PHƯỢNG
CÕI PHƯỢNG
Ai về lối mơ hoa,
tóc xanh áo vải vui đèn sách,
một thuở đầu đời xa.
La Gi, 1994
ĐOÀN THUẬN
tranh của Jean Baptiste Camille
.
.
.
.
.
.
.
.
.
SẮC PHƯỢNG
Trời chợt đổ mưa về xóm học,
một mình tôi đưới bóng mùa thu,
mái trường xưa trong lớp mưa mù,
nghe xao xuyến tấc lòng rẻ dại.
Con đường thơm ngày nào ái ngại,
chân ngập ngừng theo dáng chiều rơi,
dưới bóng hoa phượng đỏ chân trời,
hương cây cỏ trong hồn vô lượng.
Từ độ ấy một mùa hoa phượng,
nắng hanh vàng vương bước chân qua,
một người đi dưới bóng mưa hoa,
sân trường nhỏ thêm mùa xa vắng.
Đêm sách vở, đêm dài thầm lặng,
một trang đời nghiên bút ngày xanh,
tóc và hương và mắt long lanh,
sắc phượng thắm vào hồn đau nhức.
Chân trời cũ mưa chiều không dứt,
một mình tôi trở lại trường xưa,
nhớ người đi dưới bóng hoa mưa,
và sắc phượng đỏ màu tưởng niệm.
MIỀN PHƯỢNG XƯA
Trong tôi có một mái trường,
một căn gác trọ, một đường hoa bay,
một ô cửa bóng trăng đầy,
một hoa phượng ép cuối ngày hạ mưa,
Một hình bóng lẫn trong xưa,
một trang lưu bút chưa đưa tới người,
một hàm số tuổi đôi mươi,
một lời đáp, một nụ cười trăm năm.
Một ngày rồi đã xa xăm.
Cỏ hoang khuất lối. Bến âm thầm thuyền.
Lá chiều rụng xuống vô biên.
Tôi về, bước nhẹ, qua miền phượng xưa.
Sai Gòn, 1963
CÁT SỸ
tranh của Valentin Serov
nguồn internet
TRƯỜNG HUỲNH
tưởng nghĩ về Chu Văn An
Áo xanh am cỏ Đình Văn cũ
”Nhất hồ thế giới bất tri thu”
Trường Huỳnh nặng nỗi đau nhân thế
Một án thư treo vách sương mù.
NGƯỜI GIEO HẠT
kính tặng thầy Giản Chi
Ở nơi ấy có người hẹn đến
Gọi chim về gieo hạt lũng xa
Những trang sách thơm lừng hương cỏ
Và lời chiều thiếp ngủ trong hoa.
Sài Gòn, 1969
CHIỀU VĂN KHOA
tưởng nhớ thầy Đông Hồ
1.
Thầy về cõi cao khiết
Lặng yên chiều Văn Khoa
Bên kia mùa bụi phấn
Phượng thắp lửa vào hoa.
2.
Trang sách đậm hương trà
Ai về hồ Đông xa
Trăng xưa in bóng nước
Chiều yên thắm màu hoa.
Đại học Văn Khoa Sagon, 1971
THẦY TÔI
Kính tặng thầy Nguyễn Đức Hiếu.
Cây bàng xanh nghiêng trong chiều xuân.
Về thăm trường xưa lòng bâng khuâng.
Gót giầy trên những thềm rêu đá,
Như bước thời gian về rất gần.
Lời thầy xưa nghe như trong mơ.
Bao mùa êm đềm như lời thơ.
Mái đầu tóc trắng trên trang viết,
trên những trang đời của em thơ.
Thầy ngồi bên song trong bao đêm.
Sương khuya giăng giăng mờ ánh đèn.
Tưởng thầy như chẳng bao giờ ngủ.
Bài soạn từng ngày ngổn ngang thêm.
Đôi khi thầy buồn và âm thầm.
Thầy như người về từ trăm năm.
Ưu tư hằn nếp trên vầng trán.
Sách vở bút nghiên hồn xa xăm.
Luôn luôn thầy hiền như cha tôi.
Trang nghiêm thầy khuyên răn từng lời.
Chăm lo từng đứa học trò nhỏ,
cả người ra trường đi muôn nơi.
Cây bàng nghiêng che chiều êm trôi.
Trường xưa con về, thầy đi rồi.
Nửa đời theo gió sương cát bụi,
vẫn tưởng còn như đứa trẻ thôi.
Bà Rịa, 1965
CÔ TÔI
kính tặng cô Lê thị Bích,
cô Khưu Sỹ Huệ
Một mùa học nữa lại đi qua
Vẫn đứng thản nhiên cây phượng già
Đâu biết trong tôi bao thương nhớ
Cô của tôi xưa bao ngày xa.
Vẫn nhớ ngày nao thuở ấu thơ.
Câu chữ đầu đời lời ngây ngô.
Ngọng nghịu đánh vần tên đất nước.
Nắn nót từng dòng theo tay cô.
Tôi được lớn khôn giữa đất trời,
nhờ dòng sữa Mẹ ru bên nôi.
Cô dắt dìu đi từng bước nhỏ,
từ lớp học xưa vào cuộc đời.
Năm tháng dần qua như cát bay.
Còn nguyên nỗi nhớ một phương này.
Cô như người Mẹ thời bé bỏng.
Nuôi lớn hồn tôi đến hôm nay.
Mỹ Tho, 1972
TẠ ƠN THẦY CÔ
Con đến sau mùa hoa.
Ngát đòng hương nhớ Người Gieo Hạt.
Núi tạc lời sông xa.
Sài Gòn, 1964
NHỚ NGƯỜI GIEO HẠT.
Người từng gieo hạt mùa sau.
Nơi hoang vu đất, giữa màu hoa phai.
Trên trang vở, giấc mơ dài.
Bên đồi nhóm lửa, bếp ngày đèn đêm.
GHI NHỚ
Xưa mái trường thôn dưới chân đồi.
Giữa miền hoang thảo dòng sông trôi.
Lời cô thầy thấm trong nghĩa chữ.
Một thuở hồn nhiên lay lắt tôi.
Sài Gòn, 1964
CÁT SỸ
tranh của Lion Augustin Lhermitte.
nguồn internet
CÓ MỘT NGÔI TRƯỜNG
Thì thôi, phố hạ mù xa.
Đã bao mùa phượng đi qua đời mình.
Sao còn trong nỗi lặng thinh ?
Những trang vở, những dáng hình ngây thơ
nghiêng nghiêng trong ánh chiều mờ
và nghiêng trên một vần thơ đầu đời.
Một con đường nhỏ xa xôi.
Một ngôi trường ở trong tôi không lời.
VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ
Quẩn quanh lưu lạc tôi về
Lặng trong nỗi nhớ bạn bè thầy xưa.
Cỏ xanh phai úa đôi mùa,
Và đây màu phượng đỏ mưa trường chiều.
Một hành lang vắng buồn hiu,
Bụi thời gian phủ ít nhiều ghế con.
Buổi chia tay mấy năm tròn
Ngày xa lớp học đã mòn tiếng ru.
Bao mùa mỏi bước phiêu du,
Từ xa xưa ấy vi vu lời sầu.
Mùa thu nào đọng mưa ngâu.
TRƯỜNG TẢN CƯ
tưởng nhớ Thầy Hai Thắng
Tản cư hạ gió thu mưa
Giữa vùng Sao Cháy lưa thưa xóm nhà.
Ngôi trường mở đến lớp ba
Vách cây mái lá, nắng hoa rơi đầy.
Dù Thầy đi lính đánh Tây,
Lời xưa Thầy dạy còn đây trong lòng
Vắng Thầy, trời đất mênh mông
Bạn bè lớp cũ chìm trong tháng ngày
Đồi xanh lau lách cỏ cây
Thẳm sâu nỗi nhớ bóng ngày bé thơ.
Tân Thắng, 1960
TRƯỜNG SAO CHÁY
Suối Đá một ngày về dạo chơi
vài cánh hoa phai rụng lâu đời
nắng mưa hằn dấu lên gộp đá
lá mục như từ muôn kiếp rơi.
Đâu lớp học xưa thuở i tờ
bưng biền sâu khuất xóm tản cư
ngày nao dưới mái trường Sao Cháy
lời thầy thuở ấy như lời ru.
Trên vết đạn bom rừng lên nhanh
dưới cỏ lau in bước lữ hành
bà con xóm mạc bao thu trước
bóng tạc vào hoa bên non xanh.
Đâu đó nghe đầy tiếng chim vui
lối hoang rẫy rậm vắng thưa người
cỏ cây đất đá um tùm sống
sương núi hương rừng bãng lãng trôi.
Rừng Sao thôi Cháy, xanh nương đồi
Suối trong lèn Đá về xa xôi.
Thầy xưa bạn cũ thời niên thiếu
như vẫn còn nguyên trong hồn tôi.
Tân Thắng, thu 1965
TRƯỜNG BẾN LỘI
Theo lối phượng tôi về Bến Lội
Đời đổi thay như đã trăm năm
Làng chài nhỏ giờ thành phố thị
Nhưng thầy xưa vẫn mãi xa xăm.
Tiếng trống trường vang bên phố mới
Hàng cây nghiêng bóng của một ngày
Như khách lạ bên đường thiên lý
Nhặt cánh hoa lòng nhớ không khuây.
LỚP MỤC ĐỒNG
Chăn trâu thả láng thả bưng
giúp nhau học chữ ven rừng bên sông,
ê a từng tiếng vỡ lòng,
giữa đồng mông quạnh tịnh không học trò.
Que than thay bút trời cho.
làm bài tập viết trên mo cau rừng.
với con chữ đói, chữ sưng,
chữ gầy, chữ rách, chữ lừng lửng no.
Đôi dòng chữ chạm trang mo,
ghi vài mơ ước ấm no sau này.
Trên lưng trâu cặp, trâu bầy,
mơ sao được sống tháng ngày thư sinh ?
Hoa sen từ giữa bưng sình,
hương như thơm thảo trước bình minh xanh.
Mục đồng học lóm loanh quanh,
thầm mong quê mẹ an lành một mai.
Tân Lý, 1960
LỚP LÁNG ĐÁ
Lang thang Láng Đá rừng dầu
Lần tìm lớp học chăn trâu ngày nào.
Nước tràn mặt đá bờ lau.
Tiếng chim tu hú gợi bao nỗi niềm.
TRƯỜNG LÁNG GĂNG
Láng Găng về lại một ngày.
Trường làng lớp cũ vắng thầy cô xưa.
Đôi nhành dương liễu dưới mưa.
Trong tôi như thể đong đưa giọt buồn.
COURS PASCAL.
Pascal, lớp học tráng niên,
Trường tư Quảng Đức, cõi thiền từ bi.
Giúp nhau ôn tập luyện thi.
Ước mong quê mẹ La Gi an bình.
TÌM THĂM LỚP LÁ.
Tìm thăm lớp lá mục đồng.
Bên rừng dầu vắng, ven sông lở bồi.
Nhớ câu lục bát xa xôi.
Lời ca dao cũ một thời tản cư.
TRƯỜNG LA DẠ
Dưới mái Trường La Dạ,
ban đồng song, đồng hành,
ghi lưu bút ngày xanh
khi hạ tàn tạm biệt.
Một lần nhớ mải miết,
dù tùy bút không dài,
dù màu mực dần phai,
vẫn còn trang ký ức.
Vẫn nằm trong tâm thức,
của người đã xa trường,
đã phiêu bạt tha hương,
lưu dấu bao kỷ niệm.
Khoảnh khắc chân trời tím,
tưởng nhớ về dáng hoa,
hiền dịu trong chiều tà,
trên sân trường Xóm Núi.
Tiếng chim rừng bên suối,
hòa âm lời giảng bài,
theo gió rừng thu phai,
một thời Trường La Dạ.
TRƯỜNG MẪU GIÁO TRÍ ANH
Xây một ngôi trường
cho con chúng ta
ngôi trường mẫu giáo
khang trang tường hoa
đỏ tươi màu ngói
Như ở đó,
với bao con người.
bao giọt mồ hôi,
thấm lên nương rẫy
mặn thêm biển khơi.
với bao ước vọng
qua từng cuộc đời.
Có cô giáo trẻ
như người mẹ hiền
có đàn em bé
hát vang sân trường.
Ngôi trường ngói đỏ,
như đóa hồng tươi.
Ôi, quê hương ơi,
xin dâng lên người.
Về
TRUNG HỌC BÌNH TUY
Năm bảy mươi hai có một thầy
Hà Tiên nhiệm sở chuyển về đây.
Trường tư Quảng Đức kèm cua tối.
Công lập Bình Tuy dạy lớp ngày.
Giữa chợ bon chen đều chẳng biết,
Ngoài đời khôn dại cũng không hay.
Ăn lương chính ngạch ở nhà mướn.
Một vợ ba con sống đủ đầy.
Bình Tuy,10.1972 .
Thăm
TRƯỜNG CHÂU VĂN TIẾP
Trường Châu Văn Tiếp tôi về thăm.
Bạn hữu thầy cô đã bặt tăm.
Mái ngói nghiêng rêu sầu mấy hạ.
Hành lang khuất dấu lạnh bao năm.
Con đường hoa mộng vào mê đắm.
Nếp áo thư sinh lấm bụi lầm.
Trong bóng phong sương mùa chuyển dịch.
Mưa thu từng giọt rơi âm thầm.
Nhớ về
TRƯỜNG SỸ TÃI
Hai tháng học, nhớ hoài trường Sỹ Tãi
Dù khói sương cát bụi lấp lối về.
Mùa phượng vĩ nở buồn qua trí tưởng.
Thầy Cô xưa ẩn hiện trong giấc mê.
Thầy Kiêm giảng khởi đầu “Nhành lúa mới”,
Cùng chúng tôi nhìn lại góc quê hương.
Giặc càn quét đạn bom cày nát đất.
Dân đen về xuống mạ những đêm trường.
Cô Linh vẽ “Đường cây xanh” tít tắp.
Tuổi thơ tôi theo nét cọ về xa,
Thả mơ ước vào khung trời an tịnh.
Để xuân thu màu sắc tự phai nhoà.
Thầy Hiệu Trưởng chân tình ngày khai giảng:
”Cần thành tâm học hỏi để làm người.
Nhân bất học, tức thị, bất tri lý.
Học với thầy với bạn, học ở đời “.
Trường Sỹ Tãi giúp tôi vào Đệ Thất,
Cho lòng tôi nhận ra nghĩa nhân văn.
Nơi thăm thẳm giữa muôn trùng thiện ác,
Lời Hiền Nhân như tiếng vọng vĩnh hằng.
Sài Gòn, 1974.
Nhớ
MÁI TRƯỜNG XƯA.
Cuối đời vẫn nhớ trường xưa,
dù bao sương gió nắng mưa dập vùi.
Trong tôi thầm lặng ngậm ngùi.
Thầy Cô còn mất ngược xuôi thế nào.
Bao điều giảng dạy ngày nao,
như lời khuyên nhủ ngọt ngào khó quên,
giúp tôi từng bước vững bền,
vượt qua tăm tối gập ghềnh xót xa.
Nguyên lý giáo dục cộng hòa.
”Nhân bản Dân tộc” mở ra ngọn nguồn.
Đạo lý “khai phóng” giao thương.
Tu tâm dưỡng tánh hiền lương “làm người”.
Học Văn một, Học Lễ mười.
Nhân văn khoa học xây tươi “vườn đời”.
Người học chữ nghĩa đạo trời
nhận ra tiếng nói xu thời điêu ngoa.
Nền giáo dục thời Cộng Hòa,
tạo người có Đức,Tài hoa cho đời.
Thảo Điền, 2014
tranh Johanne Von Bremen
nguồn internet
ĐI HỌC
Một áo trắng xinh
cho ngày tuổi nhỏ.
Một con đường phố
cho rợp bóng cây.
Một sân trường này
cho đầy phượng vĩ.
Một trang vở nhí
cho lá thuộc bài.
Một mùa hạ dài
cho em mong đợi.
một năm học mới
được lên lớp trên.
TRƯỜNG MỚI
Em học trường mới
Mái ngói lầu cao
Cửa sổ kính màu
Và tường vôi trắng
Ở ngoài sân nắng
Hàng cây phượng già
Như đứng chờ hoa
Cành xanh bóng mát
Nhiều bạn học khác
Ở tận thôn xa
Trường như cái nhà
Mái còn lợp lá.
Vùng cao rẻo lạ
Cõng chữ đến trường
Thầy cô thân thương
Vượt ngàn gian khó
HỌC VẦN
Ai ca u ơ
Khi chiều hết nắng
Bóng trôi lờ mờ
ngang thềm nhà vắng.
Tiếng ai ru hờ
ru chú dế ngủ
gật gà gật gù
trong lùm cỏ rủ.
Thuyền ai neo chờ
lờ đờ sông chảy
lặng im như tờ
dưới bờ lau sậy.
Sương đêm dật dờ .
Em như mơ thấy
học vần bên cô
phấn bay đầy vậy.
THUỞ DẠI KHỜ
Thuở ấy, vì đời, tôi mộng mơ.
Vì yêu hoa, ngây ngô dại khờ,
mơ mùa xuân thắm đời tươi thắm
bên Mẹ vui cùng sách và thơ.
Mùa học đầu tiên rồi đi qua.
Con tàu xuôi, ga thôn thẩn thờ.
Mình tôi đối mặt đời trong đục,
Đêm về lo sợ đầy trong mơ.
Bình thản sân trường áo trắng bay.
Riêng tôi gió bụi trên vai đầy.
Mẹ nghèo dưới mái lều mưa nắng.
Sách vở một ngày như khói mây.
Đời lắm ưu phiền tôi vẫn mơ,
vẫn nguyên mộng ước buổi dại khờ,
vẫn mong trở lại miền phượng cũ,
sống lại một ngày tuổi ấu thơ.
MỘT BUỔI HỌC TỐI
Trò xưa học dưới sao đêm.
Tưởng như còn đó bên thềm trăng non.
Ở đâu mười sáu trăng tròn.
Mùa thi vội đến, trăng còn chơi xa.
Ngại khi xế bóng trăng tà,
Những đêm thức với canh ba chong đèn.
Ngày đi kèm trẻ phố quen,
Đêm về nhóm lửa cài then học bài.
Người xưa, nay đâu còn ai.
Bên đời heo hút dấu hài rêu phong.
Một tôi ngồi giữa mênh mông,
Những trang sách mở theo dòng thời gian.
Câu văn chữ nghĩa ẩn tàng.
Từ nền văn hiến bốn ngàn năm dư.
Giúp tôi, một kẻ khờ ngu.
Lần tìm ra lẽ thực hư cõi đời.
TÔI VÀO ĐẠI HỌC
Tôi từ biển mặn, đồng ruộng xanh,
một trẻ chăn trâu lên tỉnh thành
dò dẫm tìm đường vào đại học,
nhiều năm ở trọ nơi Sài Thành.
Hòn Ngọc Viễn Đông, miền đất lành.
Phương Nam, đậu lại cánh chim xanh.
Văn minh Lúa Nước nền Âu Lạc.
Thoát ly phong kiến sau chiến tranh.
Dù như du tử phận mỏng manh,
vẫn theo nguyên lý sự vận hành,
Nhân bản Dân tộc và Khai phóng,
mở tầm hiểu biết dưới trời xanh.
Ở nhờ ăn đậu sống âm thầm,
tự thân rèn luyện xa mê lầm,
kèm trẻ tư gia, dạy tư thục.
nương tựa vào người có thiện tâm.
Dân quê dân phố nghèo hay giàu,
tình làng nghĩa xóm động viên nhau,
giúp trẻ học hành đến thành đạt,
xây đời an lạc cho mai sau.
