nhiều trường.
Nay từ Hà Tiên về quê cũ.
Thầm lặng buồn vui ngày hồi hương.

Những ngày lưu lạc buồn lê thê,
ước vọng Đất Tổ được quay về,
dù ở làng chài hay xóm rẫy,
dù phải đối diện với não nề.

Giờ, chuyển nhiệm sở về La Gi
Dạy trường Công lập tỉnh Bình Tuy,
Dạy tư Vinh Tân, chùa Quảng Đức.
Gặp lại bao người từng chia ly.

Đất xưa hội ngộ nhóm Tứ La,
thân hữu chăn trâu thời tuổi hoa,
nay cùng tìm hiểu về nguồn cội
Huyền thoại Dinh Ông với Đảo Bà.

Về bên ba má bên mẹ già,
thân bằng quyến thuộc nơi quê nhà,
cùng gia đình nhỏ sống êm ấm,
Giấc mộng ngày nào như nở hoa.

La Gi, 1973

Trường
MẪU GIÁO LAGI

Xây một ngôi trường cho con chúng ta
ngôi trường mẫu giáo
khang trang trong nắng mai
đỏ tươi màu ngói
như hạt giống tương lai.

Như ở đó
còn những bàn tay
của bao con người
chắt chiu ước vọng
qua từng tháng ngày.


Như ở đó
bao giọt mồ hôi
bạc vai áo thợ
thấm lên núi rừng
thấm lên nương rẫy
mặn thêm biển xanh.

Và ở đó
có cô giáo trẻ
như người mẹ hiền
có đàn em bé
hát vang sân trường.

Ngôi trường ngói đỏ
như đoá hoa hồng
giữa đời thắm tươi
ôi, quê hương ơi
xin dâng lên người.

        La Gi,1965

VỀ
TRUNG HỌC  BÌNH TUY  



                                 
Năm bảy mươi ba có một thầy
Hà Tiên nhiệm sở chuyển về đây.
Trường tư Quảng Đức kèm cua tối.
Công lập Bình Tuy dạy lớp ngày.
Giữa chợ bon chen đều chẳng biết,
Ngoài đời khôn dại cũng không hay.
Ăn lương chính ngạch ở nhà mướn.
Một vợ ba con sống đủ đầy.

Bình Tuy,10.1973 . 

 



Nhóm TỨ LA
trên HỒ NÚI.



Bè tre lướt nhẹ qua hồ,
dưới chân Núi Đất, bên bờ Rừng Dong.
Một vùng như thể tĩnh không.
như tranh thủy mặc, nước lồng bóng mây.

Nghe xa tu hú gọi bầy,
cùng âm gõ kiến, tiếng chày cuối truông.
như ru dăm cánh hoa muồng.
hồn nhiên buông thả ngọn nguồn phong sương.

Tứ La, bốn bạn tha hương,
nhịp bè hát khúc Trúc Phương, “Đò chiều”,
giữa hồ Núi Đất quạnh hiu,
nhớ đêm La Dạ, nhớ chiều La Gi.

La Gàn nhớ bóng chim di.
La Ngâu nhớ đảo Thiên Y, Hòn Bà.
Núi Ông tọa Đức Linh xa,
Sông Dinh nối cảnh “ly gia” biển trời.

Tứ La tưởng nghĩ không lời,
lòng thầm cảm tạ đất trời quê hương.

             
Hồ Núi Đất, 1972

             tranh của Alexander Bolotov
                             nguồn internet
                  

ĐƯỜNG GIÓ MƯA



Hoa tàn bâng khuâng rơi,
hương nhu thầm bồi hồi,
phong nhụy mùa xanh biếc,
vàng úa trong pha phôi.

Sương sa mù đồi cây,
đâu hay hương theo mây,
về chân trời xa thẳm,
luyến lưu gì phương này.

Con đường về trường xưa,
đôi khi mờ trong mưa,
thấp thoáng bờ hoa dại,
thoang thoảng chút hương thừa.

Người đi qua đời tôi
chia ly buồn không lời,
cánh hoa ép lưu bút
nhạt nhòa giọt lệ rơi.

Đơn Duong, 1964

XÓM TRỌ MƯA



Lâm râm mưa rơi nơi vườn chiều.
Xóm trọ lành lạnh trong quạnh hiu.
Hàng sao cổ thụ nghiêng theo gió.
Lối vắng người qua, cỏ liêu xiêu.

Hoa sao quay quay theo mưa bay.
Nụ tròn buông thân bên ao lầy.
Hai cánh vấn vương chồi lá biếc.
Rời rã nằm trong đám cỏ mây.

Từ xa mưa lan qua đường mòn.
mang theo cát bụi lẫn bùn non
róc rách nương nhờ mương nước nhỏ,
như hẹn về xuôi sông Sài Gòn.

Sau mưa thôn yên trời trong lành.
Nương rau luống cải thêm tươi xanh.
Ao sen bùn lắng xuống đáy nước.
Hương thoảng dịu thơm dù mong manh.

Rạch Chiếc,1962


GÁC TRỌ MƯA



Mưa thu bay mù nơi đường xa
Lâm râm rơi rơi ngoài hiên nhà.
Vô tình tạt nước vào bàn viết.
Ướt đằm sách vở bóng nhạt nhòa.

Trang thư em trao khi ra đi.
Bao ngày nằm im trong phong bì.
Nay gió thổi rách phơi dòng chữ.
Tôi thầm nhận ra lời biệt ly.

Tương phùng ly tan điều bình thường.
Hoa xinh khi tàn phôi pha hương.
Em đến với tôi cùng nguyện ước.
Dù chỉ bên nhau một đoạn đường.

Hồn nhiên mưa rơi đầy vườn hoang.
Rì rào đong đưa nhành cây xoan.
Gác trọ mình tôi bên đèn sách.
Buồn nhìn mưa loang lớp bụi vàng.

Rạch Chiếc, 1962

 

LA DẠ MƯA


La Dạ, mưa đêm rơi,
rơi nghiêng túp lá tời,
rơi lạnh đường rừng vắng,
rơi mù nơi chân trời.

Mương nước đầm đìa trôi.
Ếch kêu như nghẹn lời.
Sấm rền dài đồng lúa.
Điệu nhạc đêm bồi hồi.

Trường La Dạ thôn xưa,
thì thào qua làn mưa,
tiếng học bài cuối hạ
lâm râm giọt âm thừa.

Gió ru cành dã quì
làm nhớ bao mùa đi,
nhớ trường làng xóm học,
bút nghiên buổi xuân thì.

Giờ đây nơi phương xa,
qua bóng mưa nhạt nhòa,
tưởng nghĩ về La Dạ,
bên nhau dưới mưa hoa.



ĐƯỜNG CHIỀU MƯA


Mưa rơi mờ đường chiều,
như sương mù phiêu diêu
từ khung trời mây nước,
phả lạnh bờ cô liêu.

Mưa thu hay mưa ngâu
ly tan hoa sầu đâu
nhụy phấn bên cỏ dại
cánh mỏng bay về đâu.

Nhành hoa xoan đong đưa
theo mưa phai hương thừa,
tím tái từng cánh rụng,
tiễn đưa rời quê xưa.

Chia phôi đôi con đường
bờ mi sầu tơ vương.
giọt lệ trời lưu lạc
trên tóc người tha phương.

Rạch Chiếc,1962

 

TIẾNG ẾCH XA



Gác cây đứng cạnh bờ ao,
Chiều yên lắng tiếng rì rào mưa thu.
Vọng về từ cõi mịt mù,
Lời ca ếch nhái, tiếng tu hú buồn.

Dế mèn gáy nhỏ ngoài truông.
Quanh ao nhái bén nhại tuồng hát xa.
Ềnh oang trầm bổng âm ba.
Ểnh ương rền rĩ bên hoa lục bình.

Ngó sen từ đáy ao sình,
ngẩng lên nghe ếch tâm tình trong mưa.
Dưới nhành liễu rũ lưa thưa,
Nhái bầu chẫu chuộc lịu thừa chàng hiu.