Sài Gòn,1963
QUA NHỮNG MÙA HỌC
Lặng yên đường xóm học.
Sách khép vào mùa thi.
Sân trường im tiếng trống.
Lưu bút tiễn hạ đi.
Ai mê say hoàng hoa.
Ai buồn vui phương xa.
Ai biệt mùa học cũ.
Vàng lá rơi thu qua.
Về đâu, chim di rét ?
Liễu hồ đời xanh buông.
Ánh lửa chiều xóm trọ
Lớp học mờ trong sương.
Ngày xuân trôi xa dần.
Trang viết dài bâng khuâng.
Hương giấy thơm mộng ước.
Áo trắng thêm phong trần
tranh của Jean Baptiste Camillie
nguồn internet
NƠI TRỌ HỌC
Gác cây dưới tán hoa xoan,
nơi tôi trọ học ngổn ngang sách đèn.
Vì đời trôi nổi bao phen
thân như bèo dạt ao sen đầm lầy.
Chốn này hoa thoảng hương bay
từ bờ cúc dại, từ cây xoan già.
Cõi kia phố thị phồn hoa,
nhà hàng cửa hiệu quán ba vũ trường.
Hạ sang phượng thắm pha sương.
Em xưa từ giã sân trường lệ rơi.
Người đi kẻ ở bồi hồi.
Tuổi thơ hoa mộng một thời sang trang.
Tôi nơi gác cũ vườn hoang,
bạn cùng cây cỏ cùng trang sử vàng,
lời xưa nghĩa cũ mênh mang,
âm thầm suy niệm giữ an tâm mình.
Rạch Chiếc, 1962
MÙA TRỌ HỌC
Bao mùa trọ học đất Sài Gòn
giúp tôi dần xa tầm trẻ con,
với phận quê mùa sống khép nép,
lủi thủi nương thân giữa mất còn.
Ngày đầu lưu lạc nơi phồn hoa,
trọ lại thôn nghèo ngoại ô xa,
đường đi nước bước còn lạ lẫm,
bạn với sương khuya với chiều tà.
Người có thiện tâm như xót xa,
thương kẻ bơ vơ không cửa nhà,
sẻ chia cơ hội vào đại học.
nhường phần kèm trẻ tại tư gia.
Giấc mơ Kiến Trúc rồi phai nhòa,
đành chọn văn chương với Văn Khoa,
theo Ban Việt Hán vào Sư Phạm,
một mai nối gót ông đồ già.
Thập niên 60 hồn nhiên trôi,
Sư Phạm tiễn tôi về xa xôi,
Trung học Hà Tiên, nhiệm sở mới,
từ giã Văn Khoa lòng bồi hồi.
Đất trọ Sài Gòn như quê hương.
Một tôi du tử lại tha phương.
Kỷ niệm buồn vui trong lưu bút.
Hành trang mang theo chỉ gió sương.
Sài Gòn, 1969
HẺM TRỌ
Hẻm Nancy nhạt nhòa ánh điện đêm,
trong bóng mưa nặng hạt xuống mặt thềm,
vang theo mưa, tiếng đàn cò Chín Trích,
nghe nỉ non từng giọt âm dịu êm.
Ngoài trời mưa, chuông xe khua leng keng
Nơi gác trọ, bút nghiên với sách đèn.
Nghiên đọng lại nước hương tóc mây cũ.
Bút ghi tròn nốt “mi” giọt lệ quen.
Mưa tạt vào trang lưu bút ngày xanh.
Màu mực phai, dòng chữ lem vòng quanh.
Nhưng kỷ niệm còn in trong ký ức.
Nước mắt buồn rơi rơi nguyên âm thanh.
Dù tạnh mưa, tịnh yên dưới mái lầu,
vẫn còn lan miên man giọt đàn bầu,
hàng rong rao êm tai khắp phố cũ,
đàn guitar, tiếng hát ru đêm thâu.
Nancy,1963
XÓM TRỌ
Bên bờ Rạch Chiếc mưa chiều bay
nước tràn ruộng cỏ, đẫm vườn cây,
ướt sũng lối mòn về Xóm Trọ,
mương ao bỏ dại ngập sình lầy.
Mưa tạt vào nhà tôn vách cây,
cạnh gò hoa dại, khóm sậy gầy,
nơi người nghèo khó đến trú ngụ,
mồ côi lưu lạc trọ qua ngày.
Gác ván ẩn mình dưới nhành xoan,
nước rụng trên mái như nhịp đàn
hòa âm òn ên cùng ếch nhái,
dế rít nỉ non nơi vườn hoang.
Sách vở lặng thinh khi mưa rơi,
bút nghiên con chữ im không lời
giọt mưa rơi dài ngoài thềm gạch
như dấu chấm than thả xuống đời.
Rạch Chiếc, 1962
HOA NƠI GÁC TRỌ
Nơi gác trọ sách đèn,
tôi cùng hoa làm quen,
thầm buồn nhìn xoan tím,
thoáng vui với hương sen.
Cúc dại không theo mùa,
chẳng nhuốm màu hoa mua,
luôn với tôi tươi thắm,
đâu mắc cở thẹn thùa.
Lan đất bên bờ đường
tiễn chân tôi qua trường
dù đông sầu lạnh giá,
hay thu muộn pha sương.
Dạ lý hương dã quì
cùng tôi thức ôn thi
nhụy cong những dấu hỏi
về bài toán xuân thì.
Giữa mùa hoa lưu ly,
tôi giã từ kinh kỳ,
nhớ cánh xoan tim tím,
dáng sen hồng nhu mì.
GÁC TRỌ CŨ
Gác trọ mùa hạ sang,
sách vở đầy bụi vàng
nằm im bên nghiên bút
nhìn ra nhành cây xoan.
Ngày nao trên gác cây,
bao lần hoa xoan bay,
ước nguyện yêu thương mãi,
dù cay đắng đọa đày.
Lưu bút ngày em đi,
mực tím màu chia ly
ghi lại bao kỷ niệm
bên nhau buổi xuân thì.
Đường mòn còn mình tôi
mắt mờ nhớ lệ rơi
chỉ thấy hoa tàn rụng,
hương lặng tĩnh bồi hồi.
Vườn hoang vắng người về,
liễu biếc rũ lê thê,
bên ao sen chiều muộn
lòng buồn thêm tái tê.
XÓM HỌC.CŨ
Ai về nơi chân mây
bỏ quên miền thơ ngây
vô tư bên đèn sách
những mùa hoa xoan bay.
Đường thơm bao kỷ niệm.
Lưu bút ghi hẹn chờ.
Giờ nơi ngàn dặm khuất
thư cũ mực phai mờ.
Lối hoa đầy khói sương,
phía hồ thu liễu dương,
còn đây bao đêm thức
người nhớ người một phương.
GÁC TRỌ XƯA.
Hoa xoan tàn rơi đầy sân hoang.
Niềm vui xa, còn đây bàng hoàng
Gác trọ cũ, mái tôn nghiêng đổ.
Nền gạch bông, cỏ dại rêu lan.
Đường thay tên ngang qua nhà em.
Ai môi son ung dung sau rèm.
Người lạ lẫm, u già khuất bóng.
Em về đâu, đời vắng xa thêm
Đâu nhà xưa, đâu ngày êm đềm.
Hoàng hôn buông phong lan trăng đêm.
Thời hoa mộng sân trường xóm học.
Như khuất vào nỗi nhớ dịu êm.
Rạch Chiếc,1966
PHƯỢNG VĨ
Hè về lại nhớ mái trường
Nhớ hoa phượng vĩ để hương cho đời.
Từ hành lang giọt nắng rơi
Nhớ bao bạn học một thời hồn nhiên
Trán thơ ngây, mắt dịu hiền
Những trang sách mở nghiêng nghiêng mái đầu.
Nhớ dòng phấn kể xưa sau
Chuyện cha ông, chuyện tình sâu nghĩa nồng.
Như trời cao như dòng sông
Nhớ người dựng nước Lạc Hồng lâu nay.
Một cánh chim, một ánh ngày
Trường xưa lớp cũ, bóng mây bồi hồi.
Mùa về quê Mẹ xa xôi.
Nhớ sao cây phượng cuối trời nở hoa.
Hà Tiên, 1971
CHIỀU GÁC TRỌ
Từ biệt trường xưa và dòng sông.
Một chiều gác trọ buồn mênh mông.
Áo xanh gói lại mùa học cũ.
Người đến người đi cũng như không.
Ánh lửa song thưa mưa âm thầm.
Ngây ngô ước vọng về xa xăm.
Như hoa xoan tím bên hàng xóm.
Lời chiều rụng xuống bờ trăm năm.
Bài toán nhất phương bao đêm thâu
còn nguyên ẩn số thuở ban đầu.
Những pho sách cổ thơm hương giấy
đâu biết buồn vui ở mai sau.
Sớm muộn gì rồi cũng chia phôi.
Ta đi mang theo một nụ cười,
Một hoa phượng ép trang lưu bút,
Niềm xót xa nhau trước phận người.
TỪ GIÃ THƯ SINH
Chia tay anh em, ta ra đi.
Đêm lặng ngoài xa, sương thầm thì.
Gác trọ ngổn ngang đời lưu lạc.
Nhầu nát thơ văn, sách mùa thi.
Bài toán nước non bao phương trình.
Tay không, đời bạc áo thư sinh.
Phương chiều, đồ thị, ngàn thông số.
Đêm tối tìm đâu trục tung hoành .
Hành trang mang theo có bao nhiêu.
Đoá hoa phượng đỏ của tình yêu.
Đôi dòng lưu bút xanh bè bạn.
Dáng Mẹ già nua dưới mái chiều.
Phân ly, ta buồn chiều quê hương.
Sách vở mờ phai theo dặm đường.
Anh văn , toán học, thơ mới cũ,
Khép lại từng trang dưới mái trường.
TỪ BIỆT
Phút giây tay rời tay
ta cúi đầu từ biệt
với bao niềm luyến tiếc
dưới mái trường quê hương.
Trả về người phố phường
nắng vàng vương mái tóc
trên đường chiều tan học
những ước mơ ban đầu.
Thôi bây giờ còn đâu
sương mềm trên mái phố
cùng bên nhau lo sợ
cuộc buồn vui sau này.
Thôi một lần qua đây
để một đời nhớ mãi
biết khi nào trở lại
tháng ngày miệt mài trôi.
Mai này ta đi rồi
giao trả người cõi đó
một phương trời tuổi nhỏ
những dại khờ nên thơ.
tranh của Đạng Can
nguồn internet
ĐI DẠY
Ra trường đi dạy trong lặng thinh.
Giã từ đèn sách thời thư sinh.
Xuôi về Miền Tây nhận nhiệm sở.
Xa quê, tự lắng tiếng lòng mình.
Vào đời, tôi nguyện cùng cộng đồng
học hành tu tập đạo cha ông
Nhân bản Dân tộc và Khai phóng,
Từ nền văn hiến dòng Lạc Hồng
Ngẫm tôi như sậy trước gió sương.
Thân phận mỏng manh lắm đoạn trường.
Dăm con sâu dữ luôn rình rập.
Đôi đóa hoa xinh dịu dàng hương.
Thế thời lùi lại trong bóng đêm.
Nhìn ra ánh sáng soi ngoài thềm.
Dò dẫm tìm về chân thiện mỹ.
Tự dưỡng tâm an, trí tỉnh êm.
Sai Gòn,1969
TỰ NGHĨ
Rất yêu trẻ, tôi làm người dạy học
để được gần, được sống với tuổi thơ
vì điều ấy, suốt đời tự hỏi
đã yêu thơ yêu trẻ từ bao giờ.
Nhiều người sợ một nghề bạc bẽo
bởi người thầy như kẻ đưa đò
tôi lại sợ chính mình yếu kém
chẳng làm gì giúp ích em thơ.
Đã bao năm nhiều lần lên lớp dạy
vẫn thấy mình còn lắm vụng về
chưa nói được những điều muốn nói
nên trở về buồn lặng trong mê.
Cũng có lúc muốn đi tứ xứ
để học thêm nhiều ít ở cuộc đời
nhưng mắt trẻ cứ kéo tôi về lớp
tiếng học bài như sóng vỗ trong tôi
Tóc sớm bạc không do nghề đạm bạc
mà do ta chưa hiểu hết lời thơ
của ai đó từ ngàn năm trước
như vầng trăng lúc tỏ lúc mờ
Cứ như thế qua bao mùa học
tôi nghĩ mình đang tuổi đến trường
e ngại trước bao trang bài soạn
và lòng như có mối tơ vương.
ĐI DẠY ở HÁ TIÊN
Ra trường, tôi chuyển đến Hà Tiên.
Cuối trời đất nước biệt một miền.
Kiên Lương Rạch Giá, vùng oanh kích.
Lênh đênh kênh rạch một đêm thuyền.
Hai chiếc va li một cây đàn,
đôi ba quyển sách làm hành trang.
La Gi quê mẹ xa ngàn dặm.
Châu thổ sông dài trời mênh mang.
Đất nước chiến tranh lắm đoạn trường .
Tôi vì cơm áo lại tha phương .
Những mong gửi gắm lòng thương nước
vào đàn em nhỏ của quê hương.
Cứ ngỡ tôi như cụ đồ già,
bụi đường mưa gió tóc sương pha,
bút nghiên khăn gói dăm ba chữ,
về ngồi dạy trẻ miệt vườn xa.
Hà Tiên,1969
ĐẾN TRUNG HỌC HÀ TIÊN.
Con đường Tô Châu rợp bóng dương,
bờ dậu cây xanh lẫn quỳnh hương,
đàn chim se sẻ trên mái ngói,
như đưa tôi đến một sân trường
Cổng vào dưới tán cây phượng già.
Cuối hạ còn vương đôi đóa hoa,
đong đưa cuối nhành lá non biếc.
Làm nhớ trường xưa nơi quê nhà.
Quanh sân huệ trắng từng khóm dài,
như lặng yên nghe tiếng giảng bài
tiếng rơi bụi phấn bên bảng viết.
lời văn âm lạc ra hiên ngoài.
Thư sinh áo trắng chăm học hành
Nghiêng trên sách vở mái đầu xanh.
Ghi nhớ bao điều được giảng dạy.
Lặng tĩnh trầm tư về mộng lành.
Trung học Hà Tiên, tôi đến đây,
trong tình thân thiện của cô thầy,
với dòng văn chương Chiêu Anh Các
Hà Tiên Thập Cảnh thơ mộng này.
VỀ LA GI DẠY HỌC
Xa Mẹ từ nhỏ, sống tha phương.
Đi học đi dạy tại nhiều trường.
Từ giã Hà Tiên về quê cũ.
Thầm lặng buồn vui ngày hồi hương.
Bao mùa lưu lạc sầu lê thê,
ước momg Đất Tổ được quay về,
dù ở làng chài hay xóm ruộng,
dù phải đối diện với não nề.
Ngày tôi thuyên chuyển về La Gi
Dạy Trường Công lập tỉnh Bình Tuy,
Trường tư Vinh Tân, Trường Quảng Đức.
Gặp lại bao người từng chia ly.
Đất xưa hội ngộ nhóm Tứ La,
thân hữu chăn trâu thời tuổi hoa,
cùng nhau tìm hiểu về nguồn cội
Huyền thoại Dinh Ông với Đảo Bà.
Về bên ba má bên mẹ già,
thân bằng quyến thuộc nơi quê nhà,
cùng gia đình nhỏ sống êm ấm,
Giấc mơ thơ dại như nở hoa.
La Gi, 1973
VỀ TRUNG HỌC BÌNH TUY
Bao mùa lưu lạc chia ly,
tôi về Trung học Bình Tuy quê nhà.
Hàng dương liễu biếc thước tha.
Đôi nhành phượng vĩ đỏ hoa học đường
Ngỡ như hương cũ còn vương.
Trường làng mái ngói, nền tường đá xanh.
Nhớ xưa mơ được học hành.
Nay cùng đồng nghiệp đồng hành đồng song.
Tha phương khốn khó long đong,
hồi hương sống lại thuở hồng hoa niên.
Thư sinh áo trắng hồn nhiên
giúp tôi ôn chuyện bút nghiên một thời.
Bao trang vở chép mộng đời
Đôi dòng phấn trắng kể lời tổ tông.
Với nền giáo dục Cộng đồng,
Nhân bản Dân tộc Lạc Hồng nghìn năm.
Bình Tuy trung học lặng thầm
đã từng gieo hạt ươm mầm trong tôi.
Bình Tuy, 1972
MỘNG ƯỚC
Nghe Mẹ nói lúa đồng đang chín
mà sao con nghĩ lúa non xanh.
Mẹ đang sống những ngày thư thả.
Con vẫn mong đất nước yên lành.
Mẹ và cháu trong chiều yên ả .
Lời ca dao như xoá niềm đau.
Con đến lớp với lòng rộn rã
cùng đàn em gieo hạt mùa sau.
Vầng trán em trang đời đang mở.
Chim én về đất nước vào xuân.
Đường phấn kể những mùa lịch sử.
Ta như quên gian khó nhọc nhằn.
Ở đâu đó cõi bờ mộng ước,
Con đường vui thơm những mùa hoa.
Đàn em nhỏ nô đùa phố mới
Và sân trường bay bổng lời ca.
BUỔI SÁNG ĐẾN LỚP
Đi bên em trên đường đến lớp
Áo trắng lay trong gió đầu ngày
Làm nhớ lắm về thời cắp sách
Cuối phố chờ nhau buổi học dài
Ánh nắng nhuộm vàng trên mái tóc
Ngỡ như lòng lắng một hương hoa
Hương của tóc qua môi dịu ngọt
Của lá thư buồn vui xưa xa.
Cùng bên nhau sớm mai đến lớp
Mà nghĩ đời nhiều nỗi mong manh
Trang bài soạn gửi niềm mong ước
Dân được ấm no, trẻ được học hành.
Làm cô giáo giờ em gầy lắm
Tóc của anh cũng đã điểm sương
Đời mưa nắng có nhau bên cạnh
Đi mãi về sau một con đường.
Riêng tặng Kim Thoa
CÁT SỸ
TIẾNG
HOA RƠI
Bất chợt mùa về ngang thành phố.
Sân trường áo trắng hồn nhiên vui.
Riêng em áo cũ, màu hoa đỏ,
vẫn mắt nai hiền thoáng xa xôi.
Vẫn tóc thơm quen, hương dịu cúc.
Kỷ niệm mùa đi chìm theo lời.
Bàn tay thon nhỏ, trong tay phấn,
chạm xuống hồn ta tiếng hoa rơi.
Lối trúc hiên rêu nhẹ gót hài.
Dấu mùa sắc cỏ bóng chiều phai.
Tưởng đâu người cũ vời xa mãi.
Giờ lại cùng nhau nối gót Thầy.
Tặng quí sinh viên sư phạm
Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, 1965
BÊN
THỀM ĐẠI HỌC
Một thoáng nắng bên thềm đại học
cũng đủ vàng mái tóc em
một buổi sáng xanh trong mắt biếc
đủ ru ta đôi phút êm đềm.
Chừng như có điều gì e ấp
sách cầm tay mà lòng ở đâu xa
như thời gian hẹn chờ lâu lắm
tà áo mân mê tay nhỏ thật thà
Trời yên gió sân trường thật vắng
và lòng ta yên tĩnh bên em
như rất đủ trong chiều suy nghĩ
em và ta đâu cần nói gì thêm.
riêng tặng Kim Thoa
Đại học Van Khoa Sài Gòn, 1969
VÀNG BƯỚM
Đường đời xuôi ngược đã qua.
Bến xuân sông vắng cỏ hoa dại đầy.
Ánh trăng nghiêng lạnh hàng cây.
Gió mùa bấc thổi buồn lay lắt thuyền.