Lẫn trong tiếng giọt mưa chiều,
Đàn ca ếch nhái thêm hiu hắt buồn.

Rạch Chiếc,1962

TIẾNG TIÊU BUỒN



Lênh đênh xuồng nhỏ trên kênh,
ngày qua chưa hết, trăng lên cuối chiều.
chân trời xa vọng tiếng tiêu,
vi vu như thể sáo diều quê hương.

Âm rời từng nốt du dương,
nghe như tiếng nấc canh trường không tên
vô tình hay tự lãng quên,
đàn tranh sáo trúc buồn tênh giữa đời.

Kênh xuôi con nước về khơi,
sương mờ gợi nhớ lệ rơi giọt buồn.
dù mong phím thứ pha buông,
cho tâm an tịnh trước nguồn si mê.

Hoa trôi bèo dạt tư bề,
Tiếng tiêu hiu hắt, lòng tê tái sầu..

Hà Tiên, 1969

ÂM MƯA RƠI                                                                           



Những hạt nước rơi rơi trên mái tôn
Những âm mưa lâm râm trong hoàng hôn.
Như bản nhạc không lời không nhịp gõ.
Giao hưởng buồn mênh mang điệu tâm hồn.

Người nhạc trưởng, từ trời, dạo khúc nôi.
Piano, sương gió đệm âm rời.
Giọt long bong, từng tiếng rơi lộp độp.
Giữa trường canh, một khoảng lặng mây trôi.

Sấm đì đùng như trống vỗ vang rền.
Rừng trúc ru tiếng sáo, mưa lênh đênh.
Dòng suối con róc rách theo đường cũ.
Bồng bềnh trôi cỏ rác bị bỏ quên.

Mây trời xanh thành hơi nước, mưa tuôn.
Nơi núi sông lạnh buốt cánh chim muông.
Gió hú gọi lá vàng bay vi vút.
Làng quê nghèo đọng lại những giọt buồn.

Dĩ An,1968


ÂM MƯA ĐÊM



Mưa rào qua đêm phố
như một khúc nhạc trời,
thả từng giọt âm rơi
trên mái đàn phím ngói.

Điện tắt cung đường tối
đâu rõ mặt khuôn âm
của khoảng lặng lâm râm
tạt ướt bao hoa cỏ.

Sấm rền dần dần nhỏ
ngưng thầm bản nhạc mưa
còn chăng đôi âm thừa
chạm ngoài thềm rêu biếc.

Chạm lên nốt mi tuyệt,
nốt rê buồn lệ rơi,
trên sân khấu cuộc đời,
với trường canh dâu bể.

Thủ Đức,1968


                tranh của Giuliano Boscaini
                nguồn internet

ĐƯỜNG LÁ BAY


Giữa đời bao nhiêu chiếc lá bay,
tách rời đọt nhánh thân cội cây
tàn tạ héo khô theo mưa gió,
khuất vào cát bụi trong bùn lầy.

Đôi khi non nớt chợt rời cành
gió hát ru đưa vào cỏ tranh,
xa nguồn nuôi dưỡng dần teo tóp
thành ra phân bón dưới rễ xanh.

Lá bay theo gió mây sương mờ,
rong ruổi phiêu diêu không bến bờ.
Chiếc trôi lênh đênh cùng sông nước.
Chiếc mắc vào gai rách xác xơ

Gân may cọng mắn nhờ thời gian,
lá từ tơ lục sang úa vàng
rời rã rụng rơi rồi mục nát
đâu chờ đông tận hạ thu sang.

Thân lá phận người, một bóng hình.
Ngắn dài còn mất cuộc tử sinh,
Duyên số tuần hoàn theo nhân quả.
Đất trời luân lưu thoáng nghĩa tình.

Gia Định, 1967

THỦY MẶC
trên LÁ BÀNG


Ngoài hiên, chiếc lá bàng rơi.
Như tranh thủy mặc gió trời chuyển sang.

Màu nền bức họa nâu vàng
In hình cây lạ nhánh tàn lục xanh.
Hoa chùm hồng nhạt cuối cành.
Sương mờ đôi hạt long lanh lệ trời.

Tưởng chừng mây nước pha phôi.
Mây bay về cõi xa xôi không lời.
Phân ly nước đọng mưa rơi,
Thả buông từng giọt xuống đời bể dâu.

Theo tranh sương gió bạc màu.
Lìa cành xa cội Lá đâu còn Bàng.
Chỉ còn lá úa mùa hoang,
Tả tơi rách nát bàng hoàng dưới mưa

 

GIỌT SƯƠNG
trên CHIẾC 



Chiếc lá vàng khô bên bờ mương.
Nằm trên thân lá, một giọt sương.
Gió hiu hiu thổi lùa cỏ rối.
Lá cong che kín sương đêm trường.

Ôm sương vào lòng, sợ sương tan
thành hơi nước mọng bay mơ màng.
bỏ quên lá úa trong khô khốc,
mù mịt phiêu diêu theo gió ngàn.

Sương lam tròn hạt với lá vàng.
như cùng ru nhau nơi quan san,
cho dù phận sương từ bóng nước,
thân lá lìa cành khi thu tàn.

Giông tố qua đồi, sấm âm vang.
Gió hú mưa rơi rừng hoang tàn.
Lá cõng sương bay về xa khuất,
vào giấc thiên thu mộng địa đàng.

Thủ Thiêm, 1965

 

BÈO XANH
chở LÁ ÚA


Bèo xanh chở lá úa vàng
xuôi dòng kênh đước lang thang dưới trời.
Sông trôi, bèo dạt, hoa rơi.
Thân mềm, phận mỏng, mệnh đời phiêu linh.

Trầm luân mông muội sắc hình,
hoa tàn sen khuất vào sình lãng quên.
Bọt bèo rong ruổi lênh đênh
theo mùa nước nổi buồn tênh mọi đàng.

Lìa cành theo gió bạt ngàn,
cuộc tình lá thắm úa vàng ly tan,
với bao cát bụi mênh mang
bay đi đắp mộ  tràng giang xa vời

Đâu ngờ trong cõi pha phôi
bèo xanh lá úa cùng rời bến xưa,
nổi trôi dưới bóng nắng mưa,
bên nhau nương tựa qua mùa gió sương.

Kênh Vĩnh Tế,1969


THUYỀN SEN
chở DẾ MÈN


Bờ kênh cho neo chiếc lá sen.
Trên chở xác chết chú dế mèn.
Lá khô cong đậm màu rêu biếc.
Dế nằm úp mặt cánh bóng đen.

Sen như thân phận lá thuyền nan.
Gió lùa vào giữa đám lác bàng.
Bên cạnh lục bình hoa tím ngát.
Bèo dạt cỏ vương chờ đưa tang.

Đắp trên thân dế một lá vàng’
Làn sương mù bay như khói nhang.
Con chim bói cá trên nhành đước
Hót lời tiếc thương âm khàn khàn.

Cá sặc cá trê trong lòng kênh.
Đội đưa thuyền sen vào bồng bềnh.
Bàng lác liu riu thầm tiễn biệt.
Lục bình bèo rong trôi buồn tênh.

Hà Tiên,1970

HỒ NÚI
và CHẾC LÁ

Cây thu thả chiếc lá vàng
xuống hồ Núi Đất, bên ngàn Rừng Dong.
Sương pha, gió nhẹ, nước trong.
Lá men Bến Cỏ vào dòng Suối Sâu.

Con chim bói cá cúi đầu
thương duyên lá thắm phai màu tình xanh.
Nghiêng nhìn bóng nước long lanh
soi buồn lá ướt vượt gành rêu rong.

Giã từ Núi Đất Rừng Dong
Thân tàn phận úa phiêu bồng về đâu ?
Đồi Sầm Động Dứa Bãi Dâu
Phong lan cúc dại như sầu biệt ly.

Hồ Núi Đất, 1972

 

SÓNG BIỂN
và GÀNH ĐÁ


Sóng tạt vào gộp đá,
trắng xóa bờ rong xanh,
nước tràn khắp mặt gành
tung tóe ven triền động.