Bao ngày sách vở bút nghiên.
Bao mùa phượng vĩ rơi nghiêng khung trời.
Sân hoa sứ rụng không lời.
Hoàng hôn sương phố ru đời vào mơ.
Từng trang lưu bút ngây thơ
Ghi mùa vàng bướm bên bờ đường quê.
Trường xưa lớp cũ đi về.
Nay, im tiếng trống tiếng ve cung đàn.
Thầy cô cách mấy quan san.
Bạn bè xa vắng bàng hoàng nhớ mong.
Mái trường bụi phả sương phong.
Con đường phượng cũ tịnh không tiếng cười.
La Gi,1975
THĂM GÁCTRỌ CŨ
Thăm lại vườn xưa khu Thảo Điền
Gác cây nền đá chiều tịnh yên..
Huệ đỏ đôi hàng viền lối sỏi
Một miền ký ức thuở hoa niên.
Sân gạch thềm hoa xanh.rêu phong
Thiên lý tàn khô hương phiêu bồng.
Cội mai lặng lẽ bên khóm trúc.
Bàn thiên nhang khói hồn tĩnh không.
Mái tôn vách ván nơi góc vườn.
Từ biệt ra đi bao mùa sương.
Nhà cũ lạ người, em xa vắng.
Bên hoa còn lại nỗi đau buồn..
Tưởng ngày khói lửa sẽ qua đi.
Đất trọ phố nghèo nơi kinh kỳ
Ta về nhóm lửa đêm hoa mộng.
Ngờ đâu thăm thẳm đường biệt ly.
Thảo Điền,1976.
SÂN TRƯỜNG MÙA HẠ
Người về xóm học đã thưa.
Những trang vở khép vào xưa cũ dần.
Hàng dương liễu đứng bâng khuâng.
Tiễn mùa sang hạ, mưa ngần ngại bay
Bước chân gõ guốc phố này,
Áo em trắng những tháng ngày thư sinh.
Sân trường giờ lại vắng thinh.
Thềm ngoài lớp học, rêu in sắc chiều.
Thuyền xa, bờ chợt cô liêu,
Đàn chim bay khuất, quanh hiu núi đồi.
Nghỉ hè, em lại xa xôi,
Mình ta giữa cõi muôn lời cổ thi.
Lá thu xanh gọi mùa đi,
Ngoài ô cửa lớp mùa thi qua rồi.
Đường về xóm học chia đôi.
Vắng em bụi phủ chỗ ngồi lặng yên.
Những chiều ru gió sau hiên,
Tưởng em ngồi học một miền quê xa.
Mong ngày hạ trắng mau qua,
Em về bước nhỏ lối hoa mộng này.
Trường Nguễn Huệ,,Lagi 2003
TRƯỜNG LỚP ĐÃ QUA..
Giã từ lớp cũ trường xưa.
Giã từ đất mẹ nắng mưa bao ngày.
Giã từ đường phượng hoa bay.
Hương nhu thơm thảo tóc mây một thời.
Tản cư lớp học lên đồi,
trong rừng Sao Cháy, bên trời núi non.
I tờ chữ viết bé con,
đưa tôi lần bước dặm mòn bút nghiên.
Năm tư, rời khỏi bưng biền.
Lớp qua Láng Đá rừng thiêng Dinh Thầy.
Lớp theo trâu cặp trâu bày.
Học hành giữa chốn cỏ cây ruộng đồng.
Lên thành, học lớp trường công.
Tú tài đại học hơn vòng thập niên.
Ra trường Sư phạm, chuyển miền
dạy Văn trung học Hà Tiên, miệt vườn.
Sau thời phiêu bạt tha phương,
hồi hương dạy học nơi trường Bình Tuy.
Vinh Tân Quảng Đức La Gi
giúp tôi tịnh dưỡng đạo nghì cha ông.
Rồi khi thống nhất non sông.
Cấp 3 Trung học Phổ thông thay dòng.
Từ trường Nguyễn Huệ Bán công,
về hưu tôi lại buồn lòng xa quê.
Thủ Đức, 2004
PHƯỢNG THẮM
Một đóa quì hương từ tay người.
Tiễn đưa sao chẳng mang nụ cười.
Dù xa cách biệt ngôi trường cũ.
Phương vĩ trong tôi vẫn thắm tươi.
BẾN ĐÒ VẮN
Không ánh lửa chài trên sông.
Không cây đa bến cũ.
Tiếng gọi đò xưa lẫn khuất mênh mông.
Khách qua đò đâu còn ai trở lại.
Một dòng xanh cùng mây trắng tự trôi.
Những cánh bèo lang mang xa khơi.
Bến đò Sáu Say, 1976
CÁT SỸ
tranh J. Atkinson Grimshaw
nguồn internet
VỀ HƯU
Dù ta chưa đến độ chống gậy lê
nương bóng mây qua bờ trúc cỗi
nhưng đến kỳ
nhường lối hoa cho người trẻ tuổi.
Về đọc bài thơ Nôm dưới mái hiên
thương một thời Côn Sơn của Nguyễn Trãi
bao mùa Lệ Chi Viên
trăng ngàn đời soi lên mấy cõi
Nơi vườn cũ già thêm cội mai
không một bóng thông không một dòng suối
đêm tịnh vắng không trôi
hương nguyệt quế nhẹ qua lối sỏi.
La Gi, 2003
LỐI BÍCH CÂU
Người qua cầu mùa thu.
Lá rơi đầu nguồn bíếc.
Mấy độ tà dương biệt
Lều cây muôn năm trước
Xuân nữa quay bước về
Hoa cỏ đầy bến mê.
Lời quên trong hạt bụi.
Thức giấc dưới ánh chiều
Lối trúc vào quạnh hiu.
ĐƯỜNG VỀ
Xa dần phố chợ đông vui
thôn yên đất cũ ta lui chân về
dấu ngày xác một cánh ve
dấu xưa cõi mộng một khe suối nguồn
Hoa bằng lăng tím trong sương
cỏ lau trắng mấy dặm đường non xa
có hàn sỹ nhặt chiều tà
khuất trong núi vắng lời ca thu vàng.
VỀ VƯỜN
Ba mươi năm lẻ làm giáo viên
về vườn xa lớp vắng bạn hiền
dăm pho sách cổ vài chậu kiểng
mai mọc tường đông trúc bên hiên
Huyết áp tuột hoài ngại áo len
lạnh người nhìn lại lối bon chen
lặng yên dưới mái nhà mẹ cũ
xa khuất thầy xưa bao mùa sen.
Tôi có riêng tôi một góc đời
không ai nhìn ngắm sắc hoa rơi
nhà thôn thanh vắng chim rừng đến
ngày tháng theo mùa tự nhiên trôi.
Tiếng sóng biển xa ru bãi bờ
thôn dâu trăng cũ đọng trang thơ
tôi tạc xuân thu vào hồn đá
tìm trong gốc rễ dấu ban sơ.
NƠI THÔN DÂU
Tôi đã về hưu đâu bao năm
trường cũ kề bên ngỡ xa xăm
lá hoa phương vĩ mùa học trước
như thể rơi đầy cõi trăm năm
Bao ngày mưa nắng cùng bão giông
ta đến ta về bàn tay không
bảng đen phấn trắng hồn yêu trẻ
một tắc lòng quê giữa đục trong
Ai đã ra đi chẳng trở về
buồn vui như gió liễu ven đê
hoàng hoa theo tiếng thời gian vỡ
cát bụi phủ dần lên bến mê
Về với cội mai khóm trúc thưa
giàu có đời cho hương không mùa
nắng mưa sương gió kho vô tận
của cả hôm nay lẫn ngàn xưa.
NƠI PHỐ PHỦ
Khi về phố phủ hỏi thăm nhau.
Bạn học ngày xưa về nơi nào.
Hàng cây bàng nhỏ nay già khú.
Thân rễ xù xì bên bến dâu.
NƠI VƯỜN CŨ
Tôi còn khóm trúc bên tường.
Thoáng rêu xanh phủ và sương đêm mờ.
Trăng rừng trong nửa vần thơ.
Nửa kia để nhớ bến bờ đã qua.
NGHỈ HƯU
Như hoa nở lụn chuyện muôn phương,
Kẻ sỹ về hưu biệt mái trường.
Ngõ trước đôi khi rêu dại phủ,
Vườn sau lắm lúc cỏ hoang vương
Mai gầy ủ lộc chờ mưa nắng,
Trúc thẳng lên măng đón gió sương.
Phố cũ hè xưa đầy cát bụi
Buồn vui một thuở cõi vô thường.
Tân An,7/2003
XUÂN HƯU TRÍ
Đinh Hợi mừng xuân chỉ bấy nhiêu.
Lương hưu gói ghém thà hồ tiêu.
Trà sen khách vắng không lo thiếu,
Bánh tét nhà đông chẳng sợ thiu.
Trúc biếc năm qua luôn tiết thẳng,
Mai vàng tháng nhuận vẫn hoa nhiều.
Đời ta hữu hạn trong vô hạn,
Biết đủ dường như đủ mọi điều
Lagi, xuân Đimh Hợi
ĐƯỜNG TRĂNG
Mây ngang đỉnh núi chờ trăng muộn.
Ai về mòn mỏi nhớ ai xa.
Trăng không tròn mãi trên ngàn biếc.
Lá vẫn rụng vàng hương khuất hoa.
Tháng năm dần mỏng người vội vã.
Một giọt sương nhòa bóng cỏ cây.
Bàn tay đâu lưu màu hương lửa.
Dấu hài lối ngõ gió mưa bay.
Cát bụi phũ mờ đường hoang cũ.
Từng chiều chậm xuống phía hiên hoa.
Không ai về giẫm bờ đất lạnh.
Trăng lẩn khói mù lấp non xa.
HÀN SỸ
Có hàn sỹ nhặt chiều tà
ẩn trong xóm vắng, đường hoa cúc vàng,
sau lưng bỏ dại bờ hoang.
Trường xưa xóm học xa ngàn.
Xuân thu mấy độ bàng hoàng giấc mơ.
Sương trời ủ dột lời thơ.
Tân An, 2003
DƯỚI MÁI RÊU
Ta về lợp lại mái rêu.
Hương hoa đất cũ ngoài lều gió mây.
Bụi tro lạnh phủ bao ngày.
Không còn làm thợ làm thầy.
Ta xin làm bộ, lấy ngày làm đêm,
làm thinh cho lặng lẽ thêm.
THUỶ MẶC
Hay lắm cho ta làm ẩn sỹ
về làng mài mực đầy nghiên trăng
nơi nào bay bổng tiếng tiêu trúc
gối đầu sách cổ mơ sông Hằng
Ta vẽ đời nhau thành thuỷ mặc
ẩn hiện trong chiều suối tóc em
thuyền ta khuất dưới bờ lau trăng
cho nỗi niềm riêng hư ảo thêm
tranh của Thomas Kinkade
nguồn internet
ĐI KÈM TRẺ
1.
Thời thơ ấu, bị buộc đi “kèm chữ.”
Bạn chăn trâu cùng học lớp ven sông.
“Thầy” bé nhỏ hơn những người đi học
mới vừa qua tiểu học bậc vỡ lòng.
Người biết một kèm người chưa biết một.
Bài học đầu ngượng nghịu giọng ê a
Cả lũ khoái cười lăn ra bãi cỏ.
Tôi giật mình xấu hổ bỏ đi xa.
2.
Hơn mười năm, xa quê tìm thầy học.
Con nhà nghèo ở trọ xóm kênh đen.
Ngày đến lớp, tối chiều đi “kèm trẻ”.
Viên phấn cầm trước bảng viết chưa quen.
Học đệ tứ cả gan kèm đệ lục.
Soạn kỹ bài từng buổi làm gia sư.
Cô bé hiền quên mất mình xinh đẹp,
Ngưởng mộ thầy chăm chỉ học vô tư.
3.
Và như thế, mấy năm trời đại học,
sinh viên nghèo dạy thêm các trường tư,
vào Sư Phạm tu luyện nghề đi dạy,
vì biết mình chưa thoát “phận gia sư ”.
Cô bé hiền ngày xưa, không còn bé,
đến mời thầy kèm cháu tại tư gia.
Các cháu nhỏ say mê học ngoại ngữ.
Tôi tưởng tôi như một “ông đồ già”.
4.
Thời trai trẻ, vì nghèo, đi kèm trẻ.
Hơn nửa đời nhìn lại nẻo đời qua.
Học càng nhiều càng thấy mình còn dốt
Viên cuội tròn lăn mãi trước bao la.
Người học cũ giờ đây về trăm ngã.
Người khốn cùng, kẻ phú quí vinh hoa.
Cuộc đời rộng. ai cũng thầy tôi được.
Xin lui về “kèm trẻ” chính đời ta.
NGÂY NGÔ
Đôi khi ta muốn tìm một đệ tử.
Theo kiểu cụ đồ xưa .
Để truyền dăm ba chữ
Dạy một thế võ
Dặn đôi điều nắng mưa.
.
Nhưng nhịp đời không cùng nhịp trái tim .
Một đô la có lằm người xu phụ.
Ta về gõ cửa đền đài mơ ước
Tự biết mình ngây ngô.
La Gi,1976
TRĂNG TRÊN GIÁO ÁN
1.
Một mảnh trăng treo ngoài song cửa.
Yên ả không gian ngát hương đêm.
Trăng thanh bình tỏa trang giáo án.
Trăng với thơ xưa gợi nỗi niềm.
2.
Có phải ánh trăng ngoài ngục tối.
Len qua khe cửa ngấm nhà thơ.
Hồn thơ như gởi theo trăng sáng.
Lan tỏa muôn phương trời tự do.
Có phải ánh trăng trên sóng nước.
Sáng một dòng xuân một trời xuân.
Nhà thơ vẫn thức bàn việc nước.
Nghĩ đến muôn dân giữa thuyền trăng.
Có phải ánh trăng trên đồi núi
đã vào cửa sổ để đòi thơ ?
Nhà thơ khuya ấy đâu hờ hững.
Nhưng chuyện non sông đang đợi chờ.
Có phải ánh trăng đêm rừng vắng
lắng tiếng suối trong, bóng lồng hoa ?
Nhà thơ chưa ngủ đêm khuya khoắc
vì nỗi lo chung, nỗi nước nhà.
Biết bao đêm nữa người không ngủ.
Suốt những canh thâu đợi ánh ngày.
Năm châu bốn biển, đầu điểm bạc
vì nước thương dân, lo ngày mai.
3.
Trăng xưa hạc cũ vẫn còn đây.
Đất nước yên vui với xuân này.
Đêm nay lòng tưởng Người thanh thản
viết tiếp trang thơ ánh trăng đầy.
Trường Dục Thanh, 1975
HẠ TÀN
tặng Võ Ngọc Sơn
Phố ngoài, đường phượng chia đôi.
Sân rêu lớp cũ để rơi giọt chiều.
Những trang sách đã cô liêu.
Chợt nghe trong trúc hiu hiu hạ tàn.
Chưa qua, chiều đã trăng vàng
Sương giăng mờ những dặm ngàn thôn xa.
Thời gian đi qua đi qua.
Rụng rơi từng cánh phượng và tuổi xuân.
HẠ CUỐI
tặng Giáo Hiêu
Khi ngày hạ đã cuối mùa.
Đường về xóm học chợt thưa bóng người.
Ánh đèn trọ tắt đêm vui.
Mấy khung cửa khép, tiếng cười lặng yên.
Hoa tàn hoa nở một miền.
Ai quên ai nhớ bao phiền muộn kia.
Bờ vui bến lạ đã chia.
Người về xa khuất, người khuya khoắt buồn
La Gi, 1975
CÁT SỸ
tranh của Chen Du
nguồn internet
TRANG SÁCH
MÙA TRƯỚC
Sách thơm mùa trước bụi vàng khô
nét chữ trang thư mực đã mờ
cánh hoa phượng ép ngày tháng cũ
lời người heo hút nỗi buồn thu.
Nước triều lên xuống mãi chân đê
mà tuổi đời qua chẳng thấy về
cây đường trút lá chờ thu tới
ai còn chờ ai trong đêm mê,
Trăng tự ngàn đời rụng bên non
hoa nở rồi phai những lối mòn
ta ủ hương xưa vào bóng chữ
màu chiều chợt điểm nét vàng son.
TRANG CHỮ
NGÀY CHĂN TRÂU
Mục đồng đâu phải học trò.
Que than viết chữ trên mo cau rừng.
Chăn trâu thả láng thả bưng.
Ghi lời tiền bối, khắc từng câu thơ.
TRANG MO CAU
Đôi dòng trên tấm mo cau.
Mục đồng khờ khạo ghi bao nỗi niềm.
Từng mùa lưu dấu hoa sim.
Bóng lau bên suối, cánh chim lưng trời.
TRANG SÁCH CŨ
Những trang sách ám bụi dày.
Bìa con mọt nhấm mất ngày thư sinh.
Đôi dòng chữ vẫn lặng thinh.
Trong hồn người cũ bao nghìn thu qua.
TRANG VỞ CŨ
Một trang vở thuở đầu đời,
Nằm yên dưới lớp bụi thời gian qua.
Bổng dưng một buổi chiều tà.
Hồn văn bóng chữ gọi xa lắc về.
tranh của Carl Wilehm
nguồn internet
TỰ THUẬT
Trọn một đời tôi dưới mái trường,
Bao mùa phượng thắm để tơ vương.
Thư sinh áo vải buồn xa Mẹ,
Giáo chức trường làng sống với lương.
Sách cổ dăm pho nghiền ngẫm ý,
Lan rừng mấy chậu tự nhiên hương.
Nhà xưa xóm cũ về nương náu.
Một tấc lòng quê trước gió sương.
TỰ TRÀO
[bài 1]
Lỡ thầy lỡ thợ hay lần khân,
Lúc tỉnh khi say đâu một lần.
Dạy học quanh mùa không đủ chữ,
Phụ hồ đôi lúc chẳng nên thân.
Buồn tình tạc tượng chơi, vài bức,
Hứng chí làm thơ thử, mấy vần.
Ít bạn nhiều hoa giàu gió cát
Đi về quanh quẩn một vuông sân.
TỰ TRÀO
[bài 2]
Khổ cực chân quê xấu lạ thường.
Nửa đời bầm dập sống tha phương.
Chăn trâu ở mướn thời thơ ấu,
Dạy học làm thuê buổi thị trường.
Chẳng biết cúi luồn, nhiều kẻ ghét,
Không quen nịnh bợ, ít người thương,
May sao cũng có con và vợ,
Đỡ tủi thân nghèo, bớt gió sương.
TỰ BẠCH
Khách lạ ngờ ta sống khác thường,
Về hưu lẳng lặng giữa quê hương.
Đôi lần khẩn thiết ra ngoài phố,
Suốt tháng an nhiên ở góc vườn.
Tạc tượng ghi sâu tình cố quận,
Trồng hoa ôn lại thú văn chương.
Thăng trầm cơm áo đầu mau bạc,
Chẳng bạc lòng son, chẳng khác thường.
Tân An, 2003
TỰ CẢM
Cây cỏ theo mùa tự nở tàn,
Hương trời mấy cõi vẫn mênh mang.
Người đi núp bóng nơi quyền thế,
Kẻ đến tìm vui chốn mộng vàng.
Chân tín giữa đời nuôi trí sáng,
Nghĩa nhân muôn thuở dưỡng tâm nhàn.
Dù cho trái đất đầy dông bão,
Gia đạo ngàn xưa chẳng xoá tan.
THU VỀ
NHỚ NGUYỄN KHUYẾN
Một chúm vàng tơ giữa lá cành.
Mưa ngâu tiểu cúc chợt thêm xanh.
Nhớ xưa Nguyễn Khuyến về Yên Đổ.
Treo ấn Tam Nguyên biệt thị thành.
Lánh đục về trong bên trúc biếc.
Chia cay xẻ đắng với dân lành.
Nụ hoa bé nhỏ mùa thu ấy.
Giữ mãi hương mưa đượm khiết thanh.
NHỚ BẠN
Bên tách cà-phê ngồi một mình.
Vườn mai đợi nắng ấm bình minh.
Nghe chim khách hót trên cành trúc.
Nhớ tiếng cười vui thuở học sinh.
Gác trọ chiều mưa câu chuyện phím.
Đường hoa áo trắng mối tâm tình.
Ta nay tóc bạc còn lưu lạc,
Bạn khuất thầy xa núi lặng thinh.
tranh của Đỗ Duy Tuấn
nguồn internet
TRANG TỰ SỰ
Từ biệt mái xưa buổi thiếu thời.
Dưới hoa mấy nẻo đất và người.
Sau mùa bấc biển, dấu xưa khuất,
Trước lửa đầu non, sắc phượng rơi.
Khoảng lặng của hoa, mùa thạch thảo.
Lời chiều dưới tượng, tạ ơn đời.
Rong chơi cát bụi cùng đời sậy.
Mộng lửa đêm mưa ở cuối trời.
[ từ in nghiêng là tên tập thơ của Đoàn Thuận]
tranh của Đặng Can
nguồn internet
ĐOÀN THUẬN
một gia sư
Sau ngày đình chiến, trai trẻ
nơi làng quê đa số thất học. Dân làng, người góp của kẻ góp công, lập ra
những lớp học “bỏ túi” đến tận những xóm nghèo xa xôi hẻo lánh giúp
trẻ em có diều kiện học tập. Tại làng Tân Lý, các cụ già nhờ những
người biết chữ như ông kèm chữ cho những người nghèo khổ mù chữ.
Thời thơ ấu, bị buộc đi kèm chữ.
Bạn chăn trâu cùng học lớp ven sông
“Thầy” bé nhỏ hơn những người đi học
Mới vừa qua tiểu học, bậc vỡ lòng.
Ông đã chập chửng bước vào con đường “kèm trẻ”
từ buổi dại khờ và tự nhận ra mình còn kém cỏi, cấn phải học tập nhiều
điều, dù ông rất mong muốn giúp những người bạn nghèo cùng lứa tuổi
“biết chữ”. Do vậy, ông rời quê lên phố tìm việc làm để tiếp tục con
đường học vấn. Nhiều dịp may đã giúp ông quay về công việc “kèm chữ “ bỏ dở nơi quê nhà, thực hiện mong ước của một thời bé con.
Hơn mười năm xa quê tìm thầy học
Con nhà nghèo trọ học xóm kênh đen.
Sáng đến lớp, tối chiều đi kèm trẻ
Viên phấn cầm trước bảng viết chưa quen.
Lúc đầu, một số nhà giàu thuê
ông kèm cặp những trẻ học năm đầu bậc tiểu học. Về sau, ông kèm cả toán
lý hóa cho học sinh ở lớp cao hơn .
Học đệ tứ cả gan kèm đệ lục
Soạn kỹ bài từng buổi làm gia sư
Cô bé hiền quên mất mình xinh đẹp
Ngưỡng mộ thầy chăm chỉ học vô tư.
Từ đó, ông được nhiều người biết đến như một “gia sư”
chuyên luyện thi tú tài, thi tuyển vào đại học và đôi khi dạy ngoại ngữ
cho học sinh chuẩn bị du học.
Năm 1964, Nha Tư thục cấp giấy
phép cho ông dạy tư và đã dạy tại nhiều tư thục ở Sài Gòn. Dù vậy, ông
vẫn duy trì một số buổi dạy miễn phí ở gia đình vì ân nghĩa, vì muốn
giúp đở hoc sinh nghèo, đặc biệt đối với một số người nghèo trốn quân
dịch muốn lấy tú tài.
Và như thế, mấy năm trời đại học,
sinh viên nghèo dạy thêm các trường tư
vào Sư Phạm tu luyện nghề đi dạy
vì biết mình chưa thoát phận gia sư.
Năm 1969, Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, chính thức vào ngạch “giáo sư trung học”, gần
như ông không còn là một gia sư đi kèm chữ kèm trẻ tại tư gia của
người đi học, nhưng lại giành khà nhiều thời gian “phụ đạo” miễn phí cho
học sinh nghèo, tại nhà riêng của ông. Đồng nghiệp và phụ huynh thân
quen gọi đùa ộng là “gia sư phụ” vì ông đầu tư khá nhiều công sức cho việc “dạy phụ ở nhà” ngoài việc “dạy chính” ở trường.
Năm 1975, sau khi học tập cải tạo, ông được trả quyền công dân, thuộc loại“giáo viên lưu dung”
về trường cũ hướng dẫn học sinh lao động và dạy Văn 2 lớp 10. Chương
trình giáo dục gần như xa lạ với ông, nặng về chính trị, nhẹ về khoa
học.”Dạy tốt học tốt” thay phương châm “tiên học lễ hậu học văn”. Cả
nước rập khuôn một “giáo án”gồm 5 bước lên lớp. Người dạy học không được
quyền“soạn bài” theo cách riêng, phải thực hiện nghiêm mọi sự chỉ đạo của cấp trên.
Ông tự nhận thấy ông không đủ
khả năng và không phù hợp với mội trường giáo dục mới. Nhiều lần ông xin
ra khỏi ngành nhưng không được chấp nhận. Ông cũng không muốn bỏ ngang
và ở lại vì tấm lòng yêu trẻ.
Cũng có lúc muốn đi tứ xứ
để học thêm nhiều ít ở cuộc đời
nhưng mắt trẻ cứ kéo tôi về lớp
tiếng học bài như sóng vỗ trong tôi.
Trong nhiều năm, ban ngày ông
đến trường làm việc, đêm về làm thợ hồ, đúc bia mộ, nối nghiệp của Ba
ông. Đây là nguồn sống chinh của gia đình trong thời bao cấp. Ông như
một người thợ hơn là một người thầy.
Tranh thủ sống nhờ bàn tay thợ
Đúc bia mộ, phụ hồ, gia công hàng mỹ nghệ
Trồng hoa cây kiểng, thêm ít rau màu
Buồn vui có nhau nương náu bên đời
Lên lớp dạy như đi lao đông,
dù viết chữ trên bảng đen hay nói một điều gì phải đúng với “mục đích
yêu cầu” ghi trong giáo án. Ông như một người tập sư vụng về dù đã đứng
trên bục giảng nhiều năm.
Đã bao năm nhiều lần lên lớp dạy
vẫn thấy mình còn lắm vụng về
chưa nói được những điều muốn nói
nên trở về buồn lặng trong mê.
Trong khi, những trai làng nghèo
khổ bỏ dở viêc học, bao trẻ em lam lũ theo gia đình đi kinh tế mới bỏ
nhà bỏ đất, đâu được đến trường. Ông rất muốn trở lại công việc kèm trẻ
trước kia nhưng không được phép và ông“chẳng làm gì giúp ích em thơ”.
Nhưng rồi một cán bộ cấp cao ở tỉnh, biết ông từng làm gia sư, đã
nhờ ông luyện thi vào đại học cho hai đứa cháu ở La Gi. Nhân vệc này,
ông mở những buổi “phụ đạo miễn phí” cho học sinh nghèo tại nhà riêng
của ông ở Tân An. Dù bị cấm “dạy thêm” nhưng “gia sư ” vẫn tồn tại đến ngày về hưu nhờ dạy miễn phí và nhờ sự hổ trợ của vị cán bộ nói trên.
Quảng đời gia sư của ông khá
dài, gần như suốt cuộc đời ông, từ khi ”kèm chữ” nơi lớp học ven sông ở
làng Tân Lý đến lúc đóng cửa lớp phụ đạo miễn phí trong nhà riêng ở
phường Tân An, vào những ngày cuối đời. Quảng đời ấy trải qua bao thăng
trầm. Nhiều lúc ông buộc phải từ bỏ nó , nhưng cũng nhiều dịp may bất
ngờ khiến ông quay lại con đường cũ. Đời gia sư như một số phân đối với
ông. Dù sao nó đã giúp ông thực hiện được ước mơ thời thơ ấu: “Tiếp tục
con đường học vấn và giúp bạn nghèo đi học”.
Con đường ấy đã bị phân rã thành hai cảnh đời khác nhau trước và sau 1975.
Trước 1975, người học tự mình gắng
sức học hành để thành người tài đức giúp ich cho xã hội. Người học không
chỉ học chữ mà còn phải học nghĩa, phải “học lễ” trước “học văn”. Người
dạy chỉ gợi mở, hướng dẫn phương pháp để người học tiếp cận với kiến
thức của loài người. Vì vậy, với tư cách một gia sư, ông luôn tham khảo
nhiều tài liệu, soạn bài kỹ cho phù hợp với yêu cầu, với trình độ, vói
hoàn cảnh của người học.
Sau 1975, mọi việc đều được chỉ
đạo, có sẵn khuôn mẫu, ngưới dạy người học răm rấp theo khuôn là đạt yêu
cầu. Học sinh được xếp theo nhiều loại ưu tiên lý lịch. Học sinh ưu
tiên 1 chỉ cần vài điểm có thể vào đại học, trong khi đó học sinh loại
bét phải cần trên 20 điểm. Trong bối cảnh ấy, ông từ môt “giáo sư trung
học” trở thành một “giáo viên lưu dung” có thể chép giáo án của “giáo
viên chi viện” để lên lớp. Ông như người giúp việc cho lãnh đạo giáo
dục.
Sau giải phóng, tôi như một phu chữ
Bỡi tìm đâu ẩn số một tâm hồn
Khi chữ nghĩa đảo điên đời trong đục
Thú và Người lẫn lộn điều dại khôn.
Ngày về hưu, ông như cụ đồ già lẩm cẩm.
Đôi khi ta muốn tìm một đệ tử
Theo kiểu cụ đồ xưa
Để truyền dăm ba chữ
Dạy một thế võ
Dặn đôi điều nắng mưa.
Nhưng nhịp đời không cùng nhịp trái tim
Một đô la có lằm người xu phụ.
Ta về gõ cửa đền đài mơ ước
Tự biết mình ngu ngơ.
Vì thực tế, ngoài chợ đời “đồng
tiền ngự trị trên mọi lương tâm”. Học đường như thương trường, nơi “trò
phản thầy vì bằng cấp bán mua”. Đường đời đầy giông tố xô giạt người
lương thiện vào góc khuất.
Người học cũ giờ đây về trăm ngã
Người khốn cùng, kẻ phú quí vinh hoa
Cuộc đời rộng. ai cũng thầy ta được
Xin lui về kèm trẻ chính đời ta.
Gia sư Đoàn Thuận lui về mái xưa, “kèm trẻ” chính mình để giữ Đạo Nghì ngàn năm của tổ tiên.
Thảo Điền, 2014.
TRẦN CÁT TƯỜNG.
Đôi điều về tập thơ
SẮC PHƯỢNG
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 5 Ngày Thơ Việt Nam (Xuân Nguyên Tiêu Đinh
Hợi), tôi có đôi điều cảm nhận bước đầu về tập thơ Sắc Phượng của Đoàn
Thuận.
Tôi và anh Thuận là bạn rất thân từ nhỏ,thời còn thư sinh, cũng là lúc
tập làm thơ qua trang vở học trò, thường trao đổi học hỏi lẫn nhau cho
đến hôm nay. Tôi rất mến anh với tác phong giản dị từ tốn.
Trong cả cuộc đời làm thầy giáo, anh có những trang viết ghi lại một
thời đã qua dưới mái trường, Nay, anh về vui thú điền viên với vườn hồng
và tạc tượng, anh tự hỏi: Đất mới bao người vui. .
Trường xưa còn ai nhớ ?
Anh là thầy giáo Trần Văn Thuận, một nhà mô phạm, một đời gắn bó với
mái trường, với ngành giáo dục, nên “Sắc phượng” cũng là tập thơ duy
nhất trong nước đến nay viết về giáo dục, về một người đã trải qua thời
thư sinh áo trắng, thời đứng trên bục giảng.
Thời áo trắng: Chúng ta dường như ai cũng có lần cắp sách đến trường, đã từng đi về trên lối mơ hoa:
Tóc xanh áo vải vui đèn sách .
Một thuở đầu đời xa.
Thuở đầu đời ấy vẫn còn nguyên trong ký ức của Đoàn Thuận như một thời hoa mộng:
Một sân trường nhỏ
Đổ bóng hồn ta.
Người đi xa mãi.
Mùa về rơi hoa.
Biết bao kỷ niệm hồn nhiên dưới mái trường xưa, trong xóm học cũ.
Ai về nơi chân mây
Bỏ quên miền thơ ngây
Vô tư bên đèn sách.
Những mùa hoa xoan bay.
và anh đã ghi vào “lưu bút ngày xanh”:
Đường thơm bao kỷ niệm
Lưu bút ghi hẹn chờ
La Gi, Hàm Tân, miến đất cực Nam Trung Bộ, địa phương tiêu thổ kháng
chiến là nơi anh trải qua thời thơ ấu. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong ký ức
của tác giả là mái trường nơi Bưng Biền, với những tên trường đi cùng
năm tháng tản cư như trường Thị Ngọt, Suối Dứa, Sao Cháy.
Đâu lớp học xưa thuở i tờ.
Bưng biền sâu khuất xóm tản cư.
Ngày nao dưới mái trường Sao Cháy.
Lời thầy thuở ấy như lời ru.
Sau ngày bình yên, anh về lại nơi rừng núi cũ tìm thăm, chỉ thấy:
Trên vết đạn bom rừng lên nhanh.
Dưới cỏ lau in bước lữ hành
Bà con xóm mạc bao thu trước
Bóng tạc vào hoa bên non xanh.
Mảng thơ “tạ ơn thầy cô” bày tỏ tấm lòng tôn sư trong đạo rất chân
thành. Đối với anh, thầy cô là cha mẹ hiền mà công ơn bao la như sông
núi biển cả. Tôi rất tâm đắc những bài “Thầy tôi”, “Cô tôi”…đã chuyển
tải cảm xúc sâu lắng bằng chính tâm hồn trong trẻo của người học trò nhỏ
và tấm lòng của một nhà giáo nối gót thầy cô.
Cảm xúc của Đoàn Thuận rất mạnh, dội vào tiềm thức, để hồn thơ thấm sâu: Lời thầy xưa nghe như trong mơ.
Bao mù êm đêm như lời thơ
Mái đầu tóc trắng trên trang viết
Trên những trang đời của em thơ.
Với anh,Thầy như Ngưới gieo hạt:
Con đến sau mùa hoa.
Ngát đòng hương nhớ Người Gieo Hạt
Núi tạc lời sông xa.
Cô là người mẹ hiền, như dòng suối mát:
Cô như người mẹ thời bé bỏng
Nuôi lớn hồn ta đến hôm nay
Thời đi dạy học: Qua tập thơ Sắc Phương, chúng ta bắt gặp những lời
tâm sự sâu sắc của một nhà giáo yêu trẻ, yêu nghề, tự rèn luyện phẩm
chất đạo đức của người thầy. Trường lớp và ánh mắt thơ ngây của học
sinh, mái đầu trên vở học, luôn luôn là cái bến neo giữ tâm hồn anh.
Vầng trán em trang đời đang mở
Chim én về đất nước vào xuân
Đường phấn kể những mùa lịch sử
Làm ta quên gian khó nhọc nhằn .
Khắc ghi hình ảnh người thầy xưa, Đoàn Thuận, nguời học trò cũ, lại nối tiếp sự nghiệp thiêng liêng cao đẹp ngày nào:
Lối trúc hiên rêu nhẹ gót hài
Dấu mùa sắc cỏ bóng chiều phai
Tưởng đâu người cũ xa vời mãi.
Giờ lại cùng nhau nối gót thầy.
và đó cũng là ước nguyện của anh:
Tôi trải nửa đời trên bục giảng
Gửi tấc lòng quê cho núi sông.
Cùng đàn em nhỏ vui cấy chữ
Mong những mùa sau nặng trĩu bông.
Tập thơ Sắc Phượng, xuất bản tháng 10 năm 2006, là một trong những đứa
con tinh thần của Đoàn Thuận ở khoảng đời dạy học và sáng tác của anh.
Tập sách ghi lại bước đi bền bỉ theo nghề dạy học và những cảm xúc gạn
lọc giữa cuộc sống thăng trầm.
Hàm Tân, 2007
CAO HOÀNG TRẦM.
.
SÔNG DINH
Cát Sỹ ký họa 1972
Đoàn Thuận
Tên thật là Trần văn Thuận, tự Cát Sỹ.
Sinh năm 1943 tại Lagi, Bình Thuận.
Giáo viên nghỉ hưu tại Thảo Điền,Tp. HCM
[Nguyên hiệu trưởng Trường PTTH Nguyễn Huệ, La Gi.
TRANG VIẾT
Đoàn Thuận
Lục bát:
+ Lời chiều.(lục bát tứ tuyệt) [nxb Trẻ, 1996]]
+ Lửa đầu non. (lục bát trường thiên) [nxb Trẻ, 1999]
+ Tạ ơn đời (lục bát tam cú) [nxb Văn học 2013
+ Đường Thi ( thơ dịch) [nxb Văn Học, 2012]
+ Thơ thiền Vương Duy (thơ dịch) [nxb Thời Đại,,2014]
+ Mây mưa (truyện thơ) [in vi tính]
Thơ Tự do::
+ Mùa bấc biển. [nxb Văn nghệ Tp.HCM,1994]
+ La Gi ngàn xanh [nxb Trẻ 2001]
+ Lửa đêm mưa. [nxb Trẻ, 1998]
+ Khoảng lặng của hoa. [ nxb Trẻ, 2001]
+ Tượng. [nxb Trẻ, 2002]
* Đời sậy [nxb Trẻ 2003]
+ Sắc phượng. [Hội VHNT Bình Thuận,2006 ]
+ Rong chơi cùng cát bụi. [nxb Văn Học, 2012]
+ Mái xưa [nxb Văn học,2013]
+ Dưới hoa [nxb Văn Học 2013]
+ Sài Gòn và tôi. [ in vi tính
+ Mùa trọ học [vi tính]
+ Búp sen (thơ thiếu nhi) [in vi tính]
Thơ Haiku:
+ Mùa thạch thảo [nxb Văn Học, 2013]
+ Giọt mùa (thư pháp) [ in vi tính]
Thơ Đường Luật:
+ Dấu xưa [in vi tính]
Thơ Trào phúng:
+ Đất và Người [nxb Thanh Niên, 2013]
+ Những điều nghe thấy [in vi tính]
+ Tiếng dội từ đất [in vi tính ]
+ Nghe thấy và nghĩ [vi tính ]
+ Họa hủy diệt [in vi tính]
Tùy bút:
+ Sậy dại trước gió mùa[in vi tính]
SẮC PHƯỢNG
thơ
ĐOÀN THUẬN
____________________________________
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT BÌNH THUẬN
Chịu trách nhiệm xuất bản: ĐỖ KIM NGƯ
Biên tập: ĐỖ QUANG VINH
Trình bày: HOÀI VĂN
Sửa bản in TRẦN THÙY NHI
Tranh bìa trước: HỒ HƯU THỦ
___________________________________________
In lần 1: 300.cuốn . Khồ 13x19cm
Tại công ty Cổ Phần In và Bao Bì Bình Thuận
Giấy phép xuất bản số 068/GPXB
Do Sở VHTT Bình Thuận cấp ngày 19/9/2006
In xong và nộp lưu chiểu tháng 10 năm 2006.