Bấc biển lùa gió lộng,
xóa dấu vết chân qua,
của người về khơi xa,
cùng bao điều buông bỏ.

Dưới trăng lũ còng gió
xe cát lấp biển đông,
ngăn con sóng bạc lòng
trước tình đời dâu bể.

Cành san hô tàn phế
nằm giữa khe đá thô,
như thân phận mơ hồ
chìm vào cõi vô niệm.

La Gi,1961

 

LÁ DONG KHÔ

Một chiếc lá Dong khô
lênh đênh trên mặt hồ,
thân phủ đầy cát bụi,
phận trôi nổi vật vờ.

Nắng cong lên thành thuyền.
Mưa bằng ra bè nghiêng.
Cát Bụi dần buông thả
vào hồn mùa như nhiên.

Bụi lắng xuống đầm lầy,
Cát ôm gốc cỏ cây,
chuyển hóa sang bùn đất
theo dâu bể vần xoay.

Dong chia tay Đất Bùn,
rời Cát Bụi mông lung,
bỏ quên hình bóng Lá,
Rừng xưa xa chập chùng.

Bè Dong trôi lang thang,
bạn cùng đám Lác Bàng,
thân với cánh Bèo dạt,
dưới trời mây mênh mang.

Bến Cát,1962

 

LÁ SẦU ĐÂU


Heo mây chia tay lá sầu đâu,
hiu hiu thu sang phố Bên Cầu,
thả lá xuống chiều xóm Ruộng Cỏ,
bên bờ Rạch Chiếc, cạnh vườn dâu.

Sầu theo mây bay về nơi đâu,
lệ trời rơi ướt mộng ban đầu
nứt mầm lên cây nơi đất nhớ,
lá ủ hình hài trái tim đau.

Cành xanh chồi non chờ đông tàn
nở bông thơm hương mừng xuân sang,
môi hoa chúm chím nụ cười gượng
trong héo, ngoài tươi dáng dịu dàng.

Từng chùm đong đưa theo gió lùa,
tim tím buồn vương màu hoa mua
lá thắm tình xanh dần tàn úa,
rụng vàng cuối hạ dặm đường xưa.

Sầu không nơi đâu, ở nơi đây,
nỗi niềm chia ly qua từng ngày,
hoa tàn lá rụng lìa cành cội,
du tử tha phương, cát bụi bay.

Rạch Chiếc, 1962

LÁ ME NON


Lá me rơi đầy trên mặt bàn,
sau ô cửa nhỏ, trong nhà ngang,

lặng yên như thể quên ngày tháng.

bên trang sách khép mùa hạ tàn,

Đôi lá dìu nhau về muôn phương,
Khi gió heo may lạnh khu vườn.

Cơn mưa rào rạt qua mái ngói.

Lá sầu đâu trọ cạnh bờ mương.

Bút khô chữ đói, ngày nghỉ hè.
Hồn nhiên bụi phủ “trang lá me”,

lấp dấu mùa đi thân bé nhỏ,

bóng cũ hình xưa đã vàng hoe.

Lũ lụt mưa dông, nước ngập sâu,
hoa rụng xuống đời, trôi về đâu?

Chiếc lá me non tuy màu nhạt,

vẫn như lưu niệm đến bạc đầu.

Bến Cát,1962

 

CHIẾC LÁ THƯ

Chiếc lá vàng bay ngang đời tôi,
như trang thư xưa chiều xa xôi,

mờ phai màu mực, nhòe nét chữ,

khô héo ngày xanh, mùa đơn côi.

Lá vàng in hình bìa phong thư
nhưng không lưu hương dòng tạ từ,

chiếc lá, tờ thư, dần rời rã.

Chuyện cũ người xưa, đâu thực hư ?

Đôi khi vương thầm trên tóc mai,
lá ướt sương rơi lệ trang đài,

chạm lên nỗi niềm, buồn ly biệt

trong cõi tĩnh không, năm tháng dài.

Lá thắm trôi xuôi theo dòng đời
Bờ hoang, bên kia xuân hoa rơi,

hạ nắng thu mưa đông giá lạnh.

Bến đỗ, bên này một mình tôi.