_______________________________________
In lần 2&3
* Bổ sung nhận định của
TRẦN CÁT TƯỜNG
và CAO HOÀNG TRẦM
* In bằng vi tính, số lượng hạn chế.
.
tranh của Jean Baptiste Camille |
.
.
.
.
.
.
.
.
.
SẮC PHƯỢNG
Trời chợt đổ mưa về xóm học,
một mình tôi đưới bóng mùa thu,
mái trường xưa trong lớp mưa mù,
nghe xao xuyến tấc lòng rẻ dại.
Con đường thơm ngày nào ái ngại,
chân ngập ngừng theo dáng chiều rơi,
dưới bóng hoa phượng đỏ chân trời,
hương cây cỏ trong hồn vô lượng.
Từ độ ấy một mùa hoa phượng,
nắng hanh vàng vương bước chân qua,
một người đi dưới bóng mưa hoa,
sân trường nhỏ thêm mùa xa vắng.
Đêm sách vở, đêm dài thầm lặng,
một trang đời nghiên bút ngày xanh,
tóc và hương và mắt long lanh,
sắc phượng thắm vào hồn đau nhức.
Chân trời cũ mưa chiều không dứt,
một mình tôi trở lại trường xưa,
nhớ người đi dưới bóng hoa mưa,
và sắc phượng đỏ màu tưởng niệm.
MIỀN PHƯỢNG XƯA
Trong tôi có một mái trường,
một căn gác trọ, một đường hoa bay,
một ô cửa bóng trăng đầy,
một hoa phượng ép cuối ngày hạ mưa,
Một hình bóng lẫn trong xưa,
một trang lưu bút chưa đưa tới người,
một hàm số tuổi đôi mươi,
một lời đáp, một nụ cười trăm năm.
Một ngày rồi đã xa xăm.
Cỏ hoang khuất lối. Bến âm thầm thuyền.
Lá chiều rụng xuống vô biên.
Tôi về, bước nhẹ, qua miền phượng xưa.
Sai Gòn, 1963
CÁT SỸ
tranh của Valentin Serov
nguồn internet
TRƯỜNG HUỲNH
tưởng nghĩ về Chu Văn An
Áo xanh am cỏ Đình Văn cũ
”Nhất hồ thế giới bất tri thu”
Trường Huỳnh nặng nỗi đau nhân thế
Một án thư treo vách sương mù.
NGƯỜI GIEO HẠT
kính tặng thầy Giản Chi
Ở nơi ấy có người hẹn đến
Gọi chim về gieo hạt lũng xa
Những trang sách thơm lừng hương cỏ
Và lời chiều thiếp ngủ trong hoa.
Sài Gòn, 1969
CHIỀU VĂN KHOA
tưởng nhớ thầy Đông Hồ
1.
Thầy về cõi cao khiết
Lặng yên chiều Văn Khoa
Bên kia mùa bụi phấn
Phượng thắp lửa vào hoa.
2.
Trang sách đậm hương trà
Ai về hồ Đông xa
Trăng xưa in bóng nước
Chiều yên thắm màu hoa.
Đại học Văn Khoa Sagon, 1971
THẦY TÔI
Kính tặng thầy Nguyễn Đức Hiếu.
Cây bàng xanh nghiêng trong chiều xuân.
Về thăm trường xưa lòng bâng khuâng.
Gót giầy trên những thềm rêu đá,
Như bước thời gian về rất gần.
Lời thầy xưa nghe như trong mơ.
Bao mùa êm đềm như lời thơ.
Mái đầu tóc trắng trên trang viết,
trên những trang đời của em thơ.
Thầy ngồi bên song trong bao đêm.
Sương khuya giăng giăng mờ ánh đèn.
Tưởng thầy như chẳng bao giờ ngủ.
Bài soạn từng ngày ngổn ngang thêm.
Đôi khi thầy buồn và âm thầm.
Thầy như người về từ trăm năm.
Ưu tư hằn nếp trên vầng trán.
Sách vở bút nghiên hồn xa xăm.
Luôn luôn thầy hiền như cha tôi.
Trang nghiêm thầy khuyên răn từng lời.
Chăm lo từng đứa học trò nhỏ,
cả người ra trường đi muôn nơi.
Cây bàng nghiêng che chiều êm trôi.
Trường xưa con về, thầy đi rồi.
Nửa đời theo gió sương cát bụi,
vẫn tưởng còn như đứa trẻ thôi.
Bà Rịa, 1965
CÔ TÔI
kính tặng cô Lê thị Bích,
cô Khưu Sỹ Huệ
Một mùa học nữa lại đi qua
Vẫn đứng thản nhiên cây phượng già
Đâu biết trong tôi bao thương nhớ
Cô của tôi xưa bao ngày xa.
Vẫn nhớ ngày nao thuở ấu thơ.
Câu chữ đầu đời lời ngây ngô.
Ngọng nghịu đánh vần tên đất nước.
Nắn nót từng dòng theo tay cô.
Tôi được lớn khôn giữa đất trời,
nhờ dòng sữa Mẹ ru bên nôi.
Cô dắt dìu đi từng bước nhỏ,
từ lớp học xưa vào cuộc đời.
Năm tháng dần qua như cát bay.
Còn nguyên nỗi nhớ một phương này.
Cô như người Mẹ thời bé bỏng.
Nuôi lớn hồn tôi đến hôm nay.
Mỹ Tho, 1972
TẠ ƠN THẦY CÔ
Con đến sau mùa hoa.
Ngát đòng hương nhớ Người Gieo Hạt.
Núi tạc lời sông xa.
Sài Gòn, 1964
NHỚ NGƯỜI GIEO HẠT.
Người từng gieo hạt mùa sau.
Nơi hoang vu đất, giữa màu hoa phai.
Trên trang vở, giấc mơ dài.
Bên đồi nhóm lửa, bếp ngày đèn đêm.
GHI NHỚ
Xưa mái trường thôn dưới chân đồi.
Giữa miền hoang thảo dòng sông trôi.
Lời cô thầy thấm trong nghĩa chữ.
Một thuở hồn nhiên lay lắt tôi.
Sài Gòn, 1964
CÁT SỸ
tranh của Lion Augustin Lhermitte.
nguồn internet
CÓ MỘT NGÔI TRƯỜNG
Thì thôi, phố hạ mù xa.
Đã bao mùa phượng đi qua đời mình.
Sao còn trong nỗi lặng thinh ?
Những trang vở, những dáng hình ngây thơ
nghiêng nghiêng trong ánh chiều mờ
và nghiêng trên một vần thơ đầu đời.
Một con đường nhỏ xa xôi.
Một ngôi trường ở trong tôi không lời.
VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ
Quẩn quanh lưu lạc tôi về
Lặng trong nỗi nhớ bạn bè thầy xưa.
Cỏ xanh phai úa đôi mùa,
Và đây màu phượng đỏ mưa trường chiều.
Một hành lang vắng buồn hiu,
Bụi thời gian phủ ít nhiều ghế con.
Buổi chia tay mấy năm tròn
Ngày xa lớp học đã mòn tiếng ru.
Bao mùa mỏi bước phiêu du,
Từ xa xưa ấy vi vu lời sầu.
Mùa thu nào đọng mưa ngâu.
TRƯỜNG TẢN CƯ
tưởng nhớ Thầy Hai Thắng
Tản cư hạ gió thu mưa
Giữa vùng Sao Cháy lưa thưa xóm nhà.
Ngôi trường mở đến lớp ba
Vách cây mái lá, nắng hoa rơi đầy.
Dù Thầy đi lính đánh Tây,
Lời xưa Thầy dạy còn đây trong lòng
Vắng Thầy, trời đất mênh mông
Bạn bè lớp cũ chìm trong tháng ngày
Đồi xanh lau lách cỏ cây
Thẳm sâu nỗi nhớ bóng ngày bé thơ.
Tân Thắng, 1960
TRƯỜNG SAO CHÁY
Suối Đá một ngày về dạo chơi
vài cánh hoa phai rụng lâu đời
nắng mưa hằn dấu lên gộp đá
lá mục như từ muôn kiếp rơi.
Đâu lớp học xưa thuở i tờ
bưng biền sâu khuất xóm tản cư
ngày nao dưới mái trường Sao Cháy
lời thầy thuở ấy như lời ru.
Trên vết đạn bom rừng lên nhanh
dưới cỏ lau in bước lữ hành
bà con xóm mạc bao thu trước
bóng tạc vào hoa bên non xanh.
Đâu đó nghe đầy tiếng chim vui
lối hoang rẫy rậm vắng thưa người
cỏ cây đất đá um tùm sống
sương núi hương rừng bãng lãng trôi.
Rừng Sao thôi Cháy, xanh nương đồi
Suối trong lèn Đá về xa xôi.
Thầy xưa bạn cũ thời niên thiếu
như vẫn còn nguyên trong hồn tôi.
Tân Thắng, thu 1965
TRƯỜNG BẾN LỘI
Theo lối phượng tôi về Bến Lội
Đời đổi thay như đã trăm năm
Làng chài nhỏ giờ thành phố thị
Nhưng thầy xưa vẫn mãi xa xăm.
Tiếng trống trường vang bên phố mới
Hàng cây nghiêng bóng của một ngày
Như khách lạ bên đường thiên lý
Nhặt cánh hoa lòng nhớ không khuây.
LỚP MỤC ĐỒNG
Chăn trâu thả láng thả bưng
giúp nhau học chữ ven rừng bên sông,
ê a từng tiếng vỡ lòng,
giữa đồng mông quạnh tịnh không học trò.
Que than thay bút trời cho.
làm bài tập viết trên mo cau rừng.
với con chữ đói, chữ sưng,
chữ gầy, chữ rách, chữ lừng lửng no.
Đôi dòng chữ chạm trang mo,
ghi vài mơ ước ấm no sau này.
Trên lưng trâu cặp, trâu bầy,
mơ sao được sống tháng ngày thư sinh ?
Hoa sen từ giữa bưng sình,
hương như thơm thảo trước bình minh xanh.
Mục đồng học lóm loanh quanh,
thầm mong quê mẹ an lành một mai.
Tân Lý, 1960
LỚP LÁNG ĐÁ
Lang thang Láng Đá rừng dầu
Lần tìm lớp học chăn trâu ngày nào.
Nước tràn mặt đá bờ lau.
Tiếng chim tu hú gợi bao nỗi niềm.
TRƯỜNG LÁNG GĂNG
Láng Găng về lại một ngày.
Trường làng lớp cũ vắng thầy cô xưa.
Đôi nhành dương liễu dưới mưa.
Trong tôi như thể đong đưa giọt buồn.
COURS PASCAL.
Pascal, lớp học tráng niên,
Trường tư Quảng Đức, cõi thiền từ bi.
Giúp nhau ôn tập luyện thi.
Ước mong quê mẹ La Gi an bình.
TÌM THĂM LỚP LÁ.
Tìm thăm lớp lá mục đồng.
Bên rừng dầu vắng, ven sông lở bồi.
Nhớ câu lục bát xa xôi.
Lời ca dao cũ một thời tản cư.
TRƯỜNG LA DẠ
Dưới mái Trường La Dạ,
ban đồng song, đồng hành,
ghi lưu bút ngày xanh
khi hạ tàn tạm biệt.
Một lần nhớ mải miết,
dù tùy bút không dài,
dù màu mực dần phai,
vẫn còn trang ký ức.
Vẫn nằm trong tâm thức,
của người đã xa trường,
đã phiêu bạt tha hương,
lưu dấu bao kỷ niệm.
Khoảnh khắc chân trời tím,
tưởng nhớ về dáng hoa,
hiền dịu trong chiều tà,
trên sân trường Xóm Núi.
Tiếng chim rừng bên suối,
hòa âm lời giảng bài,
theo gió rừng thu phai,
một thời Trường La Dạ.
TRƯỜNG MẪU GIÁO TRÍ ANH
Xây một ngôi trường
cho con chúng ta
ngôi trường mẫu giáo
khang trang tường hoa
đỏ tươi màu ngói
Như ở đó,
với bao con người.
bao giọt mồ hôi,
thấm lên nương rẫy
mặn thêm biển khơi.
với bao ước vọng
qua từng cuộc đời.
Có cô giáo trẻ
như người mẹ hiền
có đàn em bé
hát vang sân trường.
Ngôi trường ngói đỏ,
như đóa hồng tươi.
Ôi, quê hương ơi,
xin dâng lên người.
Về
TRUNG HỌC BÌNH TUY
Năm bảy mươi hai có một thầy
Hà Tiên nhiệm sở chuyển về đây.
Trường tư Quảng Đức kèm cua tối.
Công lập Bình Tuy dạy lớp ngày.
Giữa chợ bon chen đều chẳng biết,
Ngoài đời khôn dại cũng không hay.
Ăn lương chính ngạch ở nhà mướn.
Một vợ ba con sống đủ đầy.
Bình Tuy,10.1972 .
Thăm
TRƯỜNG CHÂU VĂN TIẾP
Trường Châu Văn Tiếp tôi về thăm.
Bạn hữu thầy cô đã bặt tăm.
Mái ngói nghiêng rêu sầu mấy hạ.
Hành lang khuất dấu lạnh bao năm.
Con đường hoa mộng vào mê đắm.
Nếp áo thư sinh lấm bụi lầm.
Trong bóng phong sương mùa chuyển dịch.
Mưa thu từng giọt rơi âm thầm.
Nhớ về
TRƯỜNG SỸ TÃI
Hai tháng học, nhớ hoài trường Sỹ Tãi
Dù khói sương cát bụi lấp lối về.
Mùa phượng vĩ nở buồn qua trí tưởng.
Thầy Cô xưa ẩn hiện trong giấc mê.
Thầy Kiêm giảng khởi đầu “Nhành lúa mới”,
Cùng chúng tôi nhìn lại góc quê hương.
Giặc càn quét đạn bom cày nát đất.
Dân đen về xuống mạ những đêm trường.
Cô Linh vẽ “Đường cây xanh” tít tắp.
Tuổi thơ tôi theo nét cọ về xa,
Thả mơ ước vào khung trời an tịnh.
Để xuân thu màu sắc tự phai nhoà.
Thầy Hiệu Trưởng chân tình ngày khai giảng:
”Cần thành tâm học hỏi để làm người.
Nhân bất học, tức thị, bất tri lý.
Học với thầy với bạn, học ở đời “.
Trường Sỹ Tãi giúp tôi vào Đệ Thất,
Cho lòng tôi nhận ra nghĩa nhân văn.
Nơi thăm thẳm giữa muôn trùng thiện ác,
Lời Hiền Nhân như tiếng vọng vĩnh hằng.
Sài Gòn, 1974.
Nhớ
MÁI TRƯỜNG XƯA.
Cuối đời vẫn nhớ trường xưa,
dù bao sương gió nắng mưa dập vùi.
Trong tôi thầm lặng ngậm ngùi.
Thầy Cô còn mất ngược xuôi thế nào.
Bao điều giảng dạy ngày nao,
như lời khuyên nhủ ngọt ngào khó quên,
giúp tôi từng bước vững bền,
vượt qua tăm tối gập ghềnh xót xa.
Nguyên lý giáo dục cộng hòa.
”Nhân bản Dân tộc” mở ra ngọn nguồn.
Đạo lý “khai phóng” giao thương.
Tu tâm dưỡng tánh hiền lương “làm người”.
Học Văn một, Học Lễ mười.
Nhân văn khoa học xây tươi “vườn đời”.
Người học chữ nghĩa đạo trời
nhận ra tiếng nói xu thời điêu ngoa.
Nền giáo dục thời Cộng Hòa,
tạo người có Đức,Tài hoa cho đời.
Thảo Điền, 2014
tranh Johanne Von Bremen
nguồn internet
ĐI HỌC
Một áo trắng xinh
cho ngày tuổi nhỏ.
Một con đường phố
cho rợp bóng cây.
Một sân trường này
cho đầy phượng vĩ.
Một trang vở nhí
cho lá thuộc bài.
Một mùa hạ dài
cho em mong đợi.
một năm học mới
được lên lớp trên.
TRƯỜNG MỚI
Em học trường mới
Mái ngói lầu cao
Cửa sổ kính màu
Và tường vôi trắng
Ở ngoài sân nắng
Hàng cây phượng già
Như đứng chờ hoa
Cành xanh bóng mát
Nhiều bạn học khác
Ở tận thôn xa
Trường như cái nhà
Mái còn lợp lá.
Vùng cao rẻo lạ
Cõng chữ đến trường
Thầy cô thân thương
Vượt ngàn gian khó
HỌC VẦN
Ai ca u ơ
Khi chiều hết nắng
Bóng trôi lờ mờ
ngang thềm nhà vắng.
Tiếng ai ru hờ
ru chú dế ngủ
gật gà gật gù
trong lùm cỏ rủ.
Thuyền ai neo chờ
lờ đờ sông chảy
lặng im như tờ
dưới bờ lau sậy.
Sương đêm dật dờ .
Em như mơ thấy
học vần bên cô
phấn bay đầy vậy.
THUỞ DẠI KHỜ
Thuở ấy, vì đời, tôi mộng mơ.
Vì yêu hoa, ngây ngô dại khờ,
mơ mùa xuân thắm đời tươi thắm
bên Mẹ vui cùng sách và thơ.
Mùa học đầu tiên rồi đi qua.
Con tàu xuôi, ga thôn thẩn thờ.
Mình tôi đối mặt đời trong đục,
Đêm về lo sợ đầy trong mơ.
Bình thản sân trường áo trắng bay.
Riêng tôi gió bụi trên vai đầy.
Mẹ nghèo dưới mái lều mưa nắng.
Sách vở một ngày như khói mây.
Đời lắm ưu phiền tôi vẫn mơ,
vẫn nguyên mộng ước buổi dại khờ,
vẫn mong trở lại miền phượng cũ,
sống lại một ngày tuổi ấu thơ.
MỘT BUỔI HỌC TỐI
Trò xưa học dưới sao đêm.
Tưởng như còn đó bên thềm trăng non.
Ở đâu mười sáu trăng tròn.
Mùa thi vội đến, trăng còn chơi xa.
Ngại khi xế bóng trăng tà,
Những đêm thức với canh ba chong đèn.
Ngày đi kèm trẻ phố quen,
Đêm về nhóm lửa cài then học bài.
Người xưa, nay đâu còn ai.
Bên đời heo hút dấu hài rêu phong.
Một tôi ngồi giữa mênh mông,
Những trang sách mở theo dòng thời gian.
Câu văn chữ nghĩa ẩn tàng.
Từ nền văn hiến bốn ngàn năm dư.
Giúp tôi, một kẻ khờ ngu.
Lần tìm ra lẽ thực hư cõi đời.
TÔI VÀO ĐẠI HỌC
Tôi từ biển mặn, đồng ruộng xanh,
một trẻ chăn trâu lên tỉnh thành
dò dẫm tìm đường vào đại học,
nhiều năm ở trọ nơi Sài Thành.
Hòn Ngọc Viễn Đông, miền đất lành.
Phương Nam, đậu lại cánh chim xanh.
Văn minh Lúa Nước nền Âu Lạc.
Thoát ly phong kiến sau chiến tranh.
Dù như du tử phận mỏng manh,
vẫn theo nguyên lý sự vận hành,
Nhân bản Dân tộc và Khai phóng,
mở tầm hiểu biết dưới trời xanh.
Ở nhờ ăn đậu sống âm thầm,
tự thân rèn luyện xa mê lầm,
kèm trẻ tư gia, dạy tư thục.
nương tựa vào người có thiện tâm.
Dân quê dân phố nghèo hay giàu,
tình làng nghĩa xóm động viên nhau,
giúp trẻ học hành đến thành đạt,
xây đời an lạc cho mai sau.
Sài Gòn,1963
QUA NHỮNG MÙA HỌC
Lặng yên đường xóm học.