Tăng Nhơn Phú,1967

 


                      
Tranh của Nguyễn Trung
                                       nguồn internet


 

CỎ HOA

DU TỬ

 

Du tử bé con rời quê nhà,
ngu ngơ thơ thẩn dặm đường xa,
lần bước làm quen cùng con chữ,
buồn vui lặng lẽ với cỏ hoa.

Từ xóm tản cư, trong rừng sâu,
về làng quê nghèo, trên lưng trâu,
theo hoa học lóm con chữ đói,
bên thềm lớp bụi mái bích câu.

Trường lá cành nôm cạnh đầm sen,
gác cây hoa xoan, thời sách đèn,
quanh mùa hoa nở hương thơm thảo,
đưa đón đi về như bạn quen.

Nằm trong lưu bút ngày hạ tàn,
phượng hồng, huệ trắng, cúc dại vàng,
mắc cở, sầu đâu, bằng lăng tím,
forget me not, dù ly tan.

Lá sen ngày nao thay tờ thư,
đôi dòng ghi nhớ lời giã từ,
khi xa xóm mạc, lìa đồng ruộng,
lưu niệm mang theo đường phiêu du.

Cù Mi, 1964
CÁT SỸ

 

 

 

SEN VÀNG

SƯƠNG LAM

 

 

Sen vàng khô cong trên dòng kênh,
mang theo sương lam tròn không tên.
bên rìa rừng đước, mùa nước nổi,
gió ru hơi lạnh qua trăng đêm.

Sen cùng sương trôi trong âm thầm,
đường về chân trời còn xa xăm,
cỏ hoa cây lá đầm mưa gió.
mùa đi phận chuyển bóng dương âm.

Màn khuya tan đi, hừng đông về.
Nắng mai soi ấm bến mộng mê
Sen héo, sương tan theo mây nước.
Đôi giọt mưa thừa rơi lê thê.

Sương như hơi mây bay về trời
Sen thầm ẩm ướt nát tả tơi
Phân ly lưu lạc vào đôi cõi.
Sen lắng đất bùn, sương chơi vơi.

Kênh Vĩnh Tế,1969

 

 

 

LÁ SEN

CÁT BỤI

Một lá sen tròn như nia con,
rời xa đầm xưa, luôn mõi mòn,
trôi nổi bồng bềnh nơi hồ vắng,
mưa dầm nắng quái thêm héo hon.


Qua bao mùa đi đời lang thang,
nước thấm sương pha màu úa vàng,
dần dà thân vướng đầy cát bụi,
phận mềm nặng nợ tình cưu mang.

Gió chướng thổi bay bụi xa vời.
Mặt hồ in bóng vòng rụng rơi,
lặng thầm nhập cuộc vào bùn đất.
trầm ngâm đáy nước, khuất mây trời.

Cát sạch bụi đời, còn lơ mơ
nằm trên thân lá trôi vật vờ,
chờ ngày qua bến bờ dâu bể,
thoát thời phiêu bạt, phận nương nhờ.

Nia sen chở cát dạo quanh hồ.
nước dâng dạt vào rễ cây khô,
ngụ tạm dưới trời, bên rừng đước,
rã rượi lắng vào cõi hư vô.

Kênh Vĩnh Tế,1969

 

 

 

LÁ SEN NON.


Búp lá sen non trong lòng đầm.
trong dòng nước lạnh trôi âm thầm,
từ giã bùn lầy nơi gốc rễ,
vươn lên nhìn mây bay xa xăm.

Búp nở mặt xanh đón nắng vàng.
Thân tròn chạm nhẹ lớp bèo hoang,
cùng đám rong rêu, lục bình tím,
làm quen hiền hậu với lác bàng.

Đôi khi mông lung giữa đêm trường,
vô tình lá nõn hứng giọt sương,
mềm mại lăn êm khi gió nhẹ,
lá biếc sương lam thoáng vấn vương.

Lá ru sương buồn điệu lắt lay,
bên nhau qua khuya chờ ánh ngày,
nắng mai soi ấm gọi sương thức,
bốc hơi rời lá theo nước mây.

Lá tròn dưỡng dục búp nõn hoa,
thoảng hương thanh khiết bao chiều tà
Ngó nhìn Tim sen lưu tình Hạt,
yên nhiên trầm tích giữa ta bà.

Hà Tiên,1969

 

LÁ SEN GIÀ.


Ngó sen lên cao ngóng mây trời.
Ngàn năm mây trắng lửng lơ trôi.
đâu hay trong đầm, dưới liễu rũ,
lá sen tàn tạ màu pha phôi.

Bao mùa hanh nắng, mù sương pha,
bão rớt, mưa bay, gió lùa qua,
mặt lá xanh non dần vàng úa,
cằn cỗi nương thân búp nõn nà.

Mặt nước nâng lưng lá tan hoang.
dưới đóa sen hồng hương dịu dàng
bên cọng ngó nghiêng bầu trời rộng
xanh non thơ mộng như xa ngàn.

Lá già khô héo, rụng, rã rời,
tách ra từng mảnh, rách tả tơi,
mảnh chìm đáy nước thành bùn đất,
mảnh trôi mênh mang luôn chuyển dời.

Vạn hữu như nhiên tự phân thân.
Sen, lá tự tàn mụt nát dần
lặn vào lòng nước bên cội rễ.
dưỡng nuôi mầm mộng búp thanh tân.

Hà Tiên, 1969

 

 

GIẤY LÁ SEN.


Chiếc lá sen khô thay giấy bao,
ép phơi dưới nắng vàng bạc màu,
mặt lá nhạt nhòa sắc rêu biếc,
thân còn non nớt dần xanh xao.

Hàng rong bán dạo, gánh loanh quanh.
Lá làm giấy gói sôi đậu nành,
bao quanh bó rau, xấp trầu tía,
bọc túm thuốc rê, gói trà xanh.

Lá như giấy dó của cụ đồ.
ghi câu đối đỏ nét chữ thô,
khắc dòng thư pháp kiểu Việt Hán,
ký tên lưu dấu buổi dại khờ .

Lá sen từ đầm vào chợ trời
đôi khi theo khách về xa khơi,
lá tròn giữ nguyên gói hàng hóa,
cắt thành trang vở nơi trường đời.


Sa Đéc, 1969

 

 

MỘT KHÓM HUỆ



Khóm hoa huệ trắng nơi góc vườn
như bị bỏ quên trong gió sương,
bên bờ dậu nát cây râm bụt,
thầm lặng nở hoa thoảng nhẹ hương.

Lá xanh như thể những cánh tay
mỏng manh tự dưỡng ngày thêm dày,
chở che bao hoa trước mưa nắng,
cùng sống bên nhau dưới bóng mây.

Đóa nở cánh đầy màu trắng trong,
hương trầm thanh khiết, nhụy pha hồng,
cội rễ tích tụ nguồn nhựa luyện,
ươm mộng nẩy mầm ra búp bông.

Mùa màng trôi qua theo tự nhiên,
đời hoa tàn nở còn chút duyên,
mộng thầm trụ lại cùng cây cỏ,
dù mầm tươi thắm hay rã riêng.

Búp thức sớm mai ngủ đêm thâu,
cuống non vươn lên, già cúi đầu,
dáng như cầu nguyện với trời đất,
vạn hữu yên nhiên trước bể dâu.

An Nhơn,1964



 



 
Tranh của Le Phan Quoc
nguồn internet

 

GIÃ BIỆT HOA


Giã biệt mùa hoa bay
giọt mưa đầy trên tay
con đường qua xóm học
bỏ hoang thời thơ ngây.

Giã biệt cây bên song
gió ru nghiêng hoa hồng
hương thấm lạnh chiều phố
gác trọ buồn vắng không.

Giã biệt ngôi trường xưa
khung trời phượng hoa mưa
thơm mộng hồn giấy mực
hương ước mơ không mùa.

Xin giữ lại một thời
dưới hoa mùa xuân trôi
dù người quên hay nhớ
dù xa xôi muôn đời.