Sách khép vào mùa thi.
Sân trường im tiếng trống.
Lưu bút tiễn hạ đi.
Ai mê say hoàng hoa.
Ai buồn vui phương xa.
Ai biệt mùa học cũ.
Vàng lá rơi thu qua.
Về đâu, chim di rét ?
Liễu hồ đời xanh buông.
Ánh lửa chiều xóm trọ
Lớp học mờ trong sương.
Ngày xuân trôi xa dần.
Trang viết dài bâng khuâng.
Hương giấy thơm mộng ước.
Áo trắng thêm phong trần
tranh của Jean Baptiste Camillie
nguồn internet
NƠI TRỌ HỌC
Gác cây dưới tán hoa xoan,
nơi tôi trọ học ngổn ngang sách đèn.
Vì đời trôi nổi bao phen
thân như bèo dạt ao sen đầm lầy.
Chốn này hoa thoảng hương bay
từ bờ cúc dại, từ cây xoan già.
Cõi kia phố thị phồn hoa,
nhà hàng cửa hiệu quán ba vũ trường.
Hạ sang phượng thắm pha sương.
Em xưa từ giã sân trường lệ rơi.
Người đi kẻ ở bồi hồi.
Tuổi thơ hoa mộng một thời sang trang.
Tôi nơi gác cũ vườn hoang,
bạn cùng cây cỏ cùng trang sử vàng,
lời xưa nghĩa cũ mênh mang,
âm thầm suy niệm giữ an tâm mình.
Rạch Chiếc, 1962
MÙA TRỌ HỌC
Bao mùa trọ học đất Sài Gòn
giúp tôi dần xa tầm trẻ con,
với phận quê mùa sống khép nép,
lủi thủi nương thân giữa mất còn.
Ngày đầu lưu lạc nơi phồn hoa,
trọ lại thôn nghèo ngoại ô xa,
đường đi nước bước còn lạ lẫm,
bạn với sương khuya với chiều tà.
Người có thiện tâm như xót xa,
thương kẻ bơ vơ không cửa nhà,
sẻ chia cơ hội vào đại học.
nhường phần kèm trẻ tại tư gia.
Giấc mơ Kiến Trúc rồi phai nhòa,
đành chọn văn chương với Văn Khoa,
theo Ban Việt Hán vào Sư Phạm,
một mai nối gót ông đồ già.
Thập niên 60 hồn nhiên trôi,
Sư Phạm tiễn tôi về xa xôi,
Trung học Hà Tiên, nhiệm sở mới,
từ giã Văn Khoa lòng bồi hồi.
Đất trọ Sài Gòn như quê hương.
Một tôi du tử lại tha phương.
Kỷ niệm buồn vui trong lưu bút.
Hành trang mang theo chỉ gió sương.
Sài Gòn, 1969
HẺM TRỌ
Hẻm Nancy nhạt nhòa ánh điện đêm,
trong bóng mưa nặng hạt xuống mặt thềm,
vang theo mưa, tiếng đàn cò Chín Trích,
nghe nỉ non từng giọt âm dịu êm.
Ngoài trời mưa, chuông xe khua leng keng
Nơi gác trọ, bút nghiên với sách đèn.
Nghiên đọng lại nước hương tóc mây cũ.
Bút ghi tròn nốt “mi” giọt lệ quen.
Mưa tạt vào trang lưu bút ngày xanh.
Màu mực phai, dòng chữ lem vòng quanh.
Nhưng kỷ niệm còn in trong ký ức.
Nước mắt buồn rơi rơi nguyên âm thanh.
Dù tạnh mưa, tịnh yên dưới mái lầu,
vẫn còn lan miên man giọt đàn bầu,
hàng rong rao êm tai khắp phố cũ,
đàn guitar, tiếng hát ru đêm thâu.
Nancy,1963
XÓM TRỌ
Bên bờ Rạch Chiếc mưa chiều bay
nước tràn ruộng cỏ, đẫm vườn cây,
ướt sũng lối mòn về Xóm Trọ,
mương ao bỏ dại ngập sình lầy.
Mưa tạt vào nhà tôn vách cây,
cạnh gò hoa dại, khóm sậy gầy,
nơi người nghèo khó đến trú ngụ,
mồ côi lưu lạc trọ qua ngày.
Gác ván ẩn mình dưới nhành xoan,
nước rụng trên mái như nhịp đàn
hòa âm òn ên cùng ếch nhái,
dế rít nỉ non nơi vườn hoang.
Sách vở lặng thinh khi mưa rơi,
bút nghiên con chữ im không lời
giọt mưa rơi dài ngoài thềm gạch
như dấu chấm than thả xuống đời.
Rạch Chiếc, 1962
HOA NƠI GÁC TRỌ
Nơi gác trọ sách đèn,
tôi cùng hoa làm quen,
thầm buồn nhìn xoan tím,
thoáng vui với hương sen.
Cúc dại không theo mùa,
chẳng nhuốm màu hoa mua,
luôn với tôi tươi thắm,
đâu mắc cở thẹn thùa.
Lan đất bên bờ đường
tiễn chân tôi qua trường
dù đông sầu lạnh giá,
hay thu muộn pha sương.
Dạ lý hương dã quì
cùng tôi thức ôn thi
nhụy cong những dấu hỏi
về bài toán xuân thì.
Giữa mùa hoa lưu ly,
tôi giã từ kinh kỳ,
nhớ cánh xoan tim tím,
dáng sen hồng nhu mì.
GÁC TRỌ CŨ
Gác trọ mùa hạ sang,
sách vở đầy bụi vàng
nằm im bên nghiên bút
nhìn ra nhành cây xoan.
Ngày nao trên gác cây,
bao lần hoa xoan bay,
ước nguyện yêu thương mãi,
dù cay đắng đọa đày.
Lưu bút ngày em đi,
mực tím màu chia ly
ghi lại bao kỷ niệm
bên nhau buổi xuân thì.
Đường mòn còn mình tôi
mắt mờ nhớ lệ rơi
chỉ thấy hoa tàn rụng,
hương lặng tĩnh bồi hồi.
Vườn hoang vắng người về,
liễu biếc rũ lê thê,
bên ao sen chiều muộn
lòng buồn thêm tái tê.
XÓM HỌC.CŨ
Ai về nơi chân mây
bỏ quên miền thơ ngây
vô tư bên đèn sách
những mùa hoa xoan bay.
Đường thơm bao kỷ niệm.
Lưu bút ghi hẹn chờ.
Giờ nơi ngàn dặm khuất
thư cũ mực phai mờ.
Lối hoa đầy khói sương,
phía hồ thu liễu dương,
còn đây bao đêm thức
người nhớ người một phương.
GÁC TRỌ XƯA.
Hoa xoan tàn rơi đầy sân hoang.
Niềm vui xa, còn đây bàng hoàng
Gác trọ cũ, mái tôn nghiêng đổ.
Nền gạch bông, cỏ dại rêu lan.
Đường thay tên ngang qua nhà em.
Ai môi son ung dung sau rèm.
Người lạ lẫm, u già khuất bóng.
Em về đâu, đời vắng xa thêm
Đâu nhà xưa, đâu ngày êm đềm.
Hoàng hôn buông phong lan trăng đêm.
Thời hoa mộng sân trường xóm học.
Như khuất vào nỗi nhớ dịu êm.
Rạch Chiếc,1966
PHƯỢNG VĨ
Hè về lại nhớ mái trường
Nhớ hoa phượng vĩ để hương cho đời.
Từ hành lang giọt nắng rơi
Nhớ bao bạn học một thời hồn nhiên
Trán thơ ngây, mắt dịu hiền
Những trang sách mở nghiêng nghiêng mái đầu.
Nhớ dòng phấn kể xưa sau
Chuyện cha ông, chuyện tình sâu nghĩa nồng.
Như trời cao như dòng sông
Nhớ người dựng nước Lạc Hồng lâu nay.
Một cánh chim, một ánh ngày
Trường xưa lớp cũ, bóng mây bồi hồi.
Mùa về quê Mẹ xa xôi.
Nhớ sao cây phượng cuối trời nở hoa.
Hà Tiên, 1971
CHIỀU GÁC TRỌ
Từ biệt trường xưa và dòng sông.
Một chiều gác trọ buồn mênh mông.
Áo xanh gói lại mùa học cũ.
Người đến người đi cũng như không.
Ánh lửa song thưa mưa âm thầm.
Ngây ngô ước vọng về xa xăm.
Như hoa xoan tím bên hàng xóm.
Lời chiều rụng xuống bờ trăm năm.
Bài toán nhất phương bao đêm thâu
còn nguyên ẩn số thuở ban đầu.
Những pho sách cổ thơm hương giấy
đâu biết buồn vui ở mai sau.
Sớm muộn gì rồi cũng chia phôi.
Ta đi mang theo một nụ cười,
Một hoa phượng ép trang lưu bút,
Niềm xót xa nhau trước phận người.
TỪ GIÃ THƯ SINH
Chia tay anh em, ta ra đi.
Đêm lặng ngoài xa, sương thầm thì.
Gác trọ ngổn ngang đời lưu lạc.
Nhầu nát thơ văn, sách mùa thi.
Bài toán nước non bao phương trình.
Tay không, đời bạc áo thư sinh.
Phương chiều, đồ thị, ngàn thông số.
Đêm tối tìm đâu trục tung hoành .
Hành trang mang theo có bao nhiêu.
Đoá hoa phượng đỏ của tình yêu.
Đôi dòng lưu bút xanh bè bạn.
Dáng Mẹ già nua dưới mái chiều.
Phân ly, ta buồn chiều quê hương.
Sách vở mờ phai theo dặm đường.
Anh văn , toán học, thơ mới cũ,
Khép lại từng trang dưới mái trường.
TỪ BIỆT
Phút giây tay rời tay
ta cúi đầu từ biệt
với bao niềm luyến tiếc
dưới mái trường quê hương.
Trả về người phố phường
nắng vàng vương mái tóc
trên đường chiều tan học
những ước mơ ban đầu.
Thôi bây giờ còn đâu
sương mềm trên mái phố
cùng bên nhau lo sợ
cuộc buồn vui sau này.
Thôi một lần qua đây
để một đời nhớ mãi
biết khi nào trở lại
tháng ngày miệt mài trôi.
Mai này ta đi rồi
giao trả người cõi đó
một phương trời tuổi nhỏ
những dại khờ nên thơ.
tranh của Đạng Can
nguồn internet
ĐI DẠY
Ra trường đi dạy trong lặng thinh.
Giã từ đèn sách thời thư sinh.
Xuôi về Miền Tây nhận nhiệm sở.
Xa quê, tự lắng tiếng lòng mình.
Vào đời, tôi nguyện cùng cộng đồng
học hành tu tập đạo cha ông
Nhân bản Dân tộc và Khai phóng,
Từ nền văn hiến dòng Lạc Hồng
Ngẫm tôi như sậy trước gió sương.
Thân phận mỏng manh lắm đoạn trường.
Dăm con sâu dữ luôn rình rập.
Đôi đóa hoa xinh dịu dàng hương.
Thế thời lùi lại trong bóng đêm.
Nhìn ra ánh sáng soi ngoài thềm.
Dò dẫm tìm về chân thiện mỹ.
Tự dưỡng tâm an, trí tỉnh êm.
Sai Gòn,1969
TỰ NGHĨ
Rất yêu trẻ, tôi làm người dạy học
để được gần, được sống với tuổi thơ
vì điều ấy, suốt đời tự hỏi
đã yêu thơ yêu trẻ từ bao giờ.
Nhiều người sợ một nghề bạc bẽo
bởi người thầy như kẻ đưa đò
tôi lại sợ chính mình yếu kém
chẳng làm gì giúp ích em thơ.
Đã bao năm nhiều lần lên lớp dạy
vẫn thấy mình còn lắm vụng về
chưa nói được những điều muốn nói
nên trở về buồn lặng trong mê.
Cũng có lúc muốn đi tứ xứ
để học thêm nhiều ít ở cuộc đời
nhưng mắt trẻ cứ kéo tôi về lớp
tiếng học bài như sóng vỗ trong tôi
Tóc sớm bạc không do nghề đạm bạc
mà do ta chưa hiểu hết lời thơ
của ai đó từ ngàn năm trước
như vầng trăng lúc tỏ lúc mờ
Cứ như thế qua bao mùa học
tôi nghĩ mình đang tuổi đến trường
e ngại trước bao trang bài soạn
và lòng như có mối tơ vương.
ĐI DẠY ở HÁ TIÊN
Ra trường, tôi chuyển đến Hà Tiên.
Cuối trời đất nước biệt một miền.
Kiên Lương Rạch Giá, vùng oanh kích.
Lênh đênh kênh rạch một đêm thuyền.
Hai chiếc va li một cây đàn,
đôi ba quyển sách làm hành trang.
La Gi quê mẹ xa ngàn dặm.
Châu thổ sông dài trời mênh mang.
Đất nước chiến tranh lắm đoạn trường .
Tôi vì cơm áo lại tha phương .
Những mong gửi gắm lòng thương nước
vào đàn em nhỏ của quê hương.
Cứ ngỡ tôi như cụ đồ già,
bụi đường mưa gió tóc sương pha,
bút nghiên khăn gói dăm ba chữ,
về ngồi dạy trẻ miệt vườn xa.
Hà Tiên,1969
ĐẾN TRUNG HỌC HÀ TIÊN.
Con đường Tô Châu rợp bóng dương,
bờ dậu cây xanh lẫn quỳnh hương,
đàn chim se sẻ trên mái ngói,
như đưa tôi đến một sân trường
Cổng vào dưới tán cây phượng già.
Cuối hạ còn vương đôi đóa hoa,
đong đưa cuối nhành lá non biếc.
Làm nhớ trường xưa nơi quê nhà.
Quanh sân huệ trắng từng khóm dài,
như lặng yên nghe tiếng giảng bài
tiếng rơi bụi phấn bên bảng viết.
lời văn âm lạc ra hiên ngoài.
Thư sinh áo trắng chăm học hành
Nghiêng trên sách vở mái đầu xanh.
Ghi nhớ bao điều được giảng dạy.
Lặng tĩnh trầm tư về mộng lành.
Trung học Hà Tiên, tôi đến đây,
trong tình thân thiện của cô thầy,
với dòng văn chương Chiêu Anh Các
Hà Tiên Thập Cảnh thơ mộng này.
VỀ LA GI DẠY HỌC
Xa Mẹ từ nhỏ, sống tha phương.
Đi học đi dạy tại nhiều trường.
Từ giã Hà Tiên về quê cũ.
Thầm lặng buồn vui ngày hồi hương.
Bao mùa lưu lạc sầu lê thê,
ước momg Đất Tổ được quay về,
dù ở làng chài hay xóm ruộng,
dù phải đối diện với não nề.
Ngày tôi thuyên chuyển về La Gi
Dạy Trường Công lập tỉnh Bình Tuy,
Trường tư Vinh Tân, Trường Quảng Đức.
Gặp lại bao người từng chia ly.
Đất xưa hội ngộ nhóm Tứ La,
thân hữu chăn trâu thời tuổi hoa,
cùng nhau tìm hiểu về nguồn cội
Huyền thoại Dinh Ông với Đảo Bà.
Về bên ba má bên mẹ già,
thân bằng quyến thuộc nơi quê nhà,
cùng gia đình nhỏ sống êm ấm,
Giấc mơ thơ dại như nở hoa.
La Gi, 1973
VỀ TRUNG HỌC BÌNH TUY
Bao mùa lưu lạc chia ly,
tôi về Trung học Bình Tuy quê nhà.
Hàng dương liễu biếc thước tha.
Đôi nhành phượng vĩ đỏ hoa học đường
Ngỡ như hương cũ còn vương.
Trường làng mái ngói, nền tường đá xanh.
Nhớ xưa mơ được học hành.
Nay cùng đồng nghiệp đồng hành đồng song.
Tha phương khốn khó long đong,
hồi hương sống lại thuở hồng hoa niên.
Thư sinh áo trắng hồn nhiên
giúp tôi ôn chuyện bút nghiên một thời.
Bao trang vở chép mộng đời
Đôi dòng phấn trắng kể lời tổ tông.
Với nền giáo dục Cộng đồng,
Nhân bản Dân tộc Lạc Hồng nghìn năm.
Bình Tuy trung học lặng thầm
đã từng gieo hạt ươm mầm trong tôi.
Bình Tuy, 1972
MỘNG ƯỚC
Nghe Mẹ nói lúa đồng đang chín
mà sao con nghĩ lúa non xanh.
Mẹ đang sống những ngày thư thả.
Con vẫn mong đất nước yên lành.
Mẹ và cháu trong chiều yên ả .
Lời ca dao như xoá niềm đau.
Con đến lớp với lòng rộn rã
cùng đàn em gieo hạt mùa sau.
Vầng trán em trang đời đang mở.
Chim én về đất nước vào xuân.
Đường phấn kể những mùa lịch sử.
Ta như quên gian khó nhọc nhằn.
Ở đâu đó cõi bờ mộng ước,
Con đường vui thơm những mùa hoa.
Đàn em nhỏ nô đùa phố mới
Và sân trường bay bổng lời ca.
BUỔI SÁNG ĐẾN LỚP
Đi bên em trên đường đến lớp
Áo trắng lay trong gió đầu ngày
Làm nhớ lắm về thời cắp sách
Cuối phố chờ nhau buổi học dài
Ánh nắng nhuộm vàng trên mái tóc
Ngỡ như lòng lắng một hương hoa
Hương của tóc qua môi dịu ngọt
Của lá thư buồn vui xưa xa.
Cùng bên nhau sớm mai đến lớp
Mà nghĩ đời nhiều nỗi mong manh
Trang bài soạn gửi niềm mong ước
Dân được ấm no, trẻ được học hành.
Làm cô giáo giờ em gầy lắm
Tóc của anh cũng đã điểm sương
Đời mưa nắng có nhau bên cạnh
Đi mãi về sau một con đường.
Riêng tặng Kim Thoa
CÁT SỸ
TIẾNG
HOA RƠI
Bất chợt mùa về ngang thành phố.
Sân trường áo trắng hồn nhiên vui.
Riêng em áo cũ, màu hoa đỏ,
vẫn mắt nai hiền thoáng xa xôi.
Vẫn tóc thơm quen, hương dịu cúc.
Kỷ niệm mùa đi chìm theo lời.
Bàn tay thon nhỏ, trong tay phấn,
chạm xuống hồn ta tiếng hoa rơi.
Lối trúc hiên rêu nhẹ gót hài.
Dấu mùa sắc cỏ bóng chiều phai.
Tưởng đâu người cũ vời xa mãi.
Giờ lại cùng nhau nối gót Thầy.
Tặng quí sinh viên sư phạm
Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, 1965
BÊN
THỀM ĐẠI HỌC
Một thoáng nắng bên thềm đại học
cũng đủ vàng mái tóc em
một buổi sáng xanh trong mắt biếc
đủ ru ta đôi phút êm đềm.
Chừng như có điều gì e ấp
sách cầm tay mà lòng ở đâu xa
như thời gian hẹn chờ lâu lắm
tà áo mân mê tay nhỏ thật thà
Trời yên gió sân trường thật vắng
và lòng ta yên tĩnh bên em
như rất đủ trong chiều suy nghĩ
em và ta đâu cần nói gì thêm.
riêng tặng Kim Thoa
Đại học Van Khoa Sài Gòn, 1969
VÀNG BƯỚM
Đường đời xuôi ngược đã qua.
Bến xuân sông vắng cỏ hoa dại đầy.
Ánh trăng nghiêng lạnh hàng cây.
Gió mùa bấc thổi buồn lay lắt thuyền.
Bao ngày sách vở bút nghiên.
Bao mùa phượng vĩ rơi nghiêng khung trời.
Sân hoa sứ rụng không lời.
Hoàng hôn sương phố ru đời vào mơ.
Từng trang lưu bút ngây thơ
Ghi mùa vàng bướm bên bờ đường quê.
Trường xưa lớp cũ đi về.
Nay, im tiếng trống tiếng ve cung đàn.
Thầy cô cách mấy quan san.
Bạn bè xa vắng bàng hoàng nhớ mong.
Mái trường bụi phả sương phong.
Con đường phượng cũ tịnh không tiếng cười.
La Gi,1975
THĂM GÁCTRỌ CŨ
Thăm lại vườn xưa khu Thảo Điền
Gác cây nền đá chiều tịnh yên..
Huệ đỏ đôi hàng viền lối sỏi
Một miền ký ức thuở hoa niên.
Sân gạch thềm hoa xanh.rêu phong
Thiên lý tàn khô hương phiêu bồng.
Cội mai lặng lẽ bên khóm trúc.
Bàn thiên nhang khói hồn tĩnh không.
Mái tôn vách ván nơi góc vườn.
Từ biệt ra đi bao mùa sương.
Nhà cũ lạ người, em xa vắng.
Bên hoa còn lại nỗi đau buồn..
Tưởng ngày khói lửa sẽ qua đi.
Đất trọ phố nghèo nơi kinh kỳ
Ta về nhóm lửa đêm hoa mộng.
Ngờ đâu thăm thẳm đường biệt ly.
Thảo Điền,1976.
SÂN TRƯỜNG MÙA HẠ
Người về xóm học đã thưa.
Những trang vở khép vào xưa cũ dần.
Hàng dương liễu đứng bâng khuâng.
Tiễn mùa sang hạ, mưa ngần ngại bay
Bước chân gõ guốc phố này,
Áo em trắng những tháng ngày thư sinh.
Sân trường giờ lại vắng thinh.
Thềm ngoài lớp học, rêu in sắc chiều.
Thuyền xa, bờ chợt cô liêu,
Đàn chim bay khuất, quanh hiu núi đồi.
Nghỉ hè, em lại xa xôi,
Mình ta giữa cõi muôn lời cổ thi.
Lá thu xanh gọi mùa đi,
Ngoài ô cửa lớp mùa thi qua rồi.
Đường về xóm học chia đôi.
Vắng em bụi phủ chỗ ngồi lặng yên.
Những chiều ru gió sau hiên,
Tưởng em ngồi học một miền quê xa.
Mong ngày hạ trắng mau qua,
Em về bước nhỏ lối hoa mộng này.
Trường Nguễn Huệ,,Lagi 2003
TRƯỜNG LỚP ĐÃ QUA..
Giã từ lớp cũ trường xưa.
Giã từ đất mẹ nắng mưa bao ngày.
Giã từ đường phượng hoa bay.
Hương nhu thơm thảo tóc mây một thời.
Tản cư lớp học lên đồi,
trong rừng Sao Cháy, bên trời núi non.
I tờ chữ viết bé con,
đưa tôi lần bước dặm mòn bút nghiên.
Năm tư, rời khỏi bưng biền.
Lớp qua Láng Đá rừng thiêng Dinh Thầy.
Lớp theo trâu cặp trâu bày.
Học hành giữa chốn cỏ cây ruộng đồng.
Lên thành, học lớp trường công.
Tú tài đại học hơn vòng thập niên.
Ra trường Sư phạm, chuyển miền
dạy Văn trung học Hà Tiên, miệt vườn.
Sau thời phiêu bạt tha phương,
hồi hương dạy học nơi trường Bình Tuy.
Vinh Tân Quảng Đức La Gi
giúp tôi tịnh dưỡng đạo nghì cha ông.
Rồi khi thống nhất non sông.
Cấp 3 Trung học Phổ thông thay dòng.
Từ trường Nguyễn Huệ Bán công,
về hưu tôi lại buồn lòng xa quê.
Thủ Đức, 2004
PHƯỢNG THẮM
Một đóa quì hương từ tay người.
Tiễn đưa sao chẳng mang nụ cười.
Dù xa cách biệt ngôi trường cũ.
Phương vĩ trong tôi vẫn thắm tươi.
BẾN ĐÒ VẮN
Không ánh lửa chài trên sông.
Không cây đa bến cũ.
Tiếng gọi đò xưa lẫn khuất mênh mông.
Khách qua đò đâu còn ai trở lại.
Một dòng xanh cùng mây trắng tự trôi.
Những cánh bèo lang mang xa khơi.
Bến đò Sáu Say, 1976
CÁT SỸ
tranh J. Atkinson Grimshaw
nguồn internet
VỀ HƯU
Dù ta chưa đến độ chống gậy lê
nương bóng mây qua bờ trúc cỗi
nhưng đến kỳ
nhường lối hoa cho người trẻ tuổi.
Về đọc bài thơ Nôm dưới mái hiên
thương một thời Côn Sơn của Nguyễn Trãi
bao mùa Lệ Chi Viên
trăng ngàn đời soi lên mấy cõi
Nơi vườn cũ già thêm cội mai
không một bóng thông không một dòng suối
đêm tịnh vắng không trôi
hương nguyệt quế nhẹ qua lối sỏi.
La Gi, 2003
LỐI BÍCH CÂU
Người qua cầu mùa thu.
Lá rơi đầu nguồn bíếc.
Mấy độ tà dương biệt
Lều cây muôn năm trước
Xuân nữa quay bước về
Hoa cỏ đầy bến mê.
Lời quên trong hạt bụi.
Thức giấc dưới ánh chiều
Lối trúc vào quạnh hiu.
ĐƯỜNG VỀ
Xa dần phố chợ đông vui
thôn yên đất cũ ta lui chân về
dấu ngày xác một cánh ve
dấu xưa cõi mộng một khe suối nguồn
Hoa bằng lăng tím trong sương
cỏ lau trắng mấy dặm đường non xa
có hàn sỹ nhặt chiều tà
khuất trong núi vắng lời ca thu vàng.
VỀ VƯỜN
Ba mươi năm lẻ làm giáo viên
về vườn xa lớp vắng bạn hiền
dăm pho sách cổ vài chậu kiểng
mai mọc tường đông trúc bên hiên
Huyết áp tuột hoài ngại áo len
lạnh người nhìn lại lối bon chen
lặng yên dưới mái nhà mẹ cũ
xa khuất thầy xưa bao mùa sen.
Tôi có riêng tôi một góc đời
không ai nhìn ngắm sắc hoa rơi
nhà thôn thanh vắng chim rừng đến
ngày tháng theo mùa tự nhiên trôi.
Tiếng sóng biển xa ru bãi bờ
thôn dâu trăng cũ đọng trang thơ
tôi tạc xuân thu vào hồn đá
tìm trong gốc rễ dấu ban sơ.
NƠI THÔN DÂU
Tôi đã về hưu đâu bao năm
trường cũ kề bên ngỡ xa xăm
lá hoa phương vĩ mùa học trước
như thể rơi đầy cõi trăm năm
Bao ngày mưa nắng cùng bão giông
ta đến ta về bàn tay không
bảng đen phấn trắng hồn yêu trẻ
một tắc lòng quê giữa đục trong
Ai đã ra đi chẳng trở về
buồn vui như gió liễu ven đê
hoàng hoa theo tiếng thời gian vỡ
cát bụi phủ dần lên bến mê
Về với cội mai khóm trúc thưa
giàu có đời cho hương không mùa
nắng mưa sương gió kho vô tận
của cả hôm nay lẫn ngàn xưa.
NƠI PHỐ PHỦ
Khi về phố phủ hỏi thăm nhau.
Bạn học ngày xưa về nơi nào.
Hàng cây bàng nhỏ nay già khú.
Thân rễ xù xì bên bến dâu.
NƠI VƯỜN CŨ
Tôi còn khóm trúc bên tường.
Thoáng rêu xanh phủ và sương đêm mờ.
Trăng rừng trong nửa vần thơ.
Nửa kia để nhớ bến bờ đã qua.
NGHỈ HƯU
Như hoa nở lụn chuyện muôn phương,
Kẻ sỹ về hưu biệt mái trường.
Ngõ trước đôi khi rêu dại phủ,
Vườn sau lắm lúc cỏ hoang vương
Mai gầy ủ lộc chờ mưa nắng,
Trúc thẳng lên măng đón gió sương.
Phố cũ hè xưa đầy cát bụi
Buồn vui một thuở cõi vô thường.
Tân An,7/2003
XUÂN HƯU TRÍ
Đinh Hợi mừng xuân chỉ bấy nhiêu.
Lương hưu gói ghém thà hồ tiêu.
Trà sen khách vắng không lo thiếu,
Bánh tét nhà đông chẳng sợ thiu.
Trúc biếc năm qua luôn tiết thẳng,
Mai vàng tháng nhuận vẫn hoa nhiều.
Đời ta hữu hạn trong vô hạn,
Biết đủ dường như đủ mọi điều
Lagi, xuân Đimh Hợi
ĐƯỜNG TRĂNG
Mây ngang đỉnh núi chờ trăng muộn.
Ai về mòn mỏi nhớ ai xa.
Trăng không tròn mãi trên ngàn biếc.
Lá vẫn rụng vàng hương khuất hoa.
Tháng năm dần mỏng người vội vã.
Một giọt sương nhòa bóng cỏ cây.
Bàn tay đâu lưu màu hương lửa.
Dấu hài lối ngõ gió mưa bay.
Cát bụi phũ mờ đường hoang cũ.
Từng chiều chậm xuống phía hiên hoa.
Không ai về giẫm bờ đất lạnh.
Trăng lẩn khói mù lấp non xa.
HÀN SỸ
Có hàn sỹ nhặt chiều tà
ẩn trong xóm vắng, đường hoa cúc vàng,
sau lưng bỏ dại bờ hoang.
Trường xưa xóm học xa ngàn.
Xuân thu mấy độ bàng hoàng giấc mơ.
Sương trời ủ dột lời thơ.
Tân An, 2003
DƯỚI MÁI RÊU
Ta về lợp lại mái rêu.
Hương hoa đất cũ ngoài lều gió mây.
Bụi tro lạnh phủ bao ngày.
Không còn làm thợ làm thầy.
Ta xin làm bộ, lấy ngày làm đêm,
làm thinh cho lặng lẽ thêm.
THUỶ MẶC
Hay lắm cho ta làm ẩn sỹ
về làng mài mực đầy nghiên trăng
nơi nào bay bổng tiếng tiêu trúc
gối đầu sách cổ mơ sông Hằng
Ta vẽ đời nhau thành thuỷ mặc
ẩn hiện trong chiều suối tóc em
thuyền ta khuất dưới bờ lau trăng
cho nỗi niềm riêng hư ảo thêm
tranh của Thomas Kinkade
nguồn internet
ĐI KÈM TRẺ
1.
Thời thơ ấu, bị buộc đi “kèm chữ.”
Bạn chăn trâu cùng học lớp ven sông.
“Thầy” bé nhỏ hơn những người đi học
mới vừa qua tiểu học bậc vỡ lòng.
Người biết một kèm người chưa biết một.
Bài học đầu ngượng nghịu giọng ê a
Cả lũ khoái cười lăn ra bãi cỏ.
Tôi giật mình xấu hổ bỏ đi xa.
2.
Hơn mười năm, xa quê tìm thầy học.
Con nhà nghèo ở trọ xóm kênh đen.
Ngày đến lớp, tối chiều đi “kèm trẻ”.
Viên phấn cầm trước bảng viết chưa quen.
Học đệ tứ cả gan kèm đệ lục.
Soạn kỹ bài từng buổi làm gia sư.
Cô bé hiền quên mất mình xinh đẹp,
Ngưởng mộ thầy chăm chỉ học vô tư.
3.
Và như thế, mấy năm trời đại học,
sinh viên nghèo dạy thêm các trường tư,
vào Sư Phạm tu luyện nghề đi dạy,
vì biết mình chưa thoát “phận gia sư ”.
Cô bé hiền ngày xưa, không còn bé,
đến mời thầy kèm cháu tại tư gia.
Các cháu nhỏ say mê học ngoại ngữ.
Tôi tưởng tôi như một “ông đồ già”.
4.
Thời trai trẻ, vì nghèo, đi kèm trẻ.
Hơn nửa đời nhìn lại nẻo đời qua.
Học càng nhiều càng thấy mình còn dốt
Viên cuội tròn lăn mãi trước bao la.
Người học cũ giờ đây về trăm ngã.
Người khốn cùng, kẻ phú quí vinh hoa.
Cuộc đời rộng. ai cũng thầy tôi được.
Xin lui về “kèm trẻ” chính đời ta.
NGÂY NGÔ
Đôi khi ta muốn tìm một đệ tử.
Theo kiểu cụ đồ xưa .
Để truyền dăm ba chữ
Dạy một thế võ
Dặn đôi điều nắng mưa.
.
Nhưng nhịp đời không cùng nhịp trái tim .
Một đô la có lằm người xu phụ.
Ta về gõ cửa đền đài mơ ước
Tự biết mình ngây ngô.
La Gi,1976
TRĂNG TRÊN GIÁO ÁN
1.
Một mảnh trăng treo ngoài song cửa.
Yên ả không gian ngát hương đêm.
Trăng thanh bình tỏa trang giáo án.
Trăng với thơ xưa gợi nỗi niềm.
2.
Có phải ánh trăng ngoài ngục tối.
Len qua khe cửa ngấm nhà thơ.
Hồn thơ như gởi theo trăng sáng.
Lan tỏa muôn phương trời tự do.
Có phải ánh trăng trên sóng nước.
Sáng một dòng xuân một trời xuân.
Nhà thơ vẫn thức bàn việc nước.
Nghĩ đến muôn dân giữa thuyền trăng.
Có phải ánh trăng trên đồi núi
đã vào cửa sổ để đòi thơ ?
Nhà thơ khuya ấy đâu hờ hững.
Nhưng chuyện non sông đang đợi chờ.
Có phải ánh trăng đêm rừng vắng
lắng tiếng suối trong, bóng lồng hoa ?
Nhà thơ chưa ngủ đêm khuya khoắc
vì nỗi lo chung, nỗi nước nhà.
Biết bao đêm nữa người không ngủ.
Suốt những canh thâu đợi ánh ngày.
Năm châu bốn biển, đầu điểm bạc
vì nước thương dân, lo ngày mai.
3.
Trăng xưa hạc cũ vẫn còn đây.
Đất nước yên vui với xuân này.
Đêm nay lòng tưởng Người thanh thản
viết tiếp trang thơ ánh trăng đầy.
Trường Dục Thanh, 1975
HẠ TÀN
tặng Võ Ngọc Sơn
Phố ngoài, đường phượng chia đôi.
Sân rêu lớp cũ để rơi giọt chiều.
Những trang sách đã cô liêu.
Chợt nghe trong trúc hiu hiu hạ tàn.
Chưa qua, chiều đã trăng vàng
Sương giăng mờ những dặm ngàn thôn xa.
Thời gian đi qua đi qua.
Rụng rơi từng cánh phượng và tuổi xuân.
HẠ CUỐI
tặng Giáo Hiêu
Khi ngày hạ đã cuối mùa.
Đường về xóm học chợt thưa bóng người.
Ánh đèn trọ tắt đêm vui.
Mấy khung cửa khép, tiếng cười lặng yên.
Hoa tàn hoa nở một miền.
Ai quên ai nhớ bao phiền muộn kia.
Bờ vui bến lạ đã chia.
Người về xa khuất, người khuya khoắt buồn
La Gi, 1975
CÁT SỸ
tranh của Chen Du
nguồn internet
TRANG SÁCH
MÙA TRƯỚC
Sách thơm mùa trước bụi vàng khô
nét chữ trang thư mực đã mờ
cánh hoa phượng ép ngày tháng cũ
lời người heo hút nỗi buồn thu.
Nước triều lên xuống mãi chân đê
mà tuổi đời qua chẳng thấy về
cây đường trút lá chờ thu tới
ai còn chờ ai trong đêm mê,
Trăng tự ngàn đời rụng bên non
hoa nở rồi phai những lối mòn
ta ủ hương xưa vào bóng chữ
màu chiều chợt điểm nét vàng son.
TRANG CHỮ
NGÀY CHĂN TRÂU
Mục đồng đâu phải học trò.
Que than viết chữ trên mo cau rừng.
Chăn trâu thả láng thả bưng.
Ghi lời tiền bối, khắc từng câu thơ.
TRANG MO CAU
Đôi dòng trên tấm mo cau.
Mục đồng khờ khạo ghi bao nỗi niềm.
Từng mùa lưu dấu hoa sim.
Bóng lau bên suối, cánh chim lưng trời.
TRANG SÁCH CŨ
Những trang sách ám bụi dày.
Bìa con mọt nhấm mất ngày thư sinh.
Đôi dòng chữ vẫn lặng thinh.
Trong hồn người cũ bao nghìn thu qua.
TRANG VỞ CŨ
Một trang vở thuở đầu đời,
Nằm yên dưới lớp bụi thời gian qua.
Bổng dưng một buổi chiều tà.
Hồn văn bóng chữ gọi xa lắc về.
tranh của Carl Wilehm
nguồn internet
TỰ THUẬT
Trọn một đời tôi dưới mái trường,
Bao mùa phượng thắm để tơ vương.
Thư sinh áo vải buồn xa Mẹ,
Giáo chức trường làng sống với lương.
Sách cổ dăm pho nghiền ngẫm ý,
Lan rừng mấy chậu tự nhiên hương.
Nhà xưa xóm cũ về nương náu.
Một tấc lòng quê trước gió sương.
TỰ TRÀO
[bài 1]
Lỡ thầy lỡ thợ hay lần khân,
Lúc tỉnh khi say đâu một lần.
Dạy học quanh mùa không đủ chữ,
Phụ hồ đôi lúc chẳng nên thân.
Buồn tình tạc tượng chơi, vài bức,
Hứng chí làm thơ thử, mấy vần.
Ít bạn nhiều hoa giàu gió cát
Đi về quanh quẩn một vuông sân.
TỰ TRÀO
[bài 2]
Khổ cực chân quê xấu lạ thường.
Nửa đời bầm dập sống tha phương.
Chăn trâu ở mướn thời thơ ấu,
Dạy học làm thuê buổi thị trường.
Chẳng biết cúi luồn, nhiều kẻ ghét,
Không quen nịnh bợ, ít người thương,
May sao cũng có con và vợ,
Đỡ tủi thân nghèo, bớt gió sương.
TỰ BẠCH
Khách lạ ngờ ta sống khác thường,
Về hưu lẳng lặng giữa quê hương.
Đôi lần khẩn thiết ra ngoài phố,
Suốt tháng an nhiên ở góc vườn.
Tạc tượng ghi sâu tình cố quận,
Trồng hoa ôn lại thú văn chương.
Thăng trầm cơm áo đầu mau bạc,
Chẳng bạc lòng son, chẳng khác thường.
Tân An, 2003
TỰ CẢM
Cây cỏ theo mùa tự nở tàn,
Hương trời mấy cõi vẫn mênh mang.
Người đi núp bóng nơi quyền thế,
Kẻ đến tìm vui chốn mộng vàng.
Chân tín giữa đời nuôi trí sáng,
Nghĩa nhân muôn thuở dưỡng tâm nhàn.
Dù cho trái đất đầy dông bão,
Gia đạo ngàn xưa chẳng xoá tan.
THU VỀ
NHỚ NGUYỄN KHUYẾN
Một chúm vàng tơ giữa lá cành.
Mưa ngâu tiểu cúc chợt thêm xanh.
Nhớ xưa Nguyễn Khuyến về Yên Đổ.
Treo ấn Tam Nguyên biệt thị thành.
Lánh đục về trong bên trúc biếc.