 Sài Gòn. 1969

 

 

 

LA DẠ XA


Tôi rời miền quan san.
Đường rừng đầy lá vàng.
Tiễn tôi em nhẹ bước.
Sợ điều gì nát tan.

Men theo đôi bờ hoa.
Trường La Dạ dần xa.
Lưu bút xưa khép lại.
Những dại khờ đã qua.

Bên nhau trên đường dài.
Ước mơ về tương lai.
Dù đôi khi cách biệt.
Với bao nỗi u hoài.

Dòng Suối Trong trôi ngang.
Một bờ chờ tôi sang.
Một bờ em dừng lại.
Nỗi buồn như miên man.

          
La Dạ, 1966

.

                                                                                            

             Tranh của Chen Du
                     nguồn internet


 

 

TÙY BÚT CÁT SỸ.                                .                                           

 

 

          Tùy Bút là “gặp cái gì ghi cái ấy”, tức “ghi lại đôi điều nghe thấy” trên đường đời. Tùy Bút thường được viết dưới dạng Văn Xuôi, nhưng Cát Sỹ lại viết theo thể Văn Vần như Lục bát, Haiku, Đường luật, Tự do.                        .                             
          Giáo sư giảng dạy Văn chương Quốc âm và Ngữ học Việt Nam, ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn trứơc 1975, gọi bài viết của ông là “tùy bút cát sỹ”, với ý nghĩa ”dòng ghi chép của học trò tốt”. Cát Sỹ còn là tên tự của sinh viên Trần văn Thuận. “Tùy bút cát sỹ” là những bài tùy bút văn vần của Cát Sỹ, có vần điệu như thơ sáng tác, rất cô đọng, dễ lưu lại.   .

             

           
Phần lớn tùy bút của ông được viết trong thập niên 60 và nằm trong lưu bút hay nhật ký của các nhóm thân hữu, đặc biệt là Nhóm Tứ La ở Bình Tuy, Nhóm Quốc Âm ở Sài Gòn, Nhóm Ba Lá ở Hà Tiên. Nhờ sự hổ trợ của quí thân hữu, từ năm 1994, chúng tôi sưu tập được nhiều bài “tùy bút cát sỹ” bị thất lạc sau 1975 và biên tập theo các chủ đề như Mùa bấc biển, La Gi ngàn xanh, Sài Gòn và tôi, Mái xưa, Đời sậy, Tạ ơn đời, Rong chơi cùng cát bụi, Mùa thạch thảo, Sắc phượng, Búp sen, Dưới hoa, Khoảng lặng của hoa, Tượng, Lửa đầu non, Lửa đêm mưa, Lời chiều, Thơ thiền Vương Duy... với bút danh Đoàn Thuận.        .                    .
          
          Riêng tập Mùa trọ học vẫn giữ nguyên trạng “tùy bút cát sỹ”, ghi lại những nơi Cát Sỹ từng trú ngụ khi vào đại học ở Sài Gòn trong thập niên 60. Từ quê lên phố, Cát Sỹ trải qua nhiều thôn xóm vùng ven, nhiều hẻm phố nội thành. Đôi dòng tùy bút ghi lại khung cảnh và cuộc sống chung quanh gác trọ, với “mưa gió cỏ hoa”, với “tình làng nghĩa xóm”. Hình ảnh bèo xanh chở lá úa trôi theo dòng đời như ghi lại lời tạ ơn của Cát Sỹ đối với ân nhân đã từng giúp ông học hành đến thành đạt.                    .                       .           Mùa trọ học đã trôi qua nhưng đôi điều vẫn còn lưu lại trong trang Tùy bút cát sỹ.                        .   .
    .          

            
Thảo Điền, 2014.                                      .
           TRẦN CÁT TƯỜNG

 

 



ĐOÀN THUẬN

Tên thật là Trần văn Thuận, tự Cát Sỹ.
Sinh năm 1943 tại  Lagi,  Bình Thuận.
Giáo viên nghỉ hưu tại Thảo Điền,Tp. HCM
[Nguyên hiệu trưởng Trường PTTH Nguyễn Huệ, La Gi]

     
           SÔNG DINH
               Cát Sỹ ký họa 1972
    

  _________________________________