Chia cay xẻ đắng với dân lành.
Nụ hoa bé nhỏ mùa thu ấy.
Giữ mãi hương mưa đượm khiết thanh.
NHỚ BẠN
Bên tách cà-phê ngồi một mình.
Vườn mai đợi nắng ấm bình minh.
Nghe chim khách hót trên cành trúc.
Nhớ tiếng cười vui thuở học sinh.
Gác trọ chiều mưa câu chuyện phím.
Đường hoa áo trắng mối tâm tình.
Ta nay tóc bạc còn lưu lạc,
Bạn khuất thầy xa núi lặng thinh.
tranh của Đỗ Duy Tuấn
nguồn internet
TRANG TỰ SỰ
Từ biệt mái xưa buổi thiếu thời.
Dưới hoa mấy nẻo đất và người.
Sau mùa bấc biển, dấu xưa khuất,
Trước lửa đầu non, sắc phượng rơi.
Khoảng lặng của hoa, mùa thạch thảo.
Lời chiều dưới tượng, tạ ơn đời.
Rong chơi cát bụi cùng đời sậy.
Mộng lửa đêm mưa ở cuối trời.
[ từ in nghiêng là tên tập thơ của Đoàn Thuận]
tranh của Đặng Can
nguồn internet
ĐOÀN THUẬN
một gia sư
Sau ngày đình chiến, trai trẻ
nơi làng quê đa số thất học. Dân làng, người góp của kẻ góp công, lập ra
những lớp học “bỏ túi” đến tận những xóm nghèo xa xôi hẻo lánh giúp
trẻ em có diều kiện học tập. Tại làng Tân Lý, các cụ già nhờ những
người biết chữ như ông kèm chữ cho những người nghèo khổ mù chữ.
Thời thơ ấu, bị buộc đi kèm chữ.
Bạn chăn trâu cùng học lớp ven sông
“Thầy” bé nhỏ hơn những người đi học
Mới vừa qua tiểu học, bậc vỡ lòng.
Ông đã chập chửng bước vào con đường “kèm trẻ”
từ buổi dại khờ và tự nhận ra mình còn kém cỏi, cấn phải học tập nhiều
điều, dù ông rất mong muốn giúp những người bạn nghèo cùng lứa tuổi
“biết chữ”. Do vậy, ông rời quê lên phố tìm việc làm để tiếp tục con
đường học vấn. Nhiều dịp may đã giúp ông quay về công việc “kèm chữ “ bỏ dở nơi quê nhà, thực hiện mong ước của một thời bé con.
Hơn mười năm xa quê tìm thầy học
Con nhà nghèo trọ học xóm kênh đen.
Sáng đến lớp, tối chiều đi kèm trẻ
Viên phấn cầm trước bảng viết chưa quen.
Lúc đầu, một số nhà giàu thuê
ông kèm cặp những trẻ học năm đầu bậc tiểu học. Về sau, ông kèm cả toán
lý hóa cho học sinh ở lớp cao hơn .
Học đệ tứ cả gan kèm đệ lục
Soạn kỹ bài từng buổi làm gia sư
Cô bé hiền quên mất mình xinh đẹp
Ngưỡng mộ thầy chăm chỉ học vô tư.
Từ đó, ông được nhiều người biết đến như một “gia sư”
chuyên luyện thi tú tài, thi tuyển vào đại học và đôi khi dạy ngoại ngữ
cho học sinh chuẩn bị du học.
Năm 1964, Nha Tư thục cấp giấy
phép cho ông dạy tư và đã dạy tại nhiều tư thục ở Sài Gòn. Dù vậy, ông
vẫn duy trì một số buổi dạy miễn phí ở gia đình vì ân nghĩa, vì muốn
giúp đở hoc sinh nghèo, đặc biệt đối với một số người nghèo trốn quân
dịch muốn lấy tú tài.
Và như thế, mấy năm trời đại học,
sinh viên nghèo dạy thêm các trường tư
vào Sư Phạm tu luyện nghề đi dạy
vì biết mình chưa thoát phận gia sư.
Năm 1969, Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, chính thức vào ngạch “giáo sư trung học”, gần
như ông không còn là một gia sư đi kèm chữ kèm trẻ tại tư gia của
người đi học, nhưng lại giành khà nhiều thời gian “phụ đạo” miễn phí cho
học sinh nghèo, tại nhà riêng của ông. Đồng nghiệp và phụ huynh thân
quen gọi đùa ộng là “gia sư phụ” vì ông đầu tư khá nhiều công sức cho việc “dạy phụ ở nhà” ngoài việc “dạy chính” ở trường.
Năm 1975, sau khi học tập cải tạo, ông được trả quyền công dân, thuộc loại“giáo viên lưu dung” về trường cũ hướng dẫn học sinh lao động và dạy Văn 2 lớp 10. Chương trình giáo dục gần như xa lạ với ông, nặng về chính trị, nhẹ về khoa học.”Dạy tốt học tốt” thay phương châm “tiên học lễ hậu học văn”. Cả nước rập khuôn một “giáo án”gồm 5 bước lên lớp. Người dạy học không được quyền“soạn bài” theo cách riêng, phải thực hiện nghiêm mọi sự chỉ đạo của cấp trên.
Ông tự nhận thấy ông không đủ
khả năng và không phù hợp với mội trường giáo dục mới. Nhiều lần ông xin
ra khỏi ngành nhưng không được chấp nhận. Ông cũng không muốn bỏ ngang
và ở lại vì tấm lòng yêu trẻ.
Cũng có lúc muốn đi tứ xứ
để học thêm nhiều ít ở cuộc đời
nhưng mắt trẻ cứ kéo tôi về lớp
tiếng học bài như sóng vỗ trong tôi.
Trong nhiều năm, ban ngày ông
đến trường làm việc, đêm về làm thợ hồ, đúc bia mộ, nối nghiệp của Ba
ông. Đây là nguồn sống chinh của gia đình trong thời bao cấp. Ông như
một người thợ hơn là một người thầy.
Tranh thủ sống nhờ bàn tay thợ
Đúc bia mộ, phụ hồ, gia công hàng mỹ nghệ
Trồng hoa cây kiểng, thêm ít rau màu
Buồn vui có nhau nương náu bên đời
Lên lớp dạy như đi lao đông,
dù viết chữ trên bảng đen hay nói một điều gì phải đúng với “mục đích
yêu cầu” ghi trong giáo án. Ông như một người tập sư vụng về dù đã đứng
trên bục giảng nhiều năm.
Đã bao năm nhiều lần lên lớp dạy
vẫn thấy mình còn lắm vụng về
chưa nói được những điều muốn nói
nên trở về buồn lặng trong mê.
Trong khi, những trai làng nghèo
khổ bỏ dở viêc học, bao trẻ em lam lũ theo gia đình đi kinh tế mới bỏ
nhà bỏ đất, đâu được đến trường. Ông rất muốn trở lại công việc kèm trẻ
trước kia nhưng không được phép và ông“chẳng làm gì giúp ích em thơ”.
Nhưng rồi một cán bộ cấp cao ở tỉnh, biết ông từng làm gia sư, đã
nhờ ông luyện thi vào đại học cho hai đứa cháu ở La Gi. Nhân vệc này,
ông mở những buổi “phụ đạo miễn phí” cho học sinh nghèo tại nhà riêng
của ông ở Tân An. Dù bị cấm “dạy thêm” nhưng “gia sư ” vẫn tồn tại đến ngày về hưu nhờ dạy miễn phí và nhờ sự hổ trợ của vị cán bộ nói trên.
Quảng đời gia sư của ông khá dài, gần như suốt cuộc đời ông, từ khi ”kèm chữ” nơi lớp học ven sông ở làng Tân Lý đến lúc đóng cửa lớp phụ đạo miễn phí trong nhà riêng ở phường Tân An, vào những ngày cuối đời. Quảng đời ấy trải qua bao thăng trầm. Nhiều lúc ông buộc phải từ bỏ nó , nhưng cũng nhiều dịp may bất ngờ khiến ông quay lại con đường cũ. Đời gia sư như một số phân đối với ông. Dù sao nó đã giúp ông thực hiện được ước mơ thời thơ ấu: “Tiếp tục con đường học vấn và giúp bạn nghèo đi học”.
Con đường ấy đã bị phân rã thành hai cảnh đời khác nhau trước và sau 1975.
Trước 1975, người học tự mình gắng
sức học hành để thành người tài đức giúp ich cho xã hội. Người học không
chỉ học chữ mà còn phải học nghĩa, phải “học lễ” trước “học văn”. Người
dạy chỉ gợi mở, hướng dẫn phương pháp để người học tiếp cận với kiến
thức của loài người. Vì vậy, với tư cách một gia sư, ông luôn tham khảo
nhiều tài liệu, soạn bài kỹ cho phù hợp với yêu cầu, với trình độ, vói
hoàn cảnh của người học.
Sau 1975, mọi việc đều được chỉ
đạo, có sẵn khuôn mẫu, ngưới dạy người học răm rấp theo khuôn là đạt yêu
cầu. Học sinh được xếp theo nhiều loại ưu tiên lý lịch. Học sinh ưu
tiên 1 chỉ cần vài điểm có thể vào đại học, trong khi đó học sinh loại
bét phải cần trên 20 điểm. Trong bối cảnh ấy, ông từ môt “giáo sư trung
học” trở thành một “giáo viên lưu dung” có thể chép giáo án của “giáo
viên chi viện” để lên lớp. Ông như người giúp việc cho lãnh đạo giáo
dục.
Sau giải phóng, tôi như một phu chữ
Bỡi tìm đâu ẩn số một tâm hồn
Khi chữ nghĩa đảo điên đời trong đục
Thú và Người lẫn lộn điều dại khôn.
Ngày về hưu, ông như cụ đồ già lẩm cẩm.
Đôi khi ta muốn tìm một đệ tử
Theo kiểu cụ đồ xưa
Để truyền dăm ba chữ
Dạy một thế võ
Dặn đôi điều nắng mưa.
Nhưng nhịp đời không cùng nhịp trái tim
Một đô la có lằm người xu phụ.
Ta về gõ cửa đền đài mơ ước
Tự biết mình ngu ngơ.
Vì thực tế, ngoài chợ đời “đồng
tiền ngự trị trên mọi lương tâm”. Học đường như thương trường, nơi “trò
phản thầy vì bằng cấp bán mua”. Đường đời đầy giông tố xô giạt người
lương thiện vào góc khuất.
Người học cũ giờ đây về trăm ngã
Người khốn cùng, kẻ phú quí vinh hoa
Cuộc đời rộng. ai cũng thầy ta được
Xin lui về kèm trẻ chính đời ta.
Gia sư Đoàn Thuận lui về mái xưa, “kèm trẻ” chính mình để giữ Đạo Nghì ngàn năm của tổ tiên.
Thảo Điền, 2014.
TRẦN CÁT TƯỜNG.
Đôi điều về tập thơ
SẮC PHƯỢNG
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 5 Ngày Thơ Việt Nam (Xuân Nguyên Tiêu Đinh
Hợi), tôi có đôi điều cảm nhận bước đầu về tập thơ Sắc Phượng của Đoàn
Thuận.
Tôi và anh Thuận là bạn rất thân từ nhỏ,thời còn thư sinh, cũng là lúc
tập làm thơ qua trang vở học trò, thường trao đổi học hỏi lẫn nhau cho
đến hôm nay. Tôi rất mến anh với tác phong giản dị từ tốn.
Trong cả cuộc đời làm thầy giáo, anh có những trang viết ghi lại một
thời đã qua dưới mái trường, Nay, anh về vui thú điền viên với vườn hồng
và tạc tượng, anh tự hỏi: Đất mới bao người vui. .
Trường xưa còn ai nhớ ?
Anh là thầy giáo Trần Văn Thuận, một nhà mô phạm, một đời gắn bó với mái trường, với ngành giáo dục, nên “Sắc phượng” cũng là tập thơ duy nhất trong nước đến nay viết về giáo dục, về một người đã trải qua thời thư sinh áo trắng, thời đứng trên bục giảng.
Thời áo trắng: Chúng ta dường như ai cũng có lần cắp sách đến trường, đã từng đi về trên lối mơ hoa:
Tóc xanh áo vải vui đèn sách .
Một thuở đầu đời xa.
Thuở đầu đời ấy vẫn còn nguyên trong ký ức của Đoàn Thuận như một thời hoa mộng:
Một sân trường nhỏ
Đổ bóng hồn ta.
Người đi xa mãi.
Mùa về rơi hoa.
Biết bao kỷ niệm hồn nhiên dưới mái trường xưa, trong xóm học cũ.
Ai về nơi chân mây
Bỏ quên miền thơ ngây
Vô tư bên đèn sách.
Những mùa hoa xoan bay.
và anh đã ghi vào “lưu bút ngày xanh”:
Đường thơm bao kỷ niệm
Lưu bút ghi hẹn chờ
La Gi, Hàm Tân, miến đất cực Nam Trung Bộ, địa phương tiêu thổ kháng
chiến là nơi anh trải qua thời thơ ấu. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong ký ức
của tác giả là mái trường nơi Bưng Biền, với những tên trường đi cùng
năm tháng tản cư như trường Thị Ngọt, Suối Dứa, Sao Cháy.
Đâu lớp học xưa thuở i tờ.
Bưng biền sâu khuất xóm tản cư.
Ngày nao dưới mái trường Sao Cháy.
Lời thầy thuở ấy như lời ru.
Sau ngày bình yên, anh về lại nơi rừng núi cũ tìm thăm, chỉ thấy:
Trên vết đạn bom rừng lên nhanh.
Dưới cỏ lau in bước lữ hành
Bà con xóm mạc bao thu trước
Bóng tạc vào hoa bên non xanh.
Mảng thơ “tạ ơn thầy cô” bày tỏ tấm lòng tôn sư trong đạo rất chân thành. Đối với anh, thầy cô là cha mẹ hiền mà công ơn bao la như sông núi biển cả. Tôi rất tâm đắc những bài “Thầy tôi”, “Cô tôi”…đã chuyển tải cảm xúc sâu lắng bằng chính tâm hồn trong trẻo của người học trò nhỏ và tấm lòng của một nhà giáo nối gót thầy cô.
Cảm xúc của Đoàn Thuận rất mạnh, dội vào tiềm thức, để hồn thơ thấm sâu: Lời thầy xưa nghe như trong mơ.
Bao mù êm đêm như lời thơ
Mái đầu tóc trắng trên trang viết
Trên những trang đời của em thơ.
Với anh,Thầy như Ngưới gieo hạt:
Con đến sau mùa hoa.
Ngát đòng hương nhớ Người Gieo Hạt
Núi tạc lời sông xa.
Cô là người mẹ hiền, như dòng suối mát:
Cô như người mẹ thời bé bỏng
Nuôi lớn hồn ta đến hôm nay
Thời đi dạy học: Qua tập thơ Sắc Phương, chúng ta bắt gặp những lời
tâm sự sâu sắc của một nhà giáo yêu trẻ, yêu nghề, tự rèn luyện phẩm
chất đạo đức của người thầy. Trường lớp và ánh mắt thơ ngây của học
sinh, mái đầu trên vở học, luôn luôn là cái bến neo giữ tâm hồn anh.
Vầng trán em trang đời đang mở
Chim én về đất nước vào xuân
Đường phấn kể những mùa lịch sử
Làm ta quên gian khó nhọc nhằn .
Khắc ghi hình ảnh người thầy xưa, Đoàn Thuận, nguời học trò cũ, lại nối tiếp sự nghiệp thiêng liêng cao đẹp ngày nào:
Lối trúc hiên rêu nhẹ gót hài
Dấu mùa sắc cỏ bóng chiều phai
Tưởng đâu người cũ xa vời mãi.
Giờ lại cùng nhau nối gót thầy.
và đó cũng là ước nguyện của anh:
Tôi trải nửa đời trên bục giảng
Gửi tấc lòng quê cho núi sông.
Cùng đàn em nhỏ vui cấy chữ
Mong những mùa sau nặng trĩu bông.
Tập thơ Sắc Phượng, xuất bản tháng 10 năm 2006, là một trong những đứa
con tinh thần của Đoàn Thuận ở khoảng đời dạy học và sáng tác của anh.
Tập sách ghi lại bước đi bền bỉ theo nghề dạy học và những cảm xúc gạn
lọc giữa cuộc sống thăng trầm.
Hàm Tân, 2007
CAO HOÀNG TRẦM.
.
SÔNG DINH
Cát Sỹ ký họa 1972
Đoàn Thuận
Tên thật là Trần văn Thuận, tự Cát Sỹ.
Sinh năm 1943 tại Lagi, Bình Thuận.
Giáo viên nghỉ hưu tại Thảo Điền,Tp. HCM
[Nguyên hiệu trưởng Trường PTTH Nguyễn Huệ, La Gi.
TRANG VIẾT
Đoàn Thuận
Lục bát:
+ Lời chiều.(lục bát tứ tuyệt) [nxb Trẻ, 1996]]
+ Lửa đầu non. (lục bát trường thiên) [nxb Trẻ, 1999]
+ Tạ ơn đời (lục bát tam cú) [nxb Văn học 2013
+ Đường Thi ( thơ dịch) [nxb Văn Học, 2012]
+ Thơ thiền Vương Duy (thơ dịch) [nxb Thời Đại,,2014]
+ Mây mưa (truyện thơ) [in vi tính]
Thơ Tự do::
+ Mùa bấc biển. [nxb Văn nghệ Tp.HCM,1994]
+ La Gi ngàn xanh [nxb Trẻ 2001]
+ Lửa đêm mưa. [nxb Trẻ, 1998]
+ Khoảng lặng của hoa. [ nxb Trẻ, 2001]
+ Tượng. [nxb Trẻ, 2002]
* Đời sậy [nxb Trẻ 2003]
+ Sắc phượng. [Hội VHNT Bình Thuận,2006 ]
+ Rong chơi cùng cát bụi. [nxb Văn Học, 2012]
+ Mái xưa [nxb Văn học,2013]
+ Dưới hoa [nxb Văn Học 2013]
+ Sài Gòn và tôi. [ in vi tính
+ Mùa trọ học [vi tính]
+ Búp sen (thơ thiếu nhi) [in vi tính]
Thơ Haiku:
+ Mùa thạch thảo [nxb Văn Học, 2013]
+ Giọt mùa (thư pháp) [ in vi tính]
Thơ Đường Luật:
+ Dấu xưa [in vi tính]
Thơ Trào phúng:
+ Đất và Người [nxb Thanh Niên, 2013]
+ Những điều nghe thấy [in vi tính]
+ Tiếng dội từ đất [in vi tính ]
+ Nghe thấy và nghĩ [vi tính ]
+ Họa hủy diệt [in vi tính]
Tùy bút:
+ Sậy dại trước gió mùa[in vi tính]
SẮC PHƯỢNG
thơ
ĐOÀN THUẬN
____________________________________
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT BÌNH THUẬN
Chịu trách nhiệm xuất bản: ĐỖ KIM NGƯ
Biên tập: ĐỖ QUANG VINH
Trình bày: HOÀI VĂN
Sửa bản in TRẦN THÙY NHI
Tranh bìa trước: HỒ HƯU THỦ
___________________________________________
In lần 1: 300.cuốn . Khồ 13x19cm
Tại công ty Cổ Phần In và Bao Bì Bình Thuận
Giấy phép xuất bản số 068/GPXB
Do Sở VHTT Bình Thuận cấp ngày 19/9/2006
In xong và nộp lưu chiểu tháng 10 năm 2006.
_______________________________________
In lần 2&3
* Bổ sung nhận định của
TRẦN CÁT TƯỜNG
và CAO HOÀNG TRẦM
* In bằng vi tính, số lượng hạn chế.
